Lờ phán quyết của PCA: Trung Quốc mất nhiều hơn được

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) đưa ra phán quyết vào ngày 12/7 tới, Trung Quốc lại có động thái ngang ngược thách thức dư luận quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được nếu tiếp tục không tôn trọng luật lệ chung.
Bãi cạn Scarborough - nơi xảy ra tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Bãi cạn Scarborough - nơi xảy ra tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Các nhà phân tích dự đoán, phán quyết của PCA sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Một kịch bản được dự báo, Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông nhằm đáp trả phán quyết bất lợi. Tuy nhiên, đối với phán quyết lần này của PCA, Trung Quốc sẽ không đơn giản tuyên bố bác bỏ là “xong chuyện”. Trung Quốc đang mạo hiểm trở thành kẻ “ngoài vòng pháp luật”. Cường quốc thứ 2 thế giới sẽ phải đối mặt với sự lên án mạnh mẽ và áp lực từ các nước cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Indonesia và Malaysia, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện mạnh mẽ chính sách xoay trục tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tạo nên sự thống nhất trong khu vực ASEAN.

Trước đó, giới chức Mỹ từng cảnh báo, Trung Quốc không nên có thêm hành động khiêu khích sau khi Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết. Luật sư quốc tế Paul Reichler - Luật sư trưởng đại diện cho Philippines tại phiên tòa nhấn mạnh: "Trung Quốc sẽ nhận ra rằng, họ sẽ mất nhiều hơn từ việc tạo ra tình trạng vô luật lệ. Vấn đề chỉ là thời gian". Tuy nhiên, Cơ quan an ninh hàng hải Trung Quốc cho biết sẽ tổ chức một cuộc tập trận từ ngày 5 - 11/7, ngay trước khi Tòa PCA ra phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Khu vực tập trận sẽ kéo dài từ đảo Hải Nam của Trung Quốc tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, theo tạp chí The Diplomat, phản ứng của các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN về phán quyết này sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện tại, 4 nước ASEAN là Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam đều phản đối mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông trong khi Indonesia và Singapore - 2 quốc gia không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các tranh chấp. Việc giới chức Trung Quốc hôm 4/7 đề nghị Philippines đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông, bỏ qua phán quyết của Tòa PCA cho thấy, chính Bắc Kinh cũng nhận thức được việc thiếu các cơ sở pháp lý về tuyên bố chủ quyền ngang ngược của mình và “lo sợ” về một phán quyết không có lợi từ phiên tòa.
Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

Trước việc Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành tập trận từ ngày 5-11/7 với phạm vi bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ, hành động này của phía Trung Quốc một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này.