Bài 1: Sức bật từ những “lá cờ đầu” Bài 2: Bình mới, rượu vẫn cũ Bài 3: Yếu từ con người đến hạ tầng Bài 4: Kỳ vọng về sự đổi thay Bài 5: Khó thành mục tiêu nếu địa phương coi nhẹ Chưa đạt yêu cầu Là người đứng đầu Liên minh HTX Hà Nội, ông đánh giá thế nào về bức tranh chuyển đổi theo Luật HTX 2012 trên địa bàn TP cho đến thời điểm này? - Đến nay, tỷ lệ chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012 trên địa bàn TP mới đạt 45,6%. Kết quả chưa như mong đợi này do nhiều yếu tố cấu thành. Trước hết, ở cấp T.Ư, mặc dù Luật HTX 2012 có hiệu lực từ 1/7/2013 nhưng một số văn bản hướng dẫn ra đời muộn khiến cho địa phương lúng túng khi triển khai. Thứ hai, trong quá trình chuyển đổi HTX, việc xác định và phân định tài sản, vốn quỹ công nợ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là HTX phi nông nghiệp. Đặc biệt, một số quận, huyện chưa thực sự quan tâm đến công tác chuyển đổi HTX. Những nơi nào cấp chính quyền quan tâm thì tỷ lệ HTX chuyển đổi đạt rất cao và ngược lại. Hơn nữa, các HTX của Hà Nội có đặc thù là tồn tại nhiều HTX quy mô thôn, nhất là 3 huyện Ứng Hòa, Mê Linh và Đông Anh nên việc thực hiện chuyển đổi rất khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ chuyển đổi chậm mà nhiều HTX sau chuyển đổi theo Luật HTX 2012 vẫn giữ phương thức hoạt động cũ, tức là “bình mới rượu cũ”, thưa ông? - Sau khi chuyển đổi, các HTX xác định được tài sản, vốn quỹ, công nợ, bộ máy được đổi mới thì có phương án sản xuất kinh doanh tốt hơn. Ví dụ HTX Vận tải Nội Bài, HTX Nông nghiệp Dương Liễu… Tuy nhiên, thực tế yêu cầu chuyển đổi cả bộ máy, phương án sản xuất, kinh doanh nên không thể ngay một lúc các HTX làm tốt ngay được mà đòi hỏi cần phải có thời gian. Theo đánh giá của Liên minh HTX Hà Nội, đa số các HTX phi nông nghiệp sau chuyển đổi thường hoạt động khá tốt. Tuy nhiên đối với các HTX nông nghiệp thì còn gặp nhiều khó khăn về mở rộng ngành nghề kinh doanh, vốn cũng như đội ngũ cán bộ. Các HTX nông nghiệp chủ yếu là cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất, lại gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Không có thị trường tiêu thụ, HTX khó mà đầu tư hiệu quả được. Hiện nay, đa số dịch vụ nông nghiệp của các HTX chủ yếu mới đảm bảo hoạt động của bộ máy và chưa có lãi nhiều. Theo ông, khó khăn nhất đối với các HTX sau khi chuyển đổi là gì? - Đó chính là nguồn vốn quỹ hạn hẹp. Có những HTX chuyển đổi xong, vốn điều lệ chỉ 150 triệu đồng hay có HTX huy động thành viên tham gia góp vốn chỉ 100.000 đồng. Bởi vậy, muốn mở rộng sản xuất, dịch vụ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Liên minh HTX TP có Quỹ hỗ trợ Phát triển HTX nhưng khả năng tiếp cận vốn vay theo chính sách của các HTX còn hạn chế. Nguyên nhân là do các HTX thiếu phương án sản xuất, kinh doanh hoặc tính khả thi chưa cao nên không thuyết phục được Hội đồng thẩm định. Bên cạnh đó, đa số các HTX không có tài sản thế chấp. Rất ít HTX sử dụng tài sản cá nhân đứng ra bảo lãnh vay vốn. Điều đáng nói, là một bộ phận HTX còn có tâm lý bao cấp nặng nề, chưa tự chủ. Do vậy, lãnh đạo địa phương cần mạnh dạn hơn giao thêm dịch vụ cho các HTX Nông nghiệp như dịch vụ chợ, vệ sinh môi trường… Chính quyền phải vào cuộc Sau ngày 1/7/2016, các HTX chưa chuyển đổi thì không được coi là hoạt động hợp pháp và thực tế đã có những DN lên tiếng từ chối hợp tác bao tiêu nông sản với một số HTX. Theo ông, cần tháo gỡ vấn đề này như thế nào? - Theo tôi được biết thì thời gian qua, Đoàn giám sát của Quốc hội phối hợp với Bộ KH&ĐT đã làm việc với Liên minh HTX Việt Nam và kiểm tra tình hình chuyển đổi HTX theo luật tại một số địa phương. Đoàn đã có kiến nghị lùi thời gian thi hành Luật HTX 2012, tuy nhiên kết quả như thế nào phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Còn phía Liên minh HTX Hà Nội vẫn đang đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện chuyển đổi HTX, đảm bảo hoạt động đúng luật.
TP Hà Nội đặt mục tiêu đến 30/9/2016 hoàn thành tổ chức lại 100% HTX hoặc chuyển đổi sang hình thức khác. Theo ông, mục tiêu này có kịp hoàn thành? - Nếu có sự chỉ đạo sát sao và vào cuộc quyết liệt của các địa phương thì đến 30/9/2016, toàn TP mới có thể chuyển đổi xong toàn bộ các HTX. Tôi xin nhấn mạnh lại là phải có sự tập trung vào cuộc của địa phương thì mục tiêu này mới hoàn thành. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này? - Thực tế trong 3 năm qua, Liên minh HTX TP đã cử cán bộ xuống tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi HTX theo luật phủ đầy 30 quận, huyện trên địa bàn TP. Đồng thời Liên minh cũng có Hướng dẫn 306/HD-LMHTX ngày 3/12/2014 về Tổ chức lại hoạt động HTX theo Luật HTX năm 2012 trên địa bàn TP. Cán bộ của Liên minh đã xuống được trên 400 HTX phối hợp giúp các HTX chuyển đổi. Tuy nhiên, bản thân các quận, huyện chưa thực sự quan tâm tới nhiệm vụ này chứ Liên minh HTX TP không thể làm thay được. Một ví dụ cụ thể là thời gian qua, tất cả các báo cáo về tình hình chuyển đổi HTX gửi lên Liên minh HTX TP chủ yếu là của Phòng kinh tế, còn bản thân các quận, huyện chưa báo cáo. Nhiều địa phương đầu năm 2016 mới bắt tay vào chuyển đổi HTX thì lại vướng bầu cử nên chưa triển khai được nhiều. Để giúp các HTX nhanh chóng chuyển đổi theo luật và hoạt động hiệu quả, theo ông cần có giải pháp gì? Trước tiên, các bộ, ngành T.Ư cần sớm có hướng dẫn đầy đủ về việc chuyển đổi HTX theo luật. Hiện nay, đối với HTX nông nghiệp đã có hướng dẫn cơ bản đầy đủ nhưng các HTX phi nông nghiệp và HTX muốn chuyển đổi sang hình thức công ty thì lại thiếu hướng dẫn, nhất là liên quan tới vốn, quỹ, công nợ, tài sản. Còn về phía Liên minh HTX Hà Nội, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện đôn đốc, bám sát, hướng dẫn các đơn vị để thực hiện tốt công tác chuyển đổi, phấn đấu đến 30/9/2016 hoàn thành cơ bản xong nhiệm vụ này. Đồng thời tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ HTX, nhất là đội ngũ Giám đốc, Chủ tịch HĐQT. Bởi đây chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định HTX hoạt động hiệu quả hay không. Tính đến nay, Liên minh HTX TP đã tổ chức được 6 khóa đào tạo cho trên 200 cán bộ các HTX. Xin cảm ơn ông!
Mô hình trồng hoa cây cảnh mang lại giá trị kinh tế cao của HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương, Chương Mỹ. Ảnh: Trọng Tùng |