Kinhtedothi - Liên tiếp trong những tháng cuối năm 2014, hàng loạt sàn vàng ảo đã bị cơ quan công an triệt phá về hành vi kinh doanh vàng trái phép. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an, hiện vẫn còn khoảng 30 sàn vàng đang tồn tại nhưng việc triệt phá rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do quy định hiện hành để xử lý các sàn vàng này vẫn còn chung chung, chưa cụ thể.
Sàn vàng ảo vẫn… nở rộ
Hồi tháng 10/2014, lực lượng công an đã phát hiện và triệt phá sàn vàng thông qua Công ty TNHH Tư vấn – Đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái), thu giữ hàng trăm tỷ đồng, bắt giữ hàng chục đối tượng liên quan. Những tưởng hình thức đầu tư vàng tài khoản sẽ chấm dứt, thì mới đây lại thêm một “ông lớn” khác là Công ty CP Đầu tư tài chính Hà Nội (HGI) tiếp tục sa lưới vì kinh doanh sàn vàng ảo. Và thực tế cho thấy, trên các diễn đàn, trang web trong nước và nước ngoài vẫn công khai mời chào nhà đầu tư (NĐT) tham gia đầu tư vàng ảo. Trên website của các công ty này như thách thức lực lượng chức năng khi hoạt động giao dịch vàng ảo vẫn còn nguyên những hướng dẫn về chơi vàng ảo thông qua phần mềm MT4, cũng như các banner quảng cáo chương trình khuyến mãi dành cho người chơi như đầu tư siêu hấp dẫn, siêu lợi nhuận. Có thể kể đến một số sàn như fxcm.com, xm.com, gfg88.com…
Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) – Công an TP Hà Nội cho biết: Sàn vàng này đã hoạt động từ lâu. Sau khi có quy định của Nhà nước về cấm kinh doanh sàn vàng, họ đã rút vào hoạt động trá hình bằng hình thức góp vốn kinh doanh hàng hóa, nhưng thực tế không có hàng hóa gì ngoài kinh doanh vàng tài khoản. Ngoài hứa hẹn trả lãi suất cao, trả nhanh, các đối tượng còn xây dựng trụ sở công ty lớn, trang thiết bị hiện đại..., tất cả nhằm tạo vỏ bọc bên ngoài, khiến cho NĐT tin tưởng. Trong vụ triệt phá sàn vàng của Công ty CP Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI), cơ quan điều tra đã chỉ ra, HGI có tổ chức huy động vốn dưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư với lợi nhuận cam kết từ 1,5 – 2% tiền gửi tùy theo kỳ hạn. Khi giới thiệu được NĐT, nhân viên được hưởng 0,3% số tiền NĐT ủy thác, nhân viên kế toán được hưởng 2,5%. Còn sàn vàng của Công ty Khải Thái đã tổ chức huy động vốn, ký kết hợp tác đầu tư với khách hàng với lãi suất cao, từ 3 – 3,5%/tháng để Công ty đầu tư kinh doanh tại các sàn vàng quốc tế. Cuối năm 2013, Công ty Khải Thái còn tổ chức hội thảo lớn tại Hà Nội, nhằm kêu gọi các NĐT gửi tiền vào nhiều dự án lớn, lợi nhuận cao. Trên thực tế, số vốn huy động này không được đầu tư vào bất kỳ dự án nào, nhưng NĐT vẫn được trả lãi suất 36 – 42%/năm.
Hiện, việc quản lý sàn vàng, sàn giao dịch ngoại hối được giao cho 3 đơn vị là Bộ Công an, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), song số sàn vàng bị triệt phá mới đếm trên đầu ngón tay. Phản ứng nhanh nhất và gần như duy nhất của NHNN sau mỗi vụ sàn vàng bị đánh sập là lên tiếng khẳng định kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật, đồng thời khuyến cáo người dân về nguy cơ thua lỗ, vỡ nợ. Vậy, lỗ hổng pháp lý nào đang làm khó các cơ quan chức năng trong việc xử lý sàn vàng ảo như vậy?
Thiếu chế tài xử lý
Mặc dù biết trên thị trường còn khoảng 30 sàn vàng chui đang tồn tại, nhưng phía Bộ Công an cho rằng rất khó triệt phá. Đại tá Trần Văn Doanh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: “Mặc dù các công ty này đã hoạt động một thời gian và có diễn biến phức tạp, song quy định pháp luật còn chung chung, nên việc dựa vào các quy định hiện hành để bắt giữ ngay các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn”.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) lý giải, trước hết, theo quy định của pháp luật thì sàn vàng không phải là hoạt động bị cấm kinh doanh, mà chỉ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản phải được Thủ tướng và NHNN cho phép. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có quy định nào về hoạt động của các sàn vàng. “Có nghĩa, NHNN phải đưa ra danh mục điều kiện cho các DN có căn cứ để đăng ký kinh doanh, không thể “lờ đi” văn bản hướng dẫn” - luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, luật sư Trương Thanh Đức cũng nhận định, các quy định về kinh doanh vàng trên tài khoản còn rất chung chung, thiếu rõ ràng. Vì vậy, các DN thường “lách luật”, cho rằng họ không kinh doanh vàng trên tài khoản, mà chỉ kinh doanh hàng hóa trên tài khoản theo quy định về sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó có vàng và ngoại hối. Thậm chí họ chỉ làm dịch vụ hợp pháp trên cơ sở đã có đăng ký kinh doanh. Đó là việc họ nhận giao dịch theo ủy thác hoặc tư vấn tài chính cho NĐT để các NĐT thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch. Mà các hoạt động này chỉ đòi hỏi giấy phép đối với DN tổ chức sàn giao dịch, chứ không đòi hỏi giấy phép đối với người tham gia giao dịch. Nhất là các sàn giao dịch này là của DN nước ngoài, tổ chức hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Ngay Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cũng không quy định rõ về việc xử phạt đối với các hoạt động giao dịch vàng trên tài khoản trái phép. Do đó, quả thật là khó có cơ sở pháp lý để xem xét, xử lý đối với các hoạt động của sàn vàng.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng phân tích, một số vụ công an tiến hành triệt phá sàn vàng gần đây thường gắn với yếu tố lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của NĐT hoặc có sự vi phạm pháp luật khác. “Vì vậy, vấn đề là cần phải có quy định rõ ràng về điều kiện để tiến hành hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, hay sàn vàng trong nước và ngoài nước. Đồng thời, phải chỉ rõ những hoạt động nào không bao giờ được phép, hoạt động nào chỉ được tiến hành sau khi đã được cấp phép và hoạt động nào đương nhiên được phép” - luật sư Trương Thanh Đức nói.
Cơ quan công an phối hợp với cán bộ ngân hàng kiểm tra tiền thu được tại Công ty Khải Thái.
|