Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo lún, nứt, nghiêng tại các chung cư cũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nhiều nhà chung cư cao tầng xây dựng trong giai đoạn trước những năm 80 hiện đang đứng trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

KTĐT - Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nhiều nhà chung cư cao tầng xây dựng trong giai đoạn trước những năm 80 hiện đang đứng trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Riêng TP HCM và Hà Nội đang có trên 150 khối nhà chung cư với quy mô gần 10.000 căn hộ đang ở mức nguy hiểm cần phải sớm được phá dỡ, xây dựng lại để bảo đảm an toàn.

Nhà số 49 Huỳnh Thúc Kháng đổ sập, nhà trong ngõ 20 Huỳnh Thúc Kháng đang nghiêng, thêm vào đó là nỗ lo về động đất khiến nhiều người giật mình "nhớ lại" thực trạng của không ít chung cư cũ. Thực tế là những nhà chung cư cũ bị sụt lún nghiêm trọng không phải là hiếm trên địa bàn một số quận trung tâm như Đống Đa, Ba Đình. Vấn đề này đã kéo dài nhiều năm và vì nhiều lý do, người dân vẫn phải chấp nhận sống trong những tòa nhà như vậy. Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có trên 20 khu chung cư, tập thể có tuổi đời trên dưới 40 năm, như Giảng Võ, Văn Chương, Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Vĩnh Hồ, Nghĩa Tân, Thanh Xuân, Thượng Đình, Kim Liên... Nghị quyết 34 của Chính phủ yêu cầu, đến năm 2015 phải hoàn thành việc xây dựng, cải tạo chung cư đã hỏng, xuống cấp, hết niên hạn sử dụng ở các đô thị trên cả nước. Đối với chung cư bị hư hỏng nặng hoặc xuống cấp nghiêm trọng, cần có biện pháp di dời ngay các hộ dân đang sinh sống để thực hiện phá dỡ, xây dựng lại. Trong quá trình triển khai, mặc dù rất ráo riết nhưng việc thực hiện cải tạo chung cư cũ tại các địa phương đều không đạt tiến độ yêu cầu.

Điển hình cho sự xuống cấp của các khu chung cư cũ phải kể đến khu tập thể Bộ Tư pháp trên phố Kim Mã Thượng (phường Cống Vị, quận Ba Đình) hiện đang lún nghiêng chừng 30 cm so với chiều thẳng đứng. Hàng trăm người dân sống tại đây hoang mang suốt nhiều năm vì các khối nhà ngả về phía sau. Hiện khu tập thể cũ này có 63 hộ gia đình sống trong 3 khối nhà nằm liền nhau. Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm qua, khối 1 và 3 đã tách khỏi khối 2 (nằm giữa), như tường của khối nhà 2 và 3 tách rời nhau hàng chục cm, khoảng cáchgiữa các tòa nhà ngày một rộng ra.

Mức độ lún, nứt của tập thể Bộ Tư pháp có lẽ chẳng thấm vào đâu so với chung cư nghiêng Phương Liệt (quận Đống Đa) hay nhà lún I2 Nam Thành Công (quận Đống Đa) đã được phá dỡ để xây mới. Suốt hàng chục năm, nhà I2 bị lún tới gần 1m. Các căn hộ đều bị nứt nghiêm trọng, cầu thang gần như rời hẳn khỏi tòa nhà. Còn hơn cả nhà I2, nhà C1 Thành Công (quận Ba Đình) còn bị lún tới gần 2m. Gần như toàn bộ tầng 1 của tòa nhà bị chìm trong lòng đất. Ấy vậy mà người dân vẫn phải sống cả chục năm trong những tòa nhà nguy hiểm cấp độ D - mức độ nguy hiểm cao nhất.

Th.s Nguyễn Hữu Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội cho biết, việc xảy ra lún sụt tại nhà tại khu Thành Công và nhiều nơi khác của Hà Nội có nguyên nhân khách quan. Đó là do các lớp đất đặt móng bị lún hoặc do tác động của các công trình xây dựng xung quanh. Ông Bình giải thích, nền đất yếu hay tốt phụ thuộc vào quy mô và tải trọng công trình xây dựng. Do vậy, nếu chỉ ỷ vào nền đất tốt mà xây dựng công trình lớn, cao tầng nhưng không có biện pháp xử lý nền móng thì công trình bị lún và có thể kéo theo các công trình nhỏ xung quanh. Một lý do khác rất quan trọng đó là do tải trọng công trình vượt quá sức chịu tải cho phép của lớp đất đặt móng trong khi lớp đất đó không được xử lý, gia cố phù hợp. Bên cạnh đó, do thiếu kiến thức, người dân xây dựng tự phát theo kinh nghiệm dân gian, cơi nới cải tạo tùy tiện, không khảo sát địa chất công trình và trình độ, chất lượng thi công kém.