Người đứng đầu Chính phủ cũng cảnh báo đây là vấn đề cần suy nghĩ và nếu không chấm dứt thì sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi. Đó cũng chính là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ nêu lên trong Hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức chiều 6/1 vừa qua.
Đây là một phát biểu hết sức thẳng thắn, không né tránh của một trong những vị lãnh đạo đất nước. Vì thế, Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu càng được dư luận quan tâm, sẻ chia hơn.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải tại hội nghị trên đã cho hay: Ước tính đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73%, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP. Nợ công, theo Bộ Tài chính, nay đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Sau khi nghe những ý kiến này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành khá nhiều thời gian để khơi gợi, nhấn mạnh về các vấn đề mà theo Thủ tướng là cần suy nghĩ để tháo gỡ, tránh chủ quan. Khẳng định rằng tỷ lệ nợ công đang tăng rất nhanh, Thủ tướng chỉ rõ: Nợ công trong 5 năm qua tăng trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi ấy, Thủ tướng nhận định, tốc độ tăng chi thường xuyên cao, dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp, thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ... Hệ quả của những vấn đề này, theo Thủ tướng, là để đầu tư phát triển, Chính phủ buộc phải đi vay và điều này tác động tới nợ công và thâm hụt ngân sách.
“Nợ công theo báo cáo sát trần, nhưng nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép” - Thủ tướng Chính phủ nói. Những yếu tố được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới là nợ xây dựng cơ bản, bảo hiểm xã hội, lãi suất hỗ trợ… “Tôi nghe chuyên gia báo cáo, cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi” - Thủ tướng nhận xét.
Nói về năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan chức năng phải có cải cách đột phá trong tư duy ngân sách, kiểm soát nợ công và đảm bảo khả năng trả nợ...
Chúng ta hy vọng, với cách đặt vấn đề như trên, mọi việc khó khăn cũng sẽ được kiểm soát tốt một khi đã bình tĩnh nhìn nhận.
Đất nước chúng ta vừa bước sang năm thứ 30 của công cuộc Đổi mới với những thành tựu không nhỏ và có những việc lớn đã làm thật đáng mừng.
Song, với chừng đó thời gian, phàm là thành tựu đạt được dù có tới mức nào đi nữa thì cũng cần có một công cuộc Đổi mới tiếp theo mà không nên ngủ quên trên những gì đã đạt được. Cần nhớ một điều: Đất nước chúng ta tuy có những tiến bộ tích cực, tăng trưởng khá thì nhiều nước quanh ta, với điểm xuất phát không khác mấy chúng ta, nay họ cũng đã phát triển rất nhanh, thậm chí vượt xa ta thì chúng ta nghĩ sao? Hơn nữa, cái được cho là tư tưởng Đổi mới ngày nào, theo thời gian, nó cũng sẽ không thể cứ mới mãi. Vì thế, "cần nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật..." như lời của vị "Kiến trúc sư trưởng về công cuộc Đổi mới" 30 năm trước - cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng nói, để chúng ta có thể phát huy, đổi mới thể chế kinh tế kết hợp cả thể chế chính trị sao cho uyển chuyển hơn. Cần phát huy tất cả những gì được đánh giá là tốt và khắc phục những gì còn chưa tốt hoặc không còn phù hợp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hơn một lần kể từ ngày đảm nhận chức vụ đứng đầu Chính phủ đề cập đến khát vọng xây dựng một Chính phủ Kiến tạo, Hành động và Liêm chính. Lúc mới nghe, tôi cũng chưa hiểu lắm nên buộc phải tìm hiểu thêm. Nay thì cũng đã cảm nhận phần nào khát vọng này của Thủ tướng là hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam , tuy cũng đã đôi ba lần đề cập đến chỉnh đốn Đảng (nếu tính từ sau Đại hội Đảng lần 2 (1952) đến nay). Nhưng nếu nói đến sự sâu sắc của nguy cơ mà Đảng đang cần chỉnh đốn thì Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII vừa qua lại là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm và đồng tình cao. Phải chăng, đó chính là nhờ vào sự "nói thẳng, nói thật" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị nói trên?
Vậy là, trong nội bộ Đảng, chúng ta cũng đã thấy rõ 27 biểu hiện của suy thoái đạo đức và tự diễn biến trong cán bộ, đảng viên cần được chỉnh đốn. Tôi cho rằng, việc Đảng chỉ ra và thừa nhận nó thật không hề dễ dàng chút nào. Và, với những gì đất nước đang gặp khó khăn, thách thức như thực trạng của vấn đề nợ công, một khi đã chỉ ra nghiêm túc, tôi nghĩ Đảng và Chính phủ sẽ càng cẩn trọng hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn phát triển đất nước tới đây. Phải chăng, đây cũng là thời điểm mà 30 năm trước, nói như lời ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư T.Ư, người đã từng tham gia trong Tổ nghiên cứu Đổi mới của cố Tổng Bí thư Trường Chinh vừa trả lời một tờ báo rằng, đó là giai đoạn Đảng ta đã phải từ bỏ tính "kiêu ngạo cộng sản" (từ của Lenin) để tìm lối thoát mà đất nước ta mới có được may mắn như hôm nay.