Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loại bỏ nền hành chính “xin - cho”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông điệp của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tại phiên họp tập thể UBND TP ngày đầu tiên tháng 3 năm 2016 về thực hiện Kế hoạch Cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.

Giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy.	 Ảnh: Thùy Linh
Giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Thùy Linh
Theo Chủ tịch UBND TP, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt này rất quan trọng để cụ thể hóa thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ; của Thành ủy Hà Nội, của HĐND TP. UBND TP sẽ ban hành kế hoạch triển khai ngay tinh thần trên, sau khi có Chương trình công tác của Thành ủy. Tuy nhiên, trong lúc này có một số nội dung, công việc có thể tiến hành, triển khai thực hiện, trên cơ sơ sở những nội dung, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của TP Hà Nội mà HĐND TP đã ban hành. Muốn làm việc này, từ chính quyền cơ sở đến TP phải thay đổi nhận thức, loại bỏ nếp nghĩ, cách làm cũ, tất nhiên là khó, bởi sẽ tác động lớn đến đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Nhưng khó mấy TP cũng quyết tâm phải làm và từng bước làm cho được, nhằm xây dựng nền hành chính từ cơ chế “xin - cho” sang nền hành chính phục vụ xã hội, người dân và DN. Để thực hiện mục tiêu trên, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn cần tiến hành ngay, rà soát lại cụ thể các quy trình, thủ tục hành chính, trên cơ sở đó phân loại cho được bỏ, sửa đổi, thay thế, rút ngắn thủ tục hành chính nào, bỏ khâu nào? Mục tiêu, nơi giải quyết thủ tục hành chính phải được minh bạch, rõ người, rõ việc và rõ nhiệm vụ. Có như vậy, Kế hoạch cải CCHC Nhà nước TP giai đoạn 2016 – 2020 mới đi vào thực chất, hiệu quả.

Tại cuộc họp này, khi góp ý kiến về thực trạng và những bất cập của bộ máy hành chính Nhà nước đang vận hành. Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho hay, một bộ phận không nhỏ cán bộ hành chính Nhà nước không muốn CCHC, vì họ muốn “nhiều người đến mình và một người phải đi lại nhiều lần”, rất dễ dẫn đến trục lợi. Ngoài ra là bộ máy chồng chéo ở địa phương, có nơi hình thành 2 ban quản lý dự án, trung tâm quỹ đất, dẫn đến quản lý chồng lấn. Từ đó, kiến nghị, từng cơ quan, từng ngành, địa phương cần rà soát lại toàn bộ các nội dung công việc báo cáo UBND TP cái gì làm được, chưa làm được, từ đó hàng năm chọn ra những việc thực hiện cho được, hiệu quả. Một vấn đề nữa cần khắc phục, đó là đầu tư dàn trải, trong đó có cả đầu tư xây dựng cơ bản và công trình trọng điểm.

Kế hoạch CCHC Nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tạo ra bước đột phá mới. TP sẽ quyết tâm loại bỏ những lực “cản” vô hình, để xây dựng hệ thống bộ máy công quyền Nhà nước từ TP đến cơ sở thực sự do dân, vì dân và vì sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới.