Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạt bài: Những thói quen gây ùn tắc giao thông

Đàm Quân - Trọng Tùng ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài thực trạng hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhu cầu phát triển, còn có một nguyên nhân quan trọng không kém gây nên tình trạng ùn tắc, giao thông lộn xộn ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là ý thức của người tham gia giao thông.

Bài 1: Chuyện… bình thường

Bài 2: Những người thích lách lên phía trước

Bài 3: Tính tò mò tai hại

Bài 4: Đừng trở thành những… “tấm gương mờ”

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã ghi lại ý kiến trao đổi của các nhà giáo, nhà quản lý về vấn đề này.
Ông Lưu Xuân Bình - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội:

Mấu chốt là ý thức người tham gia giao thông

Loạt bài: Những thói quen gây ùn tắc giao thông - Ảnh 1Việc đổ lỗi cho những hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng khi đề cập tới những vấn đề của giao thông Thủ đô đã quá cũ, bởi thực tế Hà Nội đã phải “sống chung” với bất cập này từ nhiều năm nay. Có chăng nên tập trung vào câu chuyện làm thế nào để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Thực tế, những hành vi vi phạm luật dẫn tới tình trạng giao thông lộn xộn tại Hà Nội chủ yếu diễn ra vào giờ cao điểm. Đó là thời điểm mà ai nấy đều rất vội vã. Một số người vi phạm, rồi kéo theo rất nhiều người khác cùng vi phạm. Tôi lấy ví dụ: Một chiếc xe, rồi hai chiếc xe máy phóng lên vỉa hè để đi, chủ các phương tiện khác thấy vậy cũng làm theo. Từ đó tạo nên hiệu ứng dây chuyền, kéo theo hàng loạt vi phạm gây mất trật tự, ATGT. Để giải quyết bài toán giao thông lộn xộn giờ cao điểm mấu chốt vẫn là nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Việc làm này cần được thực hiện đa dạng thông qua nhiều hình thức trực quan sinh động. Ngày một ngày hai có thể chưa phát huy ngay tác dụng, nhưng tôi tin “mưa dầm thấm lâu”, người dân sẽ dần hiểu được ý nghĩa của việc chấp hành luật đối với an toàn tính mạng của chính bản thân.
TS Phạm Hương Trà - Phó Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

Hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhu cầu

Loạt bài: Những thói quen gây ùn tắc giao thông - Ảnh 2Tốc độ đô thị hóa quá nhanh làm gia tăng những vấn đề xã hội, trong đó có câu chuyện về giao thông. Thực tế, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông tại Thủ đô Hà Nội hiện nay không theo kịp với nhu cầu. Quy hoạch thiếu đồng bộ và hạn chế về hạ tầng giao thông công cộng khiến việc đi lại của người dân chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, nhịp sống đô thị ngày một gấp gáp khiến ai nấy đều rất vội vã. Người dân không hẳn là muốn vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng đôi khi vì đòi hỏi của công việc, đơn giản như chỉ là việc muốn đưa con tới lớp đúng giờ, họ buộc phải tìm cách thức di chuyển nhanh nhất có thể. Từ đó sinh ra lấn làn, phóng xe đi lên cả vỉa hè, thậm chí là vượt đèn đỏ. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đi lại có phần lộn xộn đang rất phổ biến tại Hà Nội hiện nay.
Ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh - Sinh viên (Bộ GD&ĐT):

Khi người lớn không gương mẫu…

Loạt bài: Những thói quen gây ùn tắc giao thông - Ảnh 3Không thể phủ nhận trong số những hành vi tham gia giao thông không đúng luật, giới trẻ chiếm một phần không nhỏ. Điều này xuất phát từ 2 nguyên nhân: Thứ nhất, đó là việc người lớn (nhất là các bậc phụ huynh) đã không gương mẫu. Việc họ sẵn sàng vi phạm luật là hình ảnh xấu khiến con trẻ, thanh thiếu niên dễ học theo. Thứ hai là do việc xử lý các vi phạm hiện nay chưa nghiêm, chưa triệt để. Có thể vì thương con trẻ nên lực lượng CSGT đôi khi đã lựa chọn việc nương tay khi xử lý các trường hợp vi phạm luật của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, điều này vô tình tạo nên tiền lệ xấu, một thói quen rất nguy hại ở tầng lớp thanh thiếu niên, đó là việc coi thường các quy tắc khi tham gia giao thông. Nói tóm lại, việc xây dựng thói quen tham gia giao thông đúng luật ở giới trẻ cần bắt đầu từ chính hành động của những người lớn.
Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia:

Tuyên truyền an toàn giao thông còn hạn chế

Loạt bài: Những thói quen gây ùn tắc giao thông - Ảnh 4Sự lộn xộn của giao thông Thủ đô chủ yếu nằm ở ý thức và sự hiểu biết thông tin còn hạn chế của một bộ phận người tham gia giao thông. Việc thông tin tuyên truyền hiện vẫn còn những hạn chế, không chỉ về mặt nội dung mà còn ở đối tượng tiếp nhận. Tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đã được giáo dục thường xuyên về giao thông trong học đường hay chưa? Hay như việc Thủ đô Hà Nội đón hàng vạn người ngoài TP đến làm việc mỗi ngày, nhóm này gần như không được tuyên truyền về việc chấp hành luật. Vấn nạn ùn tắc cùng những vi phạm khiến giao thông Thủ đô trở nên lộn xộn hiện nay là tổng hòa của nhiều nguyên nhân nêu trên. Và để từng bước lập lại trật tự giao thông, mỗi người dân cần tự ý thức việc chấp hành luật. Các cơ quan chức năng cần mạnh tay và nghiêm túc xử lý những trường hợp vi phạm. Cùng với đó, các sở, ngành của TP cần đẩy nhanh các dự án tiến tới nâng cấp đồng bộ hạ tầng giao thông.