Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loay hoay “cứu” sân khấu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 482 nghệ sĩ sân khấu khắp mọi miền tề tựu tại Nhà hát Lớn Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Hội Nghệ sĩ Sân khấu việt Nam.

Sáng 17/12, 482 nghệ sĩ sân khấu khắp mọi miền tề tựu tại Nhà hát Lớn Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Hội Nghệ sĩ Sân khấu việt Nam. Không chỉ các nghệ sĩ thế hệ đi trước như NSND Viễn Châu, NSND Lê Mai, mà có cả các nghệ sĩ lớp kế tục như NSND Lê Khanh, NSƯT Minh Hòa, NSƯT Trung Hiếu và lớp nghệ sĩ trẻ như: Thục Khánh, Quốc Phòng... Họ đến không chỉ để gặp gỡ nhau, mà còn kỳ vọng có những “kế sách” mới cứu nguy cho sân khấu.

Lỗi của ai?

Đứng trước thực trạng ảm đạm của sân khấu, trước kỳ Đại hội lần thứ VIII này, Ban chấp hành khóa VII đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân. Từ việc đội ngũ sáng tác trẻ còn yếu, hệ thống lý luận phê bình sân khấu cũng mờ nhạt, ngành chưa được quan tâm đúng mức... Song đó liệu có phải nguyên nhân chính? Bởi trong tiềm thức của khán giả Việt, sàn gỗ vẫn là nơi một thời vang bóng, nghệ sĩ sân khấu luôn được khán giả trân trọng. Ngay trước thềm Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng dành không gian trang trọng tại Phủ Chủ tịch đón chào các gương mặt nghệ sĩ của ngành. Phát biểu tại Đại hội sáng 17/12, Chủ tịch nước không chỉ nhấn mạnh công lao đóng góp của nghệ sĩ trong thời chiến, mà còn mong muốn các nghệ sĩ hướng vào các đề tài phản ánh mang tính thời sự hơn. Thế mới thấy, sân khấu vẫn được quan tâm.
“Nhà có ba chị em gái” - một trong những vở kịch thành công của Nhà hát Tuổi trẻ.
“Nhà có ba chị em gái” - một trong những vở kịch thành công của Nhà hát Tuổi trẻ.
Soạn giả – NSND Viễn Châu, người có nhiều năm sáng tác chuyên nghiệp không cho rằng đội ngũ cây bút trẻ ít cống hiến, khiến sân khấu thiếu tác phẩm hay; Mà nguyên nhân là do người sáng tác đã quen với kiểu định hướng thiếu rạch ròi giữa tính chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của người quản lý. Bởi mạch sáng tác không được những người đứng đầu ngành định hướng, nuôi dưỡng thường xuyên, mà đến các mùa hội diễn, liên hoan mới phát động phong trào sáng tác và đặt hàng theo một thể tài nào đó. “Trong khi đó, đời sống của các tác giả phải thường xuyên cọ xát với cuộc sống và qua đó, ngòi bút sẽ nói lên những trăn trở của con người trong xã hội" – NSND Viễn Châu nhấn mạnh.

NSƯT Minh Ngọc cũng thừa nhận, Nhà nước đầu tư cho các hoạt động sân khấu công lập ở TP Hồ Chí Minh không nhỏ. Đội ngũ mới và trẻ trong sân khấu cũng được chuẩn bị hùng hậu thông qua các lớp đào tạo của Nhà hát Trần Hữu Trang kết hợp với khoa sân khấu, trường Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. "Đừng đổ thừa cho kịch bản, vì không phải các tác giả đã giết chết sân khấu" – NSND Minh Ngọc bày tỏ. Thế mới thấy, cái nhìn của lãnh đạo Hội đang có chút “lệch chuẩn” về những yếu điểm của ngành.

Sân khấu cũng cần kỷ luật

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa VII đưa ra định hướng cho công tác Hội trong thời gian tới: "Sẽ tập trung vào tác phẩm, đội ngũ tác giả, làm sao để có nhiều tác phẩm và tác giả trẻ có thể sáng tác ra nhiều tác phẩm hướng đến khán giả trẻ. Muốn có khán giả đến với sân khấu trong sự bùng nổ thông tin như hiện nay thì nhất định phải có tác phẩm hay, đạo diễn giỏi, tác giả giỏi, diễn viên giỏi".

Vẫn biết, đưa sân khấu trở lại thời vàng son như những năm 80 của thế kỷ trước là không thể, song với cách nhìn nhận của lãnh đạo ngành sân khấu có vẻ vẫn thiếu tính định hướng. NSND Viễn Châu cho rằng: "Sân khấu phải thi hành quy chế một cách đúng đắn, phải có kỷ luật thì mới thoát khỏi hoàn cảnh suy sụp như ngày hôm nay. Sân khấu không thể làm theo kiểu giật gân, chạy show và chiều lòng "ngôi sao" để câu khách", đó cũng là niềm mong mỏi của nhiều nghệ sĩ sân khấu ở thế hệ Ban Chấp hành nhiệm kỳ VIII.
Chiều ngày 17/12, Đại hội Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã bầu ra Ban Chấp hành Hội khóa VIII, gồm 21 thành viên. Trong đó, NSND Lê Tiến Thọ tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2014 - 2019, 3 Phó Chủ tịch Hội là NSƯT Lê Chức, Võ Trọng Nam, Nguyễn Văn Bộ.