Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loại bỏ giao dịch ngầm thị trường nhà ở

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các đại biểu Quốc hội “bật đèn xanh” mở cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, là một bước tiến rất quan trọng.

Về mặt xây dựng pháp luật gắn với thực tiễn, nó cho thấy các kiến nghị, góp ý trong thời gian dài vừa từ phía tổ chức, các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án, nhất là những người có nhu cầu mua và sở hữu nhà ở đã được các cấp có thẩm quyền lắng nghe và điều chỉnh.

Nghiên cứu của Công ty CBRE cũng chỉ ra rằng, việc tháo gỡ nút thắt người nước ngoài được mua và sở hữu nhà là một trong những thay đổi tích cực nhất trong thời gian gần đây đối với chính sách có liên quan đến thị trường BĐS. Rất nhiều nhà kinh doanh, phát triển thị trường, chuyên gia tại các công ty, tập đoàn quốc tế có công ty, nhà máy tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… đang có nhu cầu tìm hiểu để tiến tới mua nhà ở khi chính sách trở nên thông thoáng hơn. Mặc dù điều này trong tương lai gần không thể kỳ vọng tạo ra cú hích cho thị trường hoặc tăng sức cầu lên cao, nhưng tác động tích cực của nó đối với thị trường BĐS được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là “tín hiệu tốt”.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP  Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua nhà ở chính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ. Điều này tăng tổng cầu cho thị trường BĐS, góp phần làm gia tăng tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề có liên quan, tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt, điều này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước.

Những lo ngại rằng, quy định thông thoáng về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở sẽ gây nên tình trạng đầu cơ trên thị trường, do người nước ngoài có khả năng tài chính mạnh là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi, bài học thực tiễn ở nhiều quốc gia đều cho thấy điều này không xảy ra do còn nhiều công cụ, chế tài khác quy định, ràng buộc đối với người nước ngoài mua và sở hữu nhà. Bên cạnh đó, thị trường nhà ở hiện rất đa dạng, nguồn cung tốt ở mọi phân khúc, thừa khả năng đáp ứng cho nhu cầu mua nhà của người dân trong nước và nước ngoài.

“Lượng khách nước ngoài tham gia đóng góp vào sức cầu cho thị trường BĐS giúp giải tỏa áp lực nguồn cung đang còn tồn kho, nhất là đối với phân khúc trung, cao cấp, cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường, nền kinh tế đất nước”, ông Châu khẳng định.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, để thị trường phát triển tốt thì Nhà nước vẫn cần tháo thêm những “nút thắt” khác. Đơn cử như các vấn đề liên quan đến thu tiền sử dụng đất, thuế đất và các vấn đề như chủ dự án phải đóng tiền ký quỹ bao nhiêu là hợp lý, đảm bảo tính pháp lý cho người mua nhà… Đặc biệt, việc tiến tới một thị trường thông thoáng, minh bạch, loại bỏ các giao dịch “ngầm” do các chính sách ràng buộc tạo nên mới là yếu tố căn cơ giúp cho thị trường phát triển đúng hướng, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng cho rằng, song song với việc kích cầu, mở rộng nguồn cầu mới từ các khách hàng trong và ngoài nước thì việc tăng thêm nguồn vốn đến đúng các chủ đầu tư phát triển phân khúc nhà ở mà thị trường đang có nhu cầu lớn như chung cư, nhà ở thương mại cho người có thu nhập trung bình và thấp, hỗ trợ tài chính, lãi suất với người muốn sở hữu nhà là những chính sách cần được chú trọng và phát huy trong thời gian tới.