Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạn quảng cáo ngoài trời - Bắt bệnh để bốc thuốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định đầu tiên trong năm 2016 của UBND TP Hà Nội đã ưu tiên cho việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội.

Trước tình trạng hoạt động quảng cáo ngoài trời của Thủ đô đang có xu hướng “phình to” khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác thì Quy chế này sẽ góp phần dọn “rác trời” như thế nào?

Ngang nhiên tồn tại

Chưa bao giờ, nhà quản lý văn hóa lại đau đầu về tình trạng vi phạm quảng cáo trên địa bàn TP như thời gian gần đây. Toàn TP có hơn 15.000 vị trí được phép treo baner, dường như là không xuể với nhu cầu quảng cáo của các DN tổ chức sự kiện ca nhạc, triển lãm, hội thảo… Ở từng góc phố, tuyến đường, những baner không phép của các chương trình ca nhạc trong dịp 8/3 như: Liveshow Lệ Quyên, liveshow Bằng Kiều… giăng mắc khắp các cột đèn, cột điện, dây cáp. Lực lượng thanh tra của Sở VH&TT Hà Nội và nhiều thành viên thuộc khối đoàn thanh niên, hội phụ nữ ra sức cắt dọn các baner sai phép. Thời gian vừa qua, Sở VH&TT Hà Nội đã phải phun dấu "vi phạm" vào các baner như một hình thức cảnh báo với các đơn vị tổ chức. Song vi phạm vẫn không giảm đi là mấy.
Một biển quảng cáo khổ lớn trên đường Phạm Hùng. 	Ảnh: Chiến Công
Một biển quảng cáo khổ lớn trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Chiến Công
Lộn xộn nhất trong khu vực nội thành là biển hiệu, biển quảng cáo. Dọc tuyến đường Trường Chinh (quận Đống Đa), biển quảng cáo bán sơn, đá ốp tường lô nhô cái cao cái thấp, cái thò ra, cái thụt vào. Nhiều tuyến phố mới như Xã Đàn (Đống Đa), Trung Hòa (Cầu Giấy)… tràn lan các loại hình quảng cáo. Nhiều biển quảng cáo che kín tòa nhà 4 - 5 tầng. Đặc biệt, khu trung tâm TP cũng không thoát khỏi vấn nạn quảng cáo. Khu vực hồ Hoàn Kiếm rất nhiều biển hiệu quảng cáo phức tạp, song phổ biến nhất là tình trạng quảng cáo trá hình gắn liền với các biển hiệu công trình. Hay mới đây nhất, ngay khu vực Tháp Hòa Phong, có dàn đèn lớn của Công ty Nước giải khát Pepsi, khiến dư luận phản ứng gay gắt. Như ông Nguyễn Minh Khánh - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội bày tỏ: "Dàn đèn của Công ty nước giải khát không làm đẹp cho khung cảnh Hồ Gươm mà hơi phản cảm về độ hoành tráng. Chúng ta cần cân nhắc thực hiện những hình thức quảng cáo như vậy tại khu vực trung tâm".

Siết chặt các quy định

Để chấn chỉnh những vi phạm quảng cáo đang ngày càng tràn lan, gây mất mỹ quan đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, ngày 20/1/2016, UBND TP đã ban hành Quyết định 01/2016/QĐ-UBND liên quan đến Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. Theo ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, so với các quy định về quảng cáo trên băng rôn, thì quyết định này thoáng hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, các chương trình nghệ thuật, hội chợ, triển lãm không được phép treo quá 15 băng rôn thì nay đã được phép treo từ 20 lên 50 băng rôn/chương trình. Băng rôn giới thiệu về chương trình an sinh xã hội tăng từ 200 lên 500 băng rôn. “Những quy định này phù hợp với tình hình thực tế. Hỗ trợ các DN quảng bá sự kiện. Song, cơ quan quản lý cũng không thể đáp ứng tối đa nhu cầu quảng cáo băng rôn của các tổ chức, cá nhân. Nếu đáp ứng tối đa, đường phố Hà Nội không lúc nào hết “rác”” – ông Tô Văn Động cho biết.

Điểm đặc biệt trong Quy chế mới ban hành đưa ra quy định cấm và hạn chế quảng cáo ở một số khu vực. Khu vực Quảng trường Ba Đình và phụ cận; khu vực hồ Hoàn Kiếm và các phố xung quanh; khu vực phố cổ; các di tích; trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước… sẽ bị cấm hoàn toàn các hoạt động quảng cáo, ngoại trừ hoạt động quảng cáo của nhà tài trợ gắn với cổ động trực quan được phép của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho các sự kiện chính trị - xã hội. Một số công trình lớn của TP như khu vực Quảng trường 19 tháng 8, Trung tâm hội nghị Quốc gia, hay các hồ nước cũng sẽ hạn chế quảng cáo để giữ gìn vẻ đẹp cảnh quan. Một trong những quy định được nhiều người đặc biệt quan tâm là quy định về biển hiệu. Quy chế quy định mỗi trụ sở hoặc nơi kinh doanh chỉ được phép đặt một biển hiệu, chiều cao tối đa 2m, chiều ngang không quá giới hạn công trình với biển hiệu ngang; chiều cao tối đa 4m, ngang một mét với biển hiệu dọc. Như vậy, việc quảng cáo biển hiệu đã được chuẩn hóa, giảm cảnh "trăm hoa đua nở" trên một vài tuyến phố như hiện nay. Theo Quy chế, công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP gần như được quy về một mối khi trách nhiệm chủ trì được giao cho Sở VH&TT Hà Nội, điều này sẽ giảm được tình trạng “đánh lận con đen” của các DN về cái gọi là giấy phép quảng cáo và giấy thỏa thuận.

