Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

'Loay hoay' quy hoạch đô thị Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc quy hoạch thành phố thiếu khoa học kéo theo hàng loạt các vấn đề khác làm đau đầu các nhà quản lý, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, nổi lên như vấn đề khoảng cách giàu nghèo càng lớn, việc làm ngày một căng thẳng.

KTĐT - Việc quy hoạch thành phố thiếu khoa học kéo theo hàng loạt các vấn đề khác làm đau đầu các nhà quản lý, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, nổi lên như vấn đề khoảng cách giàu nghèo càng lớn, việc làm ngày một căng thẳng.

Có thể nhận thấy, diện mạo ở không ít đô thị của Trung Quốc đã có nét khởi sắc rõ rệt. Nhà cao tầng mọc lên như nấm, một số tòa nhà ở thành phố Thượng Hải còn được xếp trong danh sách những nhà chọc trời thế giới.

Trong đó có Trung tâm Tài chính Thế giới cao 492m với 101 tầng, đứng thứ ba thế giới, đường sá ngày càng hiện đại với vô số cầu vượt trong thành phố, đường rộng 10-12 làn xe ô tô, đường vành đai ngày càng nhiều góp phần giảm ách tắc giao thông nội đô, như Bắc Kinh hiện đã có tới đường vành đai thứ 6, những thành phố cây xanh cũng được bảo tồn như thủ đô cổ kính Bắc Kinh, thành phố công viên Hàng Châu, Tô Châu…

Bên cạnh đó, một nét đẹp dễ nhận thấy trong nhiều thành phố ở Trung Quốc là ý thức giữ gìn cảnh quan đô thị xanh sạch đẹp theo đúng nghĩa của người dân, không còn cảnh hút thuốc lá, vứt rác, khạc nhổ bừa bãi như trước đây…

Nhưng giới lãnh đạo nước này cũng như các học giả trong và ngoài nước thực sự chưa thể lạc quan vào viễn cảnh đẹp của thành phố, điều họ lo ngại nằm ở vấn đề quy hoạch đô thị cũng như quá trình đô thị hóa đang diễn ra quá nhanh tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Bước vào thế kỷ 21, Trung Quốc đang “loay hoay”, nhiều lúc tưởng như “bế tắc” trước không ít thách thức phát sinh trong quá trình quy hoạch đô thị.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã khiến cho diện mạo và kiến trúc lịch sử của một số thành phố ở nước này không còn giữ được nét nguyên trạng, thậm chí bị biến đổi hoàn toàn. Hằng năm, khoảng 13 triệu nông dân chuyển dịch vào thành phố sinh sống và làm việc, đã khiến tốc độ đô thị hóa tăng tới 46% vào cuối năm 2008. Dự tính đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có khoảng 60% dân số là dân thành thị.

Trào lưu mô phỏng

Một trào lưu trong quy hoạch đô thị ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc hiện nay đó là “bắt chước”, học theo các nước phát triển phương Tây, xây dựng thành phố theo mô hình “quốc tế hóa” một cách bất hợp lý, phi khoa học mà không hề dựa vào tình hình cụ thể của khu vực. Do vậy mà rất nhiều thành phố đã đua nhau xây dựng số lượng lớn các trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, chứng khoán, các mạng lưới siêu thị…

Việc quy hoạch thành phố thiếu khoa học kéo theo hàng loạt các vấn đề khác làm đau đầu các nhà quản lý, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, nổi lên như vấn đề khoảng cách giàu nghèo càng lớn, việc làm ngày một căng thẳng. Người ta phát hiện ra một điều rằng các thành phố ở Trung Quốc ngày càng giống nhau, giống nhau từ phong cách bên ngoài của mạng lưới các nhà hàng, khách sạn cao cấp, ngân hàng, giống nhau từ viên gạch, tường kính, đến lối kiến trúc kiểu chóp mũ của phương Tây… khiến cho kiến trúc đô thị Trung Quốc bị trùng lặp kiểu “hàng công nghiệp”.

Một số thành phố phía nam Trung Quốc nổi lên “mốt” xây nhà chọc trời. Trong 10 tòa nhà cao nhất thế giới thì Trung Quốc chiếm 4 tòa. Theo như đánh giá của học giả Lôi Tiếu Lâm - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đô thị Trung Quốc, đây lại là một sự mô phỏng bắt nguồn từ việc các nhà quy hoạch đô thị nước này ngưỡng mô các tòa nhà cao tầng ở Mỹ, điển hình là Trung tâm Manhattan, nhưng trên thực tế, tòa nhà này lại bị các nước phát triển coi là mặt trái của sự phát triển đô thị với sự lãng phí về tài nguyên, làm doãng rộng khoảng cách giàu nghèo do sự thiếu năng lực trong quản lý khu quy hoạch.

Những công trình lớn không còn mang đúng ý nghĩa biểu trưng của thành phố. Nếu như nói tới Bắc Kinh người ta nhắc tới Cố Cung, quảng trường Thiên An Môn, hay nhắc tới Thượng Hải là nhớ tới bến Thượng Hải và tháp truyền hình Hòn ngọc phương Đông… Nhưng cái mốt trong kiến trúc biểu trưng hiện nay ở nước này lại đang đi theo hình mẫu của các nước phát triển, đó là theo đuổi lối phong cách kiến trúc mới nhất, lớn nhất, hiện đại nhất, đồng thời bỏ bê những công trình nhà ở tiện ích cho người thu nhập thấp. Những quảng trường lớn, đại lộ thênh thang, thảm cỏ bao la, những tòa nhà văn phòng mang phong cách châu Âu mọc lên khắp Trung Quốc, nhưng lại không thể hiện nội hàm văn hóa lịch sử của mỗi thành phố.

