Kinhtedothi - Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được đơn của 40 hộ dân xóm Bồ Đề, thôn Năm Trại, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai phản ánh việc nhà thầu thi công lợi dụng nạo vét lòng sông Đáy đoạn qua xóm Bồ Đề để khai thác cát trