Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Logistics hàng không: Thị trường đầy tiềm năng

Kim Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Logistics hàng không là thị trường hấp dẫn, hứa hẹn đem lại tăng trưởng, lợi nhuận cao. Tại Việt Nam, logistics đang phát triển mạnh mẽ bằng chứng là mỗi tuần có khoảng 1.000 tấn hàng hóa được vận chuyển qua đường hàng không.

Ngày 22/4, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) phối hợp với Công ty Truyền thông Logistics Việt Nam tổ chức Hội nghị và Triển lãm quốc tế “Hậu cần vận tải hàng không Việt Nam 2017”.

Ngành logistics tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch VLA Đỗ Xuân Quang cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm định hướng, tìm cơ hội phát triển, tạo kết nối cung cấp dịch vụ tốt hơn để tham gia vào chuỗi cung ứng nền kinh tế toàn cầu. "Năm 2017, ngành hàng không tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, an ninh hàng không cũng như nguồn nhân lực, qua hội nghị này chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp kiến thức giải quyết vấn đề của ngành hậu cần hàng không trong tương lai", ông Quang nói.
Phó Chủ tịch VLA cũng cho biết tầm quan trọng của thương mại điện tử tác động đến ngành logistics. Theo đó, các công ty điện tử như Microsoft, công ty may mặc như Adidas đã có thị trường tại Việt Nam và thúc đẩy vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không. Mỗi tuần có khoảng 1.000 tấn hàng hóa qua đường hàng không. Như vậy, có thể thấy thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, hàng hóa qua thương mại điện tử tăng qua đường hàng không. Đây chính là yếu tố thuận lợi để lượng hàng hóa lưu thông ngày càng nhanh và càng tăng. Đặt mục tiêu phát triển của logistics hàng không Việt Nam đến năm 2015 đó là đóng góp 8-10% vào GDP, tăng trưởng dịch vụ 15 - 20%.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy, nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa phát triển, kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi sự kiện nước Anh rút khỏi liên minh EU, các cuộc chiến tranh… Đặc biệt, giá dầu tăng, xu hướng này tiếp tục tăng với mức 70%, năng suất tiếp tục ở mức ổn định nhưng khả năng sinh lợi nhuận có thể giảm đi so với các kỳ trước…

Tuy nhiên, Quản lý IATA về hàng hóa tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Rodrigo Reye cho rằng: “Kinh tế bị chững tạo ra sự cẩn thận hơn và dự báo sẽ khởi sắc vào 2017. Năm 2017 được xem là sự khởi đầu tốt bởi xu thế người tiêu dùng tin cậy hơn, gia tăng sự cạnh tranh, giao thương giữa các quốc gia với nhau”.

Thương mại điện tử cũng là một trong những vấn đề được các chuyên gia quan tâm và đang là một trong những thách thức đối với ngành hậu cần hàng không. Cụ thể, các thách thức mới như: các dịch vụ mặt đất, truy xuất nhận biết hàng hóa đã đi đến đâu trong quá trình lưu chuyển. Sức tải hàng hóa, bưu điện, từ nơi giao nhận đến nơi nhận cuối cùng.

Cũng nói về thương mại điện tử, Giám đốc Khu vực hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Á - Thái Bình Dương Husenyin Ceyhan cần có sự gia tăng sự hợp tác về vận chuyển hàng hóa để tạo ra mối liên kết, hợp tác tốt hơn giữa các hãng vận chuyển hàng không. “Khi hợp tác thì sẽ có hiệu quả và tạo sức mạnh. Sự hợp tác giữa gửi hàng và hàng không tạo ra đơn hàng ổn định và mức lợi nhuận hợp lý cho hãng hàng không, hàng hóa”, ông Husenyin Ceyhan cho biết thêm.

Tại Việt Nam, nhiều cơ sở hạ tầng nhanh chóng được cải tạo và xây mới, điển hình là các sân bay quốc tế như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; nhà kho, trạm các thiết bị hàng không đã được cải thiện, các dịch vụ về hải quan cũng được cải tiến; một số loại máy bay lớn có thể hạ cánh tại các sân bay Việt Nam. Dịch vụ hải quan cũng được cải thiện, giảm thiểu chi phí cho các nhà hàng không... Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong ngành hàng không, vận chuyển hàng không được gia tăng đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng thị trường. Khách hàng đã được phục vụ tốt hơn, nhưng yêu cầu đặt ra cũng cao hơn.