Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loay hoay tìm mẫu thiết kế trang trí chiếu sáng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa bao giờ, việc phát động cuộc thi thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí TP Hà Nội lại thu hút sự quan tâm của đông đảo giới họa sĩ và truyền thông như buổi lễ diễn ra sáng 29/3.

Không chỉ vì đây là cuộc thi mang tính chất lần đầu, mà vì vấn đề trang trí chiếu sáng ở Hà Nội đang “sống” với nhiều luồng ý kiến khen, chê.

Hướng đến Hà Nội đẹp

Thực tế, hình thức trang trí chiếu sáng trên địa bàn TP chưa từng có tiền lệ tổ chức cuộc thi. Nhưng quả là vấn đề này thời gian qua của Hà Nội đã được bàn luận sôi nổi trong công chúng. Có những thời điểm, Hà Nội đẹp hơn lên nhờ hệ thống đèn chiếu sáng, nhưng theo họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Hà Nội vốn nhiều nhà, các tuyến đường giao thông tấp nập, lộn xộn, nhưng đôi khi các hình thức trang trí lại làm tăng thêm sự lộn xộn đó”. Đối với họa sĩ Nguyễn Huỳnh Mai, nhiều vị trí trang trí của Hà Nội còn thể hiện tư duy bao cấp. Ví như di tích Ô Quan Chưởng vốn đẹp ở vẻ rêu phong, nhưng cứ đến ngày lễ Tết là ngợp cờ đuôi nheo. “Di tích của Hà Nội vốn đã đẹp, xin đừng trang trí gì trên các di tích nữa” – họa sĩ Nguyễn Huỳnh Mai bày tỏ. Và để giảm tình trạng trang trí thiếu thẩm mỹ, Sở VH&TT Hà Nội đã đứng ra huy động trí tuệ, sự sáng tạo của giới họa sĩ dành cho công việc trang trí các hình chiếu sáng cho các sự kiện lớn của Thủ đô.
Quả cầu đèn trang trí trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.              Ảnh: Công Hùng
Quả cầu đèn trang trí trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Công Hùng
Theo họa sĩ Nguyễn Thùy Liên – người tham gia thiết kế các mẫu tranh cổ động cho Hà Nội những năm 1990 cho biết: “Trước đây khi còn Sở Văn hóa Thông tin, nhà quản lý đã từng phát động giới họa sĩ thiết kế các mẫu logo, tranh cổ động để tuyên truyền cho Thủ đô. Tuy nhiên, lần phát động đó quy mô rất nhỏ. Đây là lần tổ chức thứ 2, quy mô hoành tráng hơn, rõ mục tiêu hơn”. Và mục tiêu mà cuộc thi này đề ra là các mẫu thiết kế trang trí chiếu sáng để tuyên truyền các sự kiện chính trị lớn trong năm 2016 như: Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, 71 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô, chào năm mới 2017… Vị trí được lựa chọn thiết kế trang trí chủ yếu là khu trung tâm TP như: các Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Đông Kinh Nghĩa Thục, tượng đài Lý Thái Tổ; nút giao thông Cửa Nam, Ngân hàng Nhà nước, Ô Chợ Dừa, Mỹ Đình, Mai Dịch; các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay…; khu vực cửa ngõ và các cây cầu lớn. Rất nhiều người trong giới họa sĩ ghi nhận sự cầu thị của Hà Nội dành cho việc làm nổi bật nét đẹp của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, người ta cũng băn khoăn không hiểu có thể làm được gì để tìm ra được những mẫu thiết kế đẹp, áp dụng vào thực tế hiệu quả.

Chỉ là cách đặt đầu đề
Ban tổ chức sẽ nhận bài thi từ ngày 18 - 22/4. Hội đồng giám khảo của cuộc thi bao gồm: Họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam), họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo (nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội), NSND Trần Quốc Chiêm (Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội)…

Tưởng như quy định mở với nhiều vị trí trang trí của Ban tổ chức sẽ tạo điều kiện cho giới họa sĩ sáng tạo, nhưng họa sĩ Lê Huy Tiếp cho rằng: “Tôi như lạc vào ma trận của những yêu cầu trong cuộc thi. Bởi vì, thiết kế trang trí cho một vị trí là khó, đây lại là cuộc thi cho nhiều vị trí. Hơn nữa, giới họa sĩ cần những thông tin cụ thể hơn của ngành kiến trúc như: Độ cao, kích thước trang trí… mới ra được sản phẩm”. Cùng chung băn khoăn với họa sĩ Lê Huy Tiếp, họa sĩ Nguyễn Thùy Liên cho rằng, Sở VH&TT Hà Nội không nên gọi đây là cuộc thi, mà chỉ coi là cuộc vận động. Bởi vì, rất khó để tìm ra một giải Nhất, một giải Nhì khi có quá nhiều vị trí trang trí.

Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho rằng: “Cuộc thi chỉ là cách đặt đầu đề cho phương án tô đẹp Thủ đô. Lần đầu tổ chức sẽ khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhưng thử tổ chức một cuộc thi, có thể thành công, cũng có thể không thành công nhưng chúng ta cũng đặt được viên gạch đầu cho vấn đề trang trí Hà Nội. Nếu không thành công, chúng ta lại tiếp tục tổ chức cuộc thi”. Cuộc thi được tổ chức mang tính kêu gọi những tấm lòng của các họa sĩ, DN dành cho Hà Nội. Chính vì vậy, Ban tổ chức không đặt nặng vấn đề giá trị tiền thưởng cho các mẫu thiết kế đoạt giải. Sau khi chấm giải, Ban tổ chức sẽ trưng bày các mẫu thiết kế, lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân trước khi quyết định áp dụng vào thực tế.