Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loại bỏ sự “tự phát” trong quản lý nghĩa trang Nhân dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác quản lý nghĩa trang trên địa bàn TP đang là vấn đề nan giải, chưa có sự phối hợp đồng bộ của các ngành và chính quyền cơ sở.

Phần lớn những nghĩa trang thuộc các quận nội thành đều đã quá tải buộc phải đóng cửa, trong khi việc xây mới, mở rộng các nghĩa trang của TP đang gặp nhiều khó khăn, đã và đang gây sức ép lớn về quy hoạch, mở rộng nghĩa trang trên địa bàn. Đó là một trong những vấn đề thấy được qua đợt giám sát của Thường trực HĐND TP về quản lý, đầu tư, khai thác nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng trên địa bàn vừa qua.

Khó quản do vướng tập tục

Tại huyện Đông Anh, nghĩa trang Nhân dân thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc là một trong hàng trăm nghĩa trang trên địa bàn TP được quy hoạch khá bài bản với nhà quản trang, tường bao quanh, lắp hệ thống điện, nước, trồng cây xanh… Đặc biệt, các ngôi mộ đã được quy định thống nhất về vị trí chôn cất, kích cỡ, kiểu dáng. Nhưng đây không phải là “mặt bằng” chung cho hệ thống nghĩa trang cấp xã. Như nhận xét của đoàn giám sát, chính quyền các địa phương đang quản lý hệ thống nghĩa trang Nhân dân này theo kiểu “trăm hoa đua nở”, tự phát, mỗi nơi mỗi kiểu, không theo một chuẩn mực nào.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi giám sát tại huyện Sóc Sơn. 	 Ảnh:  Duy Linh
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi giám sát tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Duy Linh
Theo thống kê, ngoài cấp TP và cấp huyện chỉ quản lý con số ít ỏi nghĩa trang, còn lại là cấp xã phường quản lý 2.633 nghĩa trang. Để quản lý hoạt động các nghĩa trang và nhà tang lễ, từ năm 2010, Sở đã tham mưu cho UBND TP ban hành quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở gần như “không chú ý”, nên quản lý vẫn thiếu đồng bộ, manh mún. Hiện trung bình mỗi thôn, làng đều có ít nhất một nghĩa trang ở những vùng đất ruộng, đất cát ngoài rìa làng, đất ven đường, thậm chí nằm lọt thỏm trong khu dân cư và chiếm một diện tích đất đáng kể. Ngay tại quận Cầu Giấy, dù theo quy hoạch chung quận không có nghĩa trang nhưng do những tồn tại của lịch sử để lại, trên địa bàn hiện vẫn đang có 17 nghĩa trang Nhân dân do UBND cấp phường quản lý, có nghĩa trang nằm sát khu dân cư như ở phường Quan Hoa.

Giám sát tại huyện Ba Vì, địa bàn có 2 nghĩa trang tập trung cấp TP là: Nghĩa trang Yên Kỳ đã sắp lấp đầy (diện tích hiện có 38,4ha) và Nghĩa trang Vĩnh Hằng (diện tích hiện có 37ha) được quy hoạch, đầu tư bài bản. Nhưng cùng với đó tại huyện này cũng còn có 238 nghĩa trang Nhân dân các xã quản lý, đều được hình thành trên cơ sở tổ chức điểm dân cư nông thôn, nằm rải rác. Cũng như nhiều địa phương khác, công tác quản lý và đầu tư nghĩa trang ở đây cũng bị hạn chế do tập tục lâu đời của người dân nên việc chôn cất, xây mộ vẫn còn nhiều trường hợp tự phát, đưa mộ vào khu đất, khu ruộng canh tác không theo quy hoạch, công tác GPMB phục vụ mở rộng một số nghĩa trang còn gặp nhiều khó khăn… Và cũng bởi sự hình thành tự phát và tồn tại lâu đời, lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền cơ sở nên nhiều nghĩa trang đã xuống cấp, gây mất vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, việc mai táng, xây cất bia tại các nghĩa trang Nhân dân hiện nay dù đã có quy định nhưng do thiếu sự quản lý nên vẫn chủ yếu là "mạnh ai nấy làm".

Cần sự đầu tư lâu dài

Trực tiếp đi giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư, quản lý sử dụng hệ thống nghĩa trang Nhân dân, cơ sở hỏa táng trên địa bàn TP, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đây là vấn đề dân sinh bức xúc được cử tri TP đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc quản lý các nghĩa trang Nhân dân đang gặp lúng túng, TP đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát để có quy chế quản lý thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi một giá dịch vụ, một cách làm.

Theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự báo đến năm 2050, quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang TP sẽ là 1.247 ha. TP sẽ xây dựng nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng thành nghĩa trang tập trung liên tỉnh, mở rộng và xây mới tám nghĩa trang cấp TP. Đối với các nghĩa trang hiện có, phân tán quy mô nhỏ, không đủ khoảng cách cách ly hoặc nằm trong quy hoạch sử dụng đất phải có kế hoạch đóng cửa. Qua giám sát cũng thấy rằng, việc di chuyển các nghĩa trang nhỏ lẻ này vào nghĩa trang tập trung chẳng hề dễ dàng nếu không nhận được sự đồng thuận từ người dân. Do đó, chính sách “tái định cư các phần mộ” nên theo đúng bài bản như tái định cư nhà ở là vấn đề được lãnh đạo nhiều địa phương bày tỏ.

Cùng với đó, việc thực hiện được quy hoạch nghĩa trang, có chính sách, cơ chế phù hợp để thu hút xã hội hóa ở lĩnh vực này cũng là một vấn đề được đặt ra và cần lời giải. Bởi như thống kê của Sở KH&ĐT cho thấy, hiện mới có 5 nghĩa trang cấp TP và 2 nghĩa trang cấp huyện đầu tư dự án nghĩa trang, so với quy hoạch và kế hoạch của TP giai đoạn 2014 -2020 vẫn là chậm. Trong khi đây là vấn đề dân sinh bức xúc không thể lơ là, việc hướng tới là khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, ưu tiên sử dụng hình thức an táng mới, văn minh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường được coi là một hướng đi cần thiết. Nhưng để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc chặt chẽ của hệ thống chính quyền, đẩy mạnh tuyên truyền để có sự đồng thuận của người dân.