Kinhtedothi - Nhẩm tính nhanh cũng đến gần 8 tháng trong năm qua, các DN, hộ kinh doanh karaoke ở Hà Nội lao đao vì công văn yêu cầu tạm dừng cấp phép của ngành văn hóa. Sốt ruột mong ngóng, mãi đến 19/1/2015, khi UBND TP chính thức cho phép quận, huyện được cấp phép trở lại, các địa phương mới phần nào được gỡ rối; DN, hộ kinh doanh mới tạm cất đi nỗi lo thất thu.
Bài 1: Muôn kiểu hoạt động không phép
Trên địa bàn TP hiện nay không đếm xuể số cửa hàng kinh doanh karaoke đang nơm nớp nỗi lo hoạt động “chui”. Dù có đủ các giấy tờ quy định đăng ký kinh doanh, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy…, nhưng các cửa hàng này vẫn gặp vướng. Chạy ngược chạy xuôi, đi cửa chính cửa phụ cũng không thể xin được chiếc giấy thông hành cho dịch vụ karaoke trong quãng hơn nửa năm qua.
Một năm 3 lần đổi chủ
Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị mở tiệc ăn mừng thành quả trong năm. Thế nhưng, đồng hồ đã điểm 20 giờ nhân viên quán karaoke Tip Top (A18, TT17, Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) mới hồ hởi đón đoàn khách đầu tiên. Theo lời cậu nhân viên chạy bàn “mấy ngày nay quán ế quá!”. Cửa hàng kinh doanh karaoke Tip Top với diện tích khai thác gần 200m2, có đủ 7 phòng trang bị âm thanh phục vụ nhu cầu ca hát của “thượng đế”, song đồ đạc đã ngả màu cũ vàng vì… ít được sử dụng. Hơn 4 năm, ngôi nhà 5 tầng này được sửa chữa làm nơi kinh doanh dịch vụ giải trí, nhưng chưa năm nào ảm đạm như năm vừa qua. Đầu năm 2014, chủ cũ vỡ nợ chuyển nhượng cho chủ mới. Hợp đồng chuyển nhượng không bao gồm giấy phép kinh doanh karaoke. Chính vì vậy, ông chủ mới của Tip Top lại quyết định đầu tư sửa chữa, lo chạy hàng loạt các loại giấy đăng ký kinh doanh, an ninh trật tự…, nhưng sau đó bị “lỡ nhịp” trước quyết định tạm dừng cấp giấy phép kinh doanh karaoke của ngành văn hóa Thủ đô.
Một cửa hàng karaoke tại ngõ 81 đường Láng Hạ, quận Đống Đa. Ảnh: Chiến Công
Không thể treo biển, hoạt động chui chỉ có lỗ, Tip Top nhận chủ mới chưa được 2 tháng lại… đổi chủ. Người chủ thứ 3 tồn tại được một tháng lại rao chuyển nhượng cho ông chủ hiện tại là Trần Duy Hiếu. Sau khi liên tục bị thanh tra liên ngành lập biên bản, thu giữ đầu hát và các hiện vật vi phạm như rượu, bia; lập biên bản nộp phạt hình thức quảng cáo nhân viên phục vụ gợi cảm, anh Hiếu chỉ biết gãi đầu giải thích: “Tiền chuyển nhượng cơ sở phòng hát (không bao gồm nhà đất) lên đến hơn 300 triệu đồng, tiền thuê nhà 10 triệu đồng/tháng. Em trót đầu tư rồi mà không xin được giấy phép nên đành thỉnh thoảng “vượt rào”… để kéo khách. Nếu chờ thời gian nữa vẫn không có kế hoạch cấp phép trở lại, chắc em lại tính nước chuyển nhượng để lấy lại ít vốn”.
Cửa hàng cà phê Sao (phường La Khê, quận Hà Đông) có 4 phòng hát trang bị hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại, bàn ghế sang trọng, song cũng chỉ để chờ… sử dụng. Ông Nguyễn Bảo Vỹ - chủ cửa hàng thừa nhận: “Thỉnh thoảng quán cũng có khách đến hát, nhưng chúng tôi chỉ dám thu tiền nước uống. Tôi biết như thế vẫn là phạm luật bởi dù có đủ thứ giấy tờ quy định khác, chúng tôi vẫn thiếu giấy phép kinh doanh karaoke nên không được phép cho khách hát dù là miễn phí. Nhưng 600 triệu đồng đổ vào đầu tư cho các phòng hát này rồi, cứ để không thì phí quá”. Biết cơ sở mình dễ bị phạm luật nên mỗi khi có đoàn thanh tra ghé thăm ông Vỹ lại giật mình lo lắng hỏi cán bộ quản lý văn hóa: “Chờ đến bao giờ giấy phép kinh doanh karaoke mới được cấp trở lại?”.
4 tỷ đồng sẽ trôi sông?
Có lẽ, chủ cửa hàng cà phê Sao và cửa hàng karaoke Tip Top còn may mắn hơn so với anh Nguyễn Hải Tuấn – chủ hãng taxi Tuấn Hải đình đám một thời. Đang kinh doanh taxi có lãi, thấy thị phần vận tải cạnh tranh ngày càng khốc liệt, anh Tuấn quyết bán cổ phần taxi, đầu tư nhà hàng karaoke massage Hải Anh (nhà D1 khu đấu giá Vạn Phúc, quận Hà Đông) - loại hình tưởng chừng nhiều khách, dễ sinh lời. Ghé chân đến cơ sở kinh doanh karaoke massage Hải Anh những ngày cuối của năm 2014 thấy xót cho cảnh “cả đống tiền đầu tư” đang chờ ngày… siết nợ.
Đầu tư 4 tỷ đồng cho cơ sở kinh doanh 7 tầng, nhưng chưa bao giờ công suất hoạt động của cửa hàng được 50%. Bởi theo tâm sự của chủ cơ sở Hải Anh, khách đến thường song song cả hai nhu cầu massage và hát. Thế nhưng bật phòng hát lại lo thanh tra, công an bắt vì kinh doanh không phép. Vài lần khách đang hát, thanh tra đến lại bị đuổi, lâu dần cửa hàng mất hết khách, lại càng không đủ khả năng cạnh tranh với cơ sở bên cạnh hoạt động từ trước và đang có phép. Sau gần nửa năm kinh doanh, khả năng 4 tỷ của anh Tuấn sẽ “trôi sông”, bởi ngoài số tiền bán cổ phần công ty taxi, anh còn thế chấp nhà vay lãi đầu tư vào cơ sở này. “Việc kinh doanh không thuận lợi nên toàn bộ giấy tờ cửa hàng tôi phải thế chấp. Tôi đầu tư 4 tỷ để sửa chữa quán, mỗi tháng tiền thuê nhà 60 triệu, nhưng một ngày doanh thu không đạt 2 triệu. Trong khi các chủ nợ ráo riết đòi tiền, đã nhiều tháng ông chủ nhà cũng thúc giục tiền thuê còn nợ, tôi lại tính chuyển nhượng để gỡ lại chút vốn nào hay chút đó” - anh Tuấn tâm sự.
Tình trạng cơ sở kinh doanh lao đao vì thiếu giấy phép của ngành văn hóa không chỉ xảy ra tại quận Hà Đông, mà còn ở các quận khác như Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, huyện Chương Mỹ… - những điểm có nhu cầu phát triển loại hình dịch vụ này song tiềm ẩn nỗi lo chưa thể quản lý. Thế mới thấy, quản lý một loại hình dịch vụ văn hóa không thể cứ “cấm” là xong, là giải quyết hết mâu thuẫn từ thực tế.
Còn nữa