Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Lỗ hổng” từ nhiều phía

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế, trong 8 ngày nghỉ Tết đã có hơn 6.200 người phải vào viện do đánh nhau, trong đó 15 người đã tử vong.

Con số thống kê này khiến cả xã hội "giật mình". Trao đổi về vấn đề này với báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xã hội, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cũng không giấu nỗi lo lắng khi mổ xẻ nguyên nhân sâu xa để "kê đơn chữa bệnh".
“Lỗ hổng”  từ nhiều phía - Ảnh 1

Báo động bạo lực

Lần đầu tiên Bộ Y tế đưa ra con số thống kê về tình trạng thương vong do đánh nhau ngày Tết khiến dư luận xôn xao. Song trên thực tế, có phải tình trạng đánh lộn đã có từ nhiều năm trước, chỉ có điều chưa từng công bố, thưa ông?

- Hầu hết mọi người đón nhận con số này đều ngạc nhiên, bởi lần đầu tiên có thông báo chính thức từ ngành y tế. Không phải ngẫu nhiên những người có trách nhiệm, trong đó có Thủ tướng đã thẳng thắn nhìn nhận không thể là con số xem thường được. Rõ ràng, một cộng đồng xã hội, không gian xã hội trong dịp Tết đến Xuân về để xảy ra những náo loạn là cần rung lên hồi chuông báo động. Thực tế là chưa có một cuộc điều tra cụ thể tình trạng đánh lộn nhiều như vậy xảy ra từ bao giờ, nhưng chắc chắn không phải bây giờ mới có. Theo điều tra bỏ túi thì 70% số vụ đánh lộn xảy ra ở người trẻ tuổi.

Không ít người đổ lỗi cho rượu bia là nguyên nhân dẫn đến đánh nhau, nhưng cũng có ý kiến cho rằng sâu xa hơn là dấu hiệu xuống cấp của văn hóa gia đình và nền tảng văn hóa nói chung. Ông có đồng tình với quan điểm trên?

- Ngành y tế đánh giá nguyên nhân của sự việc trên là do rượu bia, đó là nguyên nhân trực tiếp. Còn đối với những người làm văn hóa, người nghiên cứu xã hội như chúng tôi thì lại đánh giá nó ở góc độ gia đình và nền tảng giáo dục. Gia đình là cái phễu, là đơn vị đầu tiên và cũng là nhỏ nhất của xã hội chăm lo cho con người. Những xung đột, va vấp của con người luôn gắn bó với gia đình. Khi xã hội chuyển đổi sang cơ chế thị trường, một số chức năng cơ bản của gia đình bị giảm thiểu, trong đó có chức năng chăm sóc, giáo dục. Giáo dục trong gia đình mắc nhiều sai lầm. Các bậc cha mẹ mải miết chạy theo nhu cầu kiếm tiền nên ít quan tâm con mình học gì, học như thế nào, người trẻ không được chăm lo đến nơi đến chốn.

 
Chị Lê Thị Lành buồn bã chăm sóc chồng là anh Lê Văn Ngọc Hùng (42 tuổi) nạn nhân do đánh nhau trong dịp Tết Ất Mùi tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. 	Ảnh: An Lộc
Chị Lê Thị Lành buồn bã chăm sóc chồng là anh Lê Văn Ngọc Hùng (42 tuổi) nạn nhân do đánh nhau trong dịp Tết Ất Mùi tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: An Lộc
Hơn nữa, 2 - 3 thập kỷ gần đây việc dạy chữ áp đã đảo dạy người trong  nền giáo dục Việt Nam. Dạy người chỉ xuất hiện ở giáo dục bậc thấp như cấp mầm non bằng các câu chuyện kể luân lý cho trẻ nhỏ. Từ giữa trung học cơ sở trở lên, nhà trường không còn chăm lo đến hành xử của cá nhân mà xây dựng những bộ chuẩn ứng xử với số đông, nền giáo dục cũng chuyển sang thời cơ chế thị trường. Khi nhà trường càng chuyên nghiệp, càng chính quy, càng đẻ ra nhiều nội quy, quy tắc, với sự giúp đỡ của phương tiện kỹ thuật, tính nhân văn trong nhà trường vì thế cũng giảm đi.

Vậy là theo ông, nguyên nhân của tỷ lệ người trẻ chiếm số cao trong các vụ đánh lộn là từ "lỗ hổng" nền giáo dục trong 2 - 3 thập kỷ trở lại đây?

- Bên cạnh những nguyên cớ trực tiếp, theo tôi còn liên quan đến tâm trạng xã hội trong giai đoạn vừa rồi của các thành viên trong xã hội. Khi mà cộng đồng trải qua rất nhiều thách thức, có những cái gỡ được, có những điều còn treo phía trước. Nói như vậy không có nghĩa từng cá thể mang tâm trạng lớn lao của xã hội, mà từ vấn đề của xã hội để nảy sinh những bức xúc cá nhân, liên quan đến ẩn ức, mối lo chỉ chờ cơ hội để bùng phát phẫn nộ. Đặc biệt, người trẻ tuổi chưa kiếm được nhiều tiền, nên lúc nào cũng trong trạng thái muốn bứt ra vươn lên, trong khi thực tại khách quan luôn mâu thuẫn với tham vọng.

Trần trụi lễ hội

Thực tế, một vài năm trở lại đây khi các lễ hội nở rộ, nhà nhà người người đua nhau đi lễ, nhiều cuộc hỗn chiến, bạo lực đến thương tích xảy ra. Ông đánh giá như thế nào về chuẩn mực lễ hội hiện nay?

 - Hiện nay, bình quân một năm nước ta có hơn 8.000 lễ hội. Tôi dám chắc là rất nhiều lễ hội được phục dựng, làm "nhái" theo vùng miền khác. Tôi lấy ví dụ như không sử sách nào ghi nhận huyện Phúc Thọ (Hà Nội) có truyền thống tổ chức hội chọi trâu mà chỉ có ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Thế nhưng, một vài năm trở lại đây hội chọi trâu lại diễn ra rầm rộ ở vùng đất ngoại thành Hà Nội mỗi dịp Xuân về. Lễ hội Việt Nam hiện nay rất lộn xộn, hổ lốn, thiếu chuẩn mực; không ngợi ca được các giá trị truyền thống, vững bền của lễ hội chân chính. Văn hóa lễ hội là kỳ dịp để tôn vinh vẻ đẹp riêng, những vị anh hùng, những sự tích của từng địa phương, nhưng xét đến cùng phải là sự hội tụ của 3 đặc tính chân - thiện - mỹ. Tôi đồng ý với ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa là ngành văn hóa nên tinh giản lại số lượng lễ hội.

Không phải đến bây giờ người ta mới nghĩ đến việc tinh giản lễ hội, chấn chỉnh văn hóa lễ hội mà nhiều năm nay, ngành văn hóa đã nâng lên, đặt xuống để cải tổ vấn đề này. Tuy nhiên, không dễ để giải quyết hài hòa giữa phát huy giá trị truyền thống và nhu cầu của người dân. Theo ông, cách nào hợp lý để giải quyết vấn đề này?

- Những cái chúng ta đang đề cao chỉ là khía cạnh cân đo đong đếm được của văn hóa, những biểu hiện bề mặt. Người ta đang trần trụi hóa cái gọi là nghi lễ truyền thống. Ví như câu chuyện cướp lộc nơi lễ hội. Ngày xưa ông cha ta cướp lộc không có nghĩa là gây trọng thương cho nhau mà cướp lộc là hình thức diễn xướng thể hiện sự vươn tới, giành lấy, ganh đua để có được tài lộc. Bây giờ người ta “vào cuộc” với tính chất tranh giành bạo lực, đó là sự xuống cấp của lễ hội.

Giải quyết những mâu thuẫn của lễ hội nhưng luôn dành cụm từ cần sự đồng bộ của các cấp, các ngành, bài toán ở đây là các cấp cụ thể. Nếu chúng ta hô hào tất cả cùng bắt tay vào việc, tất cả cùng xuống đường củng cố thì kiểu gì chặng đầu cũng hân hoan thắng lợi, rồi thực chất lại chẳng ra sao. Theo tôi, điều quan trọng là cơ quan quản lý địa phương phải có chế định cụ thể đâu là lễ hội có giá trị truyền thống để chủ trương tổ chức hay không tổ chức, không cần phải chờ đến cơ quan cấp trên quyết định vấn đề này. Nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL là triển khai hệ thống nghiệp vụ, phối hợp với cơ quan nghiên cứu để chỉ ra được lễ hội nào giữ lại nhiều nhất giá trị truyền thống để phát huy.

Cần kích hoạt giá trị nhân văn

Ở các địa phương hiện nay phát triển rất sâu rộng phong trào thi đua xây dựng làng, xã, phường, gia đình văn hóa. Có thể hiểu giá trị của phong trào này sẽ góp phần giáo dục lối sống cho con người trong thời kỳ mới?

- Về bản chất của phong trào này là mang ý nghĩa như vậy. Tuy nhiên, các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở chỉ mang tính chất phát giấy chứng nhận. Những công việc cần thiết người ta vẫn làm, nhưng lâu nay nó lại mang tính chất biểu dương, thành tích chủ nghĩa nên dẫn đến phản tác dụng. Chúng ta nói xây dựng gia đình văn hóa với những tiêu chuẩn mang tính phổ cập, gia đình nào cũng được, dù đánh nhau cũng là gia đình văn hóa. Chỗ nào cũng thấy làng, phường, công sở văn hóa. Văn hóa phải hiểu theo nghĩa giá trị là phải hành xử theo đạo lý, học tập và làm việc theo quy tắc chứ không phải là con số thống kê bề nổi. Bên cạnh đó, việc dạy người phải được ngành giáo dục thực hiện thường ngày trong bài giảng, không chỉ ở môn học xã hội, đạo đức, trong trích giảng văn học mà còn gửi gắm trong các đề bài toán, vật lý.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan tìm biện pháp giảm bớt con số bạo lực qua mỗi năm. Theo ông, yêu cầu này có dễ thực hiện?

- Đó là điều không dễ, nhưng có thể làm được. Muốn làm được điều này thì cuộc vận động xây dựng tổ chức đời sống của cộng đồng phải theo hướng kích hoạt lại những giá trị nhân bản nhân văn tốt đẹp trong xã hội. Ví dụ Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nếu đi vào thực chất không chỉ là cuộc vận động thuần túy trong tổ chức Đảng mà rộng rãi trong toàn thể cộng đồng. Có điều là tính năng động, sự thuyết phục, giá trị đích thực cần phải được biểu đạt cụ thể hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!