Bên cạnh đó, các thành phố ở Trung Quốc cũng đang vấp phải vấn đề sử dụng màu sắc trong quy hoạch đô thị. Các thành phố lớn dường như lạm dụng màu sắc trong việc quảng bá hình ảnh của mình, dẫn tới sự rối rắm, hỗn loạn, lòe loẹt, không toát lên được nét đặc trưng của mỗi vùng. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có sự thống nhất trong đa dạng khi phối màu tô điểm cho mỗi thành phố để thấy được nét riêng biệt dễ nhớ, cũng là cách để thu hút khách du lịch. Điển hình là thành phố Hàng Châu, được coi là công viên cây xanh, lá phổi của Trung Quốc, thành phố này đã sử dụng màu xanh tươi mát của cây cối hòa quyện với tông màu ghi nhạt nhằm toát lên vẻ đẹp riêng có của mình.

Mất đi lịch sử

Một vấn đề đáng báo động trong quy hoạch thành phố ở Trung Quốc đó là hiện tượng phá hoại kiến trúc cổ kính, di tích lịch sử để xây mới làm cho các hiện vật lịch sử cũng như diện mạo thành phố bị hủy hoại nghiêm trọng. “Phá dỡ” đã trở thành từ vựng sử dụng phổ biến trong quy hoạch đô thị hiện nay ở Trung Quốc. Những ngôi nhà vẫn còn giá trị sử dụng và giá trị văn vật thì lại sớm bị phá bỏ, trong khi rất nhiều nhà trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng hoặc nhà lều thì lại được giữ lại. Hoặc như việc hàng trăm ngôi mộ cổ có niên đại hơn 2.000 năm tuổi đã bị đập phá hoặc chôn vùi nhường chỗ cho một dự án qui hoạch nhà cửa tại khu tự trị Nội Mông, dù rằng nhà nước đã liệt nơi đây vào một trong những địa điểm di sản văn hóa lớn cần được bảo tồn.

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh còn dẫn tới sự hủy hoại môi trường sinh thái, nguồn nước sạch bị ô nhiễm nặng, bầu không khí không còn trong lành, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt cũng như tuổi thọ của người dân thành phố. Nguồn ô nhiễm chính là chất thải công nghiệp từ các nhà máy giấy, in và nhuộm, các nhà máy hoá chất và các xí nghiệp nhỏ, cùng với các xí nghiệp làng nghề khác. Hơn 80% lượng nước thải này đổ trực tiếp ra sông, hồ và các hồ chứa nước khác mà không qua xử lý. Kết quả 90% nguồn nước ở các khu đô thị bị ô nhiễm nghiêm trọng và 1/4 dân số của Trung Quốc sử dụng nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn này. Trong 10 thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất trên thế giới thì Trung Quốc chiếm tới 8 thành phố, môi trường không khí ở các thành phố của nước này bị đánh giá là có chất lượng tồi nhất trên thế giới.

Vấn đề tái định cư cũng gây đau đầu cho các nhà quy hoạch đô thị. Chỉ có khoảng 35% các hộ gia đình chuyển nhà “tự nguyện”, trong khi có tới khoảng 58% các hộ gia đình phải chuyển nhà một cách “bắt buộc”, gây khó khăn cho quá trình quy hoạch. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do khâu bồi thường. Do khâu phá dỡ các khu nhà cũ là một việc làm nhạy cảm nên các công ty đầu tư bất động sản đã giao phần việc này cho những đơn vị chuyên về phá dỡ, khiến cho việc việc giải toả và tái định cư bị thay đổi bản chất, trở thành những hợp đồng “béo bở” mang tính thương mại. Các công ty chuyên về giải toả tìm đủ mọi cách giảm chi phí cho việc tái định cư, thậm chí dám hy sinh quyền lợi chính đáng của những người thuộc diện tái định cư để tăng thêm lợi nhuận cho mình. Trong những năm gần đây, mối xung đột xã hội này ngày càng gay gắt do sự tăng cường thực hiện “thương phẩm hoá” theo hướng có lợi cho các chủ đầu tư.

Việc thay đổi chỗ ở và tái định cư của những hộ gia đình chịu ảnh hưởng của các dự án mới về phát triển đô thị đã gây ra những hậu quả sâu sắc về mặt xã hội khiến cho cấu trúc đô thị không còn dựa trên nguyên tắc bình quân như trước đây mà đã bị thay đổi hoàn toàn. Đó là kết quả của cuộc điều tra do một số viện nghiên cứu của Trung Quốc phối hợp thực hiện gần đây. Giảng viên khoa địa lý Trường Đại học Southampton (Anh), ông Wu Fulong nhận định, cấu trúc đô thị mới này sẽ càng làm tăng thêm những biểu hiện phân hoá về không gian - xã hội. Thượng Hải chính là nơi có trào lưu thay đổi chỗ ở mạnh mẽ nhất. Cấu trúc đô thị bị thay đổi đã tạo thuận lợi cho việc xây dựng một đô thị hoàn toàn mới, đó là khu Phố Đông bên bờ phía đông của sông Hoàng Phố với các toà nhà chọc trời mọc lên ngay trong trung tâm thành phố cũ.

Nhưng xét cho cùng, trong làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ như ở Trung Quốc hiện nay, nếu thành phố nào không thay đổi diện mạo thì lãnh đạo thành phố đó bị coi là thiếu năng lực, thậm chí không giữ nổi ghế, nhưng nếu thay đổi quá nhanh, tốc độ đô thị hóa mạnh thì cũng sẽ bị chỉ trích. Tìm một biện pháp dung hòa, vừa phát triển vừa bảo tồn, đô thị hóa mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống không phải là điều dễ dàng.