Giữ nguyên nghi thức dân gian, truyền thống; không tổ chức lễ khai mạc vào đêm 14 tháng Giêng như trước; không phân biệt sang hèn, chức sắc hay dân thường khi đến tham dự lễ hội, nếu tổ chức phát ấn không lấy tiền (công đức tùy tâm); tách hoạt động phát ấn và việc công đức của khách vào những không gian khác nhau; nếu thực hiện phương án 2 (khai ấn tối 14, phát ấn những ngày hôm sau) số lượng ấn phát ra không hạn chế, kéo dài thời gian và địa điểm phát ấn theo một số phương án khác nhau.
Đó là những nguyên tắc được đưa ra trong những đề xuất phương án tổ chức việc phát ấn, nằm trong đề án tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định 2012. Hôm qua 18/7, đơn vị xây dựng đề án này – Viện Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) đã cùng Sở VHTT&DL Nam Định và chính quyền sở tại tổ chức hội thảo khoa học mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định 2012. Điều này cho thấy, tính cấp bách trong việc giải quyết những tồn tại của lễ hội đền Trần và mong mỏi có những mùa hội sạch trong tương lai. Nhưng phần nào thể hiện những vận động có phần chậm trong việc tìm hướng giải quyết. Bởi thực tế, những tồn tại, bấp cập trong lễ hội đền Trần đã quá lớn, cần sớm được giải quyết dứt điểm chứ không nên để đến tận bây giờ mới đang tiếp tục bàn nên tổ chức, quản lý như thế nào. Được biết, các quan điểm, ý kiến qua hội thảo này sẽ được trình lên cấp trên và phải qua thời gian nữa mới có quyết định chọn phương án nào.
Tại hội thảo hôm qua, đề án đã nhận được nhiều ý kiến tán thành, đồng thuận và phản đối, không ủng hộ từ đại diện người dân và các nhà khoa học. Về cơ bản, người dân sở tại và đại diện dòng họ Trần Việt Nam đều thống nhất quan điểm không nên lùi lại thời gian phát ấn bởi đây là vấn đề tâm linh, thiêng liêng. Ông Trần Văn Đoàn – 75 tuổi, thôn Tức Mạc, phường Lộc Vượng cho rằng: Để đến hôm sau phát ấn sẽ nhiễu sự lắm, cần phải có ý kiến cộng đồng. Theo điều tra của Viện VHNT với 800 phiếu tại Nam Định và một số địa phương khác, có tới 57,84% cho rằng cần tiếp tục khai ấn và ban ấn như mọi năm; 28,4% đề nghị chuyển sang Rằm tháng Giêng.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng, cần mở rộng không gian di tích đền Trần mới có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách. Ông Trần Phúc Văn – 80 tuổi ở thôn Tức Mạc đề nghị tỉnh sớm thu hồi đất của một Công ty Giống cây trồng sử dụng nhiều năm qua trao lại cho khu di tích. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND phường Lộc Vượng, khả năng có đất cũng phải đến năm 2015. Nghĩa là từ nay đến đó, hội lễ hàng năm vẫn đối diện với rất nhiều thách thức.