Lỗ hổng trong bảo hộ quyền tác giả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/5, Bộ VHTT&DL tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg của Thủ...

Kinhtedothi - Sáng 22/5, Bộ VHTT&DL tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Không phủ nhận, từ khi Chỉ thị 36 đi vào đời sống, người biểu diễn, nhà sản xuất… về cơ bản đã thực hiện nghĩa vụ xin phép, thanh toán nhuận bút cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp quy ở lĩnh vực này còn nhiều lỗ hổng đã tạo kẽ hở để các cá nhân, đơn vị "lách luật", gây thiệt hại cho chủ sở hữu.

Chủ sở hữu chịu thiệt

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và Chỉ thị 36 nói riêng đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, bản quyền các chương trình truyền hình đang bị vi phạm nghiêm trọng với nhiều dạng thức. Điển hình là: Tự ý lấy, tiếp phát sóng chương trình VTV nhưng đến phần quảng cáo thì cắt sóng hoặc chèn quảng cáo của mình vào hoặc tự ý chèn baner quảng cáo trong chương trình mà không xin phép, thỏa thuận; các chương trình đặc sắc (như Táo quân) bị ghi thu, sao chép và phát tràn lan trên internet, thậm chí bị sao in thành băng, đĩa lậu và bán trên thị trường. Nguyên nhân là do quy định tại Điều 16 của Quy chế Quản lý hoạt động truyền hình trả tiền và các hướng dẫn tại Thông tư 09/2012/TT-BTTTT của Bộ TT&TT cho phép doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền được tự ý tiếp phát các kênh VTV1, VTV2, VTV4, VTV5 mà không cần thỏa thuận về bản quyền. Nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng, quy định trên là không phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật chuyên ngành về quyền tác giả, quyền liên quan. Đáng lo hơn là trên các kênh sóng này, nhà đài đã mua hoặc trao đổi bản quyền chương trình với các đối tác trong nước cũng như nước ngoài. Vì vậy, việc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tự ý tiếp phát sóng sẽ khiến các đối tác phản ứng và cáo buộc nhà đài vi phạm hợp đồng bản quyền đã ký kết.

 
 Lựa chon sách tại Nhà sách Giáo dục (187 Giảng Võ, Hà Nội)  Ảnh: Phạm Hùng
Lựa chon sách tại Nhà sách Giáo dục (187 Giảng Võ, Hà Nội) Ảnh: Phạm Hùng
Trong khi đó, nhiều sản phẩm của Thông tấn xã Việt Nam bị sao chép, biên tập lại nhưng không được trích dẫn nguồn. Điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín của Thông tấn xã Việt Nam, mặc nhiên phủ nhận công sức làm việc của các cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Mặt khác, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, đưa "tin tức thời sự thuần túy" không phải trả bản quyền nên nhiều người nhầm lẫn hoặc cố tình đánh đồng với các tác phẩm báo chí được bảo hộ quyền tác giả để vi phạm bản quyền.

Lấp “lỗ hổng” bằng cách nào?

Hà Nội là địa phương có hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang chuyên nghiệp diễn ra hết sức sôi động với hàng trăm buổi biểu diễn mỗi năm. Để quản lý tốt, Sở VHTT&DL đã cung cấp nội dung các chương trình biểu diễn được cấp phép cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam làm cơ sở thu tiền tác quyền. Bên cạnh đó, Sở kiên quyết không cấp phép cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân cố tình không nộp tiền bản quyền tác giả. Tuy nhiên, đơn vị được ủy quyền bảo hộ quyền tác giả, thay mặt các tác giả thu tiền bản quyền đang gặp khó vì không có quy định cụ thể về việc các chương trình tuyên truyền phục vụ chính trị, làm từ thiện, không bán vé, có bán vé… thì thu theo từng bài, bản nhạc hay thu cả chương trình theo phần trăm doanh thu bán vé. Rồi "Nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng về quyền tác giả hoặc cố tình chây ì, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình. Khi Sở không tiếp tục cấp phép thì họ lách bằng cách thành lập công ty khác, thậm chí là vài ba công ty khác. Trong khi việc cấp phép đăng ký kinh doanh hiện nay của Sở KH&ĐT cho các đơn vị tổ chức biểu diễn văn hóa nghệ thuật và hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa khá đơn giản. Vì vậy, rất cần sự phối hợp, có ý kiến của cơ quan quản lý văn hóa trước khi cấp phép cho các loại hình hoạt động này" - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Nguyễn Quốc Chiêm bày tỏ.

Không chỉ vậy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Cần Thơ còn cho rằng, hiện  chỉ có 2 cơ sở đăng ký sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là bất hợp lý. Bởi, một nghệ sĩ ở Cần Thơ phải đi hàng trăm cây số tới TP Hồ Chí Minh đăng ký quyền sở hữu, trong khi có thể sản phẩm đó sẽ không thu được tiền tác quyền hoặc thu được rất ít. Vì thế, cần phải thành lập các văn phòng đại diện đăng ký và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại các tỉnh, thành trong cả nước, tạo điều kiện cho việc đăng ký, giám sát, phổ biến và bảo vệ quyền tác giả. Mặt khác, cần sớm nhân rộng mô hình của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho các chuyên ngành khác như sân khấu, múa, mỹ thuật, văn học, nhiếp ảnh… Ngoài củng cố, lấp những "lỗ hổng" trong hệ thống văn bản pháp quy, các chuyên gia còn cho rằng, cần đưa kiến thức về pháp luật bảo hộ quyền tác giả vào chương trình giáo dục phổ thông, đại học và tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo hộ quyền tác giả. Bởi hiện nay, nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan của đại bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, mà lực lượng có thẩm quyền giám sát, xử lý hành vi này lại thiếu, chưa ngăn chặn kịp thời, chưa đủ sức răn đe.
Tới đây, Bộ VHTT&DL sẽ xem xét, nghiên cứu để điều chỉnh một số nội dung liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP và ban hành một số văn bản mới nhằm khắc phục những vướng mắc trong hoạt động này. 

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn