Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loay hoay xử lý phế thải xây dựng

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 155/2016/NĐ - CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã đi vào thực tế hơn 3 tháng và đang thu được những kết quả nhất định.

Trong khoảng thời gian này, với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị có liên quan, bộ mặt đô thị, vệ sinh môi trường tại Hà Nội đã có những chuyển biến, tuy nhiên, tại một số địa phương, việc xử lý nạn đổ trộm, tập kết rác thải, đặc biệt là phế thải xây dựng vẫn chưa được xử lý một cách triệt để.

Tràn lan vi phạm

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số khu vực như ngõ 122 đường Trường Chinh, ngõ 99 Định Công Hạ, phố Trần Điền, khu vực gầm cầu đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông (đoạn qua phố Hào Nam), đường Nguyễn Xiển… tình trạng tập kết, đổ trộm rác thải xây dựng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị vẫn diễn ra phổ biến. Điều đáng nói, những vi phạm trên đã tồn tại từ nhiều tháng, thậm chí từ năm này sang năm khác nhưng không được dọn dẹp kịp thời, gây bức xúc trong dư luận.

Tại ngõ 122 đường Trường Chinh, rác thải xây dựng chiếm hơn nửa diện tích lòng đường.  Ảnh: Vân Nhi

Đơn cử, tại khu vực ngõ 99, phố Định Công, quận Hoàng Mai, một “núi” phế thải xây dựng cao ngang đầu người, kéo dài hơn chục mét vẫn ngang nhiên tồn tại, phớt lờ các quy định. Được biết, cuối năm 2016, chính quyền địa phương đã tổ chức dọn dẹp núi phế thải xây dựng này. Tuy nhiên, do thiếu giám sát, nên chỉ được một thời gian vi phạm tái diễn. “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị chính quyền địa phương tổ chức dọn dẹp. Nhưng không hiểu vì lý do gì, từ khi núi rác hình thành và mọc… cây um tùm, đến nay, vi phạm vẫn chưa được xử lý” – một người dân sống tại ngõ 99 Định Công Hạ cho biết.

Chậm xử lý vì thiếu kinh phí

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số phường trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy chia sẻ, theo quy định, nếu để xảy ra tình trạng người dân tập kết rác, phế thải xây dựng sai quy định, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các phường. Thế nhưng, để xử lý triệt để vấn đề này cũng như kịp thời dọn dẹp để đảm bảo mỹ quan đô thị là việc không đơn giản. Bởi, theo quy định, các công ty vệ sinh môi trường chỉ tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân. Đối với phế thải xây dựng, chính quyền địa phương muốn dọn dẹp phải có thỏa thuận với đơn vị thu gom rác thải. “Vấn đề khó nhất hiện nay chính là kinh phí để tổ chức dọn dẹp. Trong danh mục chi tiêu tại địa phương không có mục nào là dọn dẹp rác phế thải. Do đó, để xử lý được, các phường phải “cân đong, đo đếm”, vận dụng một cách linh hoạt để có kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, không phải lúc nào, địa phương nào cũng có điều kiện kinh tế để làm việc này” – lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Đống Đa chia sẻ.

Nghị định 155 của Chính phủ sau hơn 3 tháng đi vào thực tiễn, đã từng bước phát huy được hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Thế nhưng, những bất cập trong xử lý các trường hợp xả rác sai quy định, đặc biệt là trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm đã khiến công tác quản lý trật tự đô thị gặp không ít khó khăn. Do đó, để bộ mặt đô thị tiếp tục có những chuyển biến tích cực, bền vững, các đơn vị có chức năng cần xem xét xây dựng cơ chế, quy định, tạo điều kiện cho chính quyền các địa phương kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng cần phải tăng cường kiểm tra, chốt trực để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.