Loại bỏ rác thải nhựa để phát triển bền vững

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dạo quanh phố phường ở Thủ đô, không khó để có thể tìm thấy những cửa hàng kinh doanh đã cập nhật xu hướng sử dụng các loại túi sinh học, ống hút có chất liệu thân thiện với môi trường, rất nhiều nơi đã và đang hưởng ứng phong trào "sống xanh". Tuy nhiên, không ít cơ sở vẫn dùng đồ nhựa như một thói quen.

Thói quen khó bỏ?
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trên địa bàn TP, các chuỗi cửa hàng café như: The Coffee House, Cheese Coffee, Starbucks Coffee… đã thay thế đồng loạt ống hút nhựa, túi nhựa, thìa nhựa sử dụng một lần bằng ống hút sinh học, túi sinh học, thìa sinh học phân hủy hoàn toàn.
Tại quán cafe All Day Coffee là một trong những nơi đi đầu theo trào lưu "sống xanh" ở Hà Nội, dòng chữ “100% đồ uống phục vụ kèm ống hút giấy, mềm hơn ống hút nhựa và thân thiện hơn với môi trường” mang thông điệp quán muốn gửi tới cộng đồng: Hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Café Trung Nguyên nay cũng đã chỉ sử dụng ly giấy, ống hút giấy với khách mang đi, còn khách uống tại cửa hàng được sử dụng hoàn toàn bằng ly thủy tinh. “Việc thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện môi trường khiến chúng tôi phải bỏ ra chi phí đầu tư cao hơn nhưng đổi lại, về lâu dài, hiệu quả lợi nhuận bền vững sẽ cao hơn khi có sự đồng hành, gắn bó từ phía khách hàng” - Đại diện The Coffee House (Kim Đồng, Hoàng Mai) chia sẻ.
 Chai nhựa vẫn được sử dụng phổ biển tại các cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh.
Nhưng bên cạnh đó, do chưa có quy định bắt buộc nên nhiều người dân cho đến hộ kinh doanh, cửa hàng… vẫn sử dụng nhiều sản phẩm nhựa một lần, vấn đề thu gom rác chưa đồng bộ, nhất là bài toán kinh tế và lợi nhuận vẫn là ưu tiên.
Một số chuỗi cửa hàng vẫn còn nhiều bất cập, ví như Highlands Coffee, mặc dù quán đang từng bước cải thiện việc giảm thiểu rác thải nhựa nhưng cốc nhựa vẫn đang được sử dụng đối với khách hàng uống tại chỗ. Hay tại Phúc Long coffee, hiện áp dụng phân loại rác thành 3 nhóm cơ bản (giấy, chất lỏng và nhựa) nhưng một số khách hàng và nhân viên vẫn chưa thực hiện đúng.
Không chỉ các hệ thống lớn mà các cửa hàng đồ uống bình dân, quán trà sữa, trà chanh… đều sử dụng ống hút, chai lọ nhựa và việc phân loại rác tại nguồn hầu như không được thực hiện. Nhiều chủ cửa hàng cho rằng, nếu thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường thì chi phí cao hơn, đồng nghĩa lượng khách sẽ giảm. Có thể thấy vì lợi ích kinh tế trước mắt, các chủ cửa hàng vẫn chưa thấy được những nguy hại của rác nhựa.
Cần chế tài giám sát thu gom
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng không dùng túi nilon hay sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng các sản phẩm làm từ tre, hoặc thay vì gói đồ bằng túi nilon thì chuyển sang gói bằng lá ở các siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm,.... đang dần trở nên phổ biến hơn nhờ những thông điệp tuyên truyền từ các dự án vì cộng đồng. Tuy nhiên, ngoài thói quen tiêu dùng thì giá thành của những sản phẩm này thường cao hơn, việc vệ sinh để có thể tái sử dụng cũng mất thời gian,… chính là nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa thực sự đón nhận và khó có thể sẵn sàng từ bỏ thói quen và sự tiện lợi đến từ những sản phẩm nhựa một lần.
Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội nhận định, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay là vấn đề rác không được phân loại tại nguồn dẫn đến chất lượng rác không bảo đảm khó cho các công nghệ xử lý. Vì vậy, để thực hiện tốt, các nhà máy xử lý phải nghiên cứu kĩ về đặc điểm thành phần rác để đưa ra các công nghệ xử lý phù hợp, hiệu quả. Bổ sung dây chuyền hạng mục phân loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa để làm sao thu gom rác thải nhựa phục vụ tái chế.
Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn - chuyên gia nghiên cứu Chính sách Quản lý Nhà nước cũng nhận định, tái sử dụng và xử lý rác thải nhựa bền vững là vấn đề quan trọng, vì vậy cần có chế tài giám sát việc thu gom rác nhựa.
"Ở nước ngoài, nếu như vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí sẽ bị những người xung quanh dè bỉu, đó là lý do khiến đường phố của họ rất sạch. Còn ở Việt Nam, muốn làm được điều đó ngoài đẩy mạnh tuyên truyền cần phải có chế tài giám sát, theo dõi việc thu gom và xử lý rác thải nhựa của người dân" - Ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

"Con người mất 5 phút để uống hết một chai nước nhưng đất mẹ thì phải mất hàng nghìn năm để giải quyết hệ quả từ loại rác thải đó. Không ít người hiện vẫn đang vì lợi ích trước mắt chứ chưa nghĩ đến lợi ích lâu dài. Vì thế, trách nhiệm của họ với cộng đồng cũng không bền vững." - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần