Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo lắng vì giữ vàng miếng không phải SJC

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những ngày gần đây, không ít người dân đang giữ vàng của các thương hiệu khác (ngoài SJC) như vàng SBJ của Sacombank, vàng PNJ của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận... cũng bắt đầu rục rịch đi bán để đổi sang thương hiệu SJC hoặc chuyển tiền qua kênh đầu tư khác cho yên tâm.

Lo số vàng đang nắm giữ sẽ khó bán hoặc bị giảm giá mạnh nếu dự thảo mới của nghị định quản lý vàng được thông qua, nhiều người đã mang vàng (không phải của SJC) đi bán.

Chị Nguyễn Thị Thùy Chi (ở Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) vừa mua 2 cây vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tháng trước, thời điểm giá là 46,7 triệu đồng. Từ trước tới nay, nếu mua vàng chị Chi và gia đình chỉ mua vàng của Bảo Tín Minh Châu nhưng vài ngày nay, chị lo ngại số vàng đang nắm giữ sẽ không được giá.

"Tôi mua vàng không phải với mục đích đầu cơ, chỉ để cất giữ và tiết kiệm, khi cần thì bán ra. Nhưng nếu Nghị định mới thực thi, tôi thấy khá hoang mang và có lẽ mấy ngày tới sẽ đem bán để đổi thương hiệu vàng khác.Trước tôi còn định mua thêm nhưng tình hình này chắc phải nghĩ lại", chị Thùy Chi cho biết.

Không chỉ vậy, giá vàng của Bảo Tín Minh Châu lại giảm mạnh so với mặt bằng chung trên thị trường, có lúc thấp hơn tới nửa triệu đồng. Ngay lập tức chị Lê Phương Hoa (ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) đã mang vàng đi bán để đổi sang thương hiệu SJC dù vừa mua vàng Bảo Tín Minh Châu với giá 45 triệu đồng cuối tuần trước. Chị Hoa chấp nhận bù thêm tiền để mua vàng SJC với giá hiện nay trên 46 triệu đồng để "yên tâm". Chị lý giải: "Thấy giá vàng Bảo Tín Minh Châu hạ mạnh như vậy tôi thấy rất lạ, thường thì nó luôn ngang với thị trường. Sợ sau này không được giá nên tôi đi bán và mua vàng SJC luôn".

Chị Lan, nhân viên một công ty truyền thông, người giữ vài cây vàng AAA của Agribank, cũng đang trong tâm trạng lo lắng, thấp thỏm. "Chưa đủ tiền mua nhà nên tôi mới mua vàng để giữ. Dù vẫn chưa đi bán nhưng quả thực tôi đang rất lo số vàng không bán được giá".

Trên thực tế, trong những ngày gần đây, không ít người dân đang giữ vàng của các thương hiệu khác (ngoài SJC) như vàng SBJ của Sacombank, vàng PNJ của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận... cũng bắt đầu rục rịch đi bán để đổi sang thương hiệu SJC hoặc chuyển tiền qua kênh đầu tư khác cho yên tâm.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh vàng thừa nhận, thông tin về dự thảo có ảnh hưởng đến lượng giao dịch vàng gần đây. Riêng Công ty Bảo Tín Minh Châu, khách đến giao dịch để bán chiếm khoảng 90%, ít người mua dù giá vàng thương hiệu này đang rẻ hơn so với thị trường.

Giải thích về việc vàng Rồng Thăng Long giá thấp hơn so với các thương hiệu khác, ông Vũ Minh Châu, Giám đốc Bảo Tín Minh Châu cho biết, người bán nhiều hơn người mua nên công ty phải giảm giá bán như vừa qua. "Do có những thông tin về dự thảo nên người dân đến bán vàng nhiều hơn. Chúng tôi mua vào xong, buộc phải phải bán buôn cho các bạn hàng với giá rẻ, không bán được cho người tiêu dùng được nhiều", ông Châu nói.

Bảo Tín Minh Châu từ thứ 7 cũng đã ngưng đổi ngang vàng miếng Rồng Thăng Long.

Thừa nhận lượng vàng tiêu thụ gần đây có giảm và lượng mua vào nhiều hơn bán ra nhưng bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, tại công ty này không có hiện tượng người dân đến bán vàng đã mua trước đó để đổi sang vàng SJC. Bà Cúc cho rằng sở dĩ người ta bán ra nhiều là do giá đang cao nên muốn chốt lời. Lượng vàng miếng PNJ công ty này mua vào, theo bà Cúc, trong những ngày gần đây khoảng 1.000-1.200 lượng, bán ra khoảng 700-900 lượng.

Dự thảo Nghị định mới về quản lý thị trường vàng vừa mới được Ngân hàng Nhà nước trình lên Chính phủ và chưa có kết quả chính thức có được thông qua hay không. Tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo các đơn vị sản xuất vàng đều khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi của những người dân đang nắm giữ vàng của họ trong trường hợp chỉ có SJC được gia công, sản xuất vàng miếng.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ khẳng định: "Dù dự thảo trên có được chấp thuận thì người tiêu dùng nên nhớ rằng, việc lưu thông vàng miếng PNJ vẫn bình thường. Khi đó chỉ ngừng sản xuất mới chứ không cấm những vàng miếng đã sản xuất được lưu hành". Đại diện của PNJ cũng khuyên người dân nên bình tĩnh, bởi nếu vội vàng bán vàng đang nắm giữ mua vàng của thương hiệu khác chắc chắn sẽ bị thiệt hại do chênh lệch mua bán cũng khá lớn. "Nếu làm như vậy, người bị thiệt hại đầu tiên chính là người dân", bà Cúc nói.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc công ty vàng Agribank thì cho rằng: "Người dân không nên hoang mang, lo lắng vì đây mới chỉ là dự thảo. Kể cả nếu nghị định này thực thi, Agribank sẽ cố gắng mua vào vàng AAA bằng hoặc cao hơn giá vàng quốc tế một ít, tùy vào biến động thị trường, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng". Cũng với quan điểm này, ông Vũ Minh Châu, Giám đốc Bảo Tín Minh Châu cho biết, nếu tình huống trên xảy ra sẽ lựa vào tình hình để lên kế hoạch bảo vệ khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ dự thảo về Nghị định mới quản lý kinh doanh vàng. Trong đó, dự thảo chỉ cho phép những doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng, chiếm từ 25% trở lên thị phần sản xuất vàng miếng trong 3 năm liên tiếp gần đây nhất, được gia công sản xuất vàng. Chiếu theo quy định này, sẽ chỉ còn một mình Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, hiện chiếm khoảng 90% thị phần, đủ điều kiện. Còn lại, 7 đơn vị sản xuất vàng miếng khác, sẽ không thể tiếp tục.