Tuy nhiên, từ Quy chế đến thực tế sẽ là một chặng đường dài. Quy chế ra đời, không có nghĩa ngay một vài ngày sau tất cả các hoạt động quảng cáo vi phạm sẽ được chấn chỉnh. Theo quan điểm của ông Tô Văn Động, tất cả những quảng cáo mới phát sinh sẽ phải thực hiện chặt chẽ theo quy chế mới, những quảng cáo đang tồn tại vi phạm sẽ có lộ trình để giải quyết. Ngoài ra, để chặt chẽ thêm cho công tác quản lý hoạt động quảng cáo, Sở VH&TT Hà Nội đã hoàn thiện Quy hoạch quảng cáo trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 trình UBND TP chờ xem xét phê duyệt.
Cấm cũng cần ngoại lệ
Loạn quảng cáo ngoài trời - Bắt bệnh để bốc thuốc - Ảnh 1Quy định cấm và hạn chế quảng cáo tại một số khu vực trên địa bàn Hà Nội nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội bày tỏ rất rõ quan điểm: Cấm quảng cáo cũng cần ngoại lệ.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thủ đô, trong đó đã quy định 8 khu vực không được phép quảng cáo và 4 khu vực hạn chế quảng cáo. Quan điểm của ông thế nào trước vấn đề này?
- Tôi đồng ý với chủ trương tại các khu vực trung tâm, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trụ sở của cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp… cần có hình thức quản lý hoạt động quảng cáo chặt chẽ. Không thể để những quảng cáo nhạy cảm, mang tính thương mại tồn tại ở nơi đây. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rõ khái niệm về quảng cáo, không có nghĩa chỉ là quảng bá sản phẩm, dịch vụ thương mại mà bao gồm cả quảng bá hình ảnh đất nước. Chính vì vậy, tại những khu vực này chỉ cấm, hạn chế quảng cáo thương mại và mở cửa cho những hoạt động quảng cáo mang tính quảng bá phục vụ sự kiện chính trị, xã hội, quảng cáo cho nhà tài trợ trong khuôn khổ hoạt động sự kiện được các cấp có thẩm quyền cho phép.
Tại các TP lớn trên thế giới có đặt những trường hợp “ngoại lệ" như ở Việt Nam?
- Tôi đã từng đến Thủ đô của Nga, Pháp… Tại các khu trung tâm, tượng đài lớn các nước bạn vẫn cho tồn tại các hoạt động quảng cáo mang tính quảng bá, nhưng họ quy định rất chặt về kích cỡ, độ chiếu sáng… để đảm bảo hoạt động đó không lấn át công trình chủ thể. Quảng cáo là nhu cầu của xã hội, nên các nhà quản lý cần linh hoạt, đưa ra những quy định cụ thể về diện tích để đảm bảo yếu tố mỹ thuật. Chúng ta còn nhớ, Hà Nội từng đưa ra quy định cấm đặt nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm. Quy định này đúng là ở góc độ nào đó đã giữ gìn mỹ quan đô thị. Thế nhưng, nhà vệ sinh công cộng là nhu cầu của con người, làm sao có thể không xây dựng. Sau thời gian thấy không hợp lý, chúng ta đã phải giải bài toán đó bằng cách thiết kế những công trình vệ sinh hài hòa, sạch đẹp so với cảnh quan xung quanh. Trên thế giới, đã có những nước giao cho người dân quản lý. DN, đơn vị muốn quảng cáo tại vị trí nào phải nhận được sự đồng ý của người dân sở tại.
Vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng tình về việc tên DN, nhà tài trợ được gắn trong khu vực “vàng” của quảng cáo. Theo ông, có nên cấm hoàn toàn yếu tố thương mại cho dù có gắn với sự kiện tuyên truyền chính trị tại các vị trí trung tâm?
- Hình thức tuyên truyền cổ động có gắn tên DN không phải là quảng bá hình ảnh mà vinh danh đơn vị có cống hiến nguồn tiền xã hội hóa với Thủ đô. Trong Luật Thủ đô quy định rất cụ thể, tại sao các công trình văn hóa, công trình kiến trúc phải có biển đề tên tác giả của công trình. Chính vì thế chúng ta có quyền gắn logo của các DN với baner cổ động, nhưng tỷ lệ và vị trí hợp lý. Không được phép đặt logo DN lên trên khẩu hiệu chào mừng.
Ông đánh giá như thế nào về bức tranh quảng cáo tại Thủ đô Hà Nội hiện nay?
- Hiện nay, chúng ta đang thiếu cái gọi là quy hoạch quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội. Chúng ta có quy hoạch về kiến trúc, quy hoạch cây xanh để quy định độ thấp cao của nhà cao tầng trong mỗi khu vực, trồng cây gì, mật độ ra sao ở mỗi tuyến đường, vậy tại sao Hà Nội không xây dựng quy hoạch quảng cáo. Trước đây, Thủ đô đã có quy hoạch về quảng cáo, nhưng đến nay quy hoạch đã lỗi thời, cần bổ sung chỉnh sửa. Chỉ khi có quy hoạch cụ thể thì tình trạng lộn xộn của biển hiệu, baner, quảng cáo tấm lớn, quảng cáo tấm bé mới có khả năng được chấn chỉnh.
Xin cảm ơn ông!
Song Hà thực hiện