Thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy cho học viên cai nghiện trên địa bàn TP Hà Nội ngày 25/6. |
Diễn biến phức tạp
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, từ đầu năm đến nay, toàn quốc xảy ra hơn 40.000 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tính chất vẫn nghiêm trọng, mức độ bạo lực gia tăng. Tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa, số vụ thanh, thiếu niên phạm tội tăng, tình trạng bạo hành, xâm phạm trẻ em, nhất là hiếp dâm trẻ em xảy ra trên nhiều địa phương. Nhóm tội phạm liên quan tới chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (chiếm hơn 50%); một số băng nhóm trộm cắp hình thành với thủ đoạn tinh vi, manh động, tấn công lại người dân khi bị phát hiện, truy bắt.Tại Hà Nội, tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian qua tuy được kiềm chế, trọng án được kéo giảm song còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, tại một số địa bàn xuất hiện ổ nhóm đối tượng sử dụng hung khí đe dọa, cướp tài sản của người dân vào ban đêm. Số vụ giao cấu, dâm ô với trẻ em có chiều hướng tăng. Tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, đánh nhau gây rối trật tự công cộng với tính chất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật vẫn diễn ra...Theo Thượng tá Nguyễn Thái Hà - Phó Trưởng phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Công an TP Hà Nội), đối tượng có nguy cơ phạm tội cao thường là thanh, thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt (bỏ học sớm, gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, hoặc bố mẹ là chủ lô đề, cờ bạc...); người có trình độ nhận thức, văn hóa, pháp luật hạn chế; người không có việc làm; người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người nghiện ma túy…Trang bị kiến thức pháp luật cho các đối tượngCăn cứ các kế hoạch, chương trình của Bộ Công an và UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch triển khai để tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao trên địa bàn TP dưới nhiều hình thức thiết thực. Qua xem xét từng loại đối tượng, độ tuổi, giới tính, Công an TP đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức quản lý phối hợp giáo dục. Thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương đến những trường hợp này. Đồng thời chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực phối hợp với những người uy tín để tiếp cận từng người có nguy cơ phạm tội cao tại địa bàn cơ sở, nhằm cảm hóa, giáo dục người có hành vi vi phạm pháp luật.Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác PBGDPL cho người có nguy cơ phạm tội cao. Phối hợp với chính quyền, MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân ở địa phương thực hiện “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” gắn với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”. Đồng thời, nhân rộng các cá nhân điển hình là người lầm lỗi hoàn lương tích cực tham gia hoạt động xã hội, làm kinh tế giỏi, tổ chức cho các hộ gia đình, các đối tượng ký cam kết không vi phạm pháp luật… Ngoài ra triển khai các hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho người có nguy cơ phạm tội cao, không để các đối tượng phạm tội vì thiếu hiểu biết pháp luật.