Loạn phí ATM

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, người Việt Nam hiện sở hữu hơn 63 triệu thẻ ghi nợ nội địa, cao gấp 17 lần so với năm 2006.

Khi có số lượng khách hàng nhiều hơn, đáng lý các ngân hàng phải tập trung phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng thực tế hiện nay, lượng thẻ tăng mạnh cũng là lúc các ngân hàng mạnh tay tính phí hơn trước. Như vậy, không chỉ có ô tô, quả trứng, hạt gạo... phải “oằn mình” cõng thuế và phí mà ngay cả ATM cũng đang buộc người dân nghèo phải chơi sang.

Ước tính, mỗi khách hàng sử dụng thẻ ATM hiện nay phải chịu khoảng 20 - 25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Ngoại trừ phí mở tài khoản vẫn được các ngân hàng duy trì hình thức miễn, hầu hết các dịch vụ khác đã được tính phí. Theo tính toán, một thẻ ATM sẽ phải chịu: Phí phát hành thẻ lần đầu từ 50.000 - 90.000 đồng, phí phát hành lại thẻ 25.000 - 66.000 đồng, phí cấp lại số pin 10.000 - 33.000 đồng, phí thường niên (phí quản lý tài khoản thẻ) từ 39.600 - 132.000 đồng, phí tra soát nếu không đúng từ 10.000 - 110.000 đồng, phí chuyển khoản 1.650 đồng, phí rút tiền khác hệ thống 3.300 đồng, phí truy vấn số dư hoặc in sao kê từ 550 - 1.650 đồng, trả thẻ bị nuốt tại máy ATM từ 5.000 -20.000 đồng... Cá biệt có ngân hàng còn thu 10.000 đồng phí… báo mất thẻ hay thẻ bị đánh cắp.

Một chủ thẻ ATM đang phải gánh tới gần 1 triệu đồng tiền phí là quá bất hợp lý khi mà thu nhập bình quân người dân hiện chỉ khoảng hơn 1.000 USD/người/năm. Sợ phải gánh nhiều thuế, phí khiến người dân vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt nhiều hơn. Bên cạnh đó cũng phải nhấn mạnh một lần nữa, ATM không phải dịch vụ sinh lời nhưng lại là công cụ để các ngân hàng huy động vốn từ việc phát hành thẻ hoặc huy động vốn không kỳ hạn từ số dư trên thẻ… Và thực trạng biết rồi vẫn cứ loạn thu vẫn đang diễn ra, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn khi mà hầu hết các ngân hàng hiện nay vẫn có tư duy tận thu, đẩy khó khăn cho người dân và DN. Việcnày có thể đem lại lợi ích trước mắt cho các ngân hàng là có nguồn thu bù đắp những chi phí bỏ ra, song về lâu dài nó là mối nguy hạilớn, giảm sức cạnh tranh, thương hiệu, uy tín của chính các ngân hàng, của nền kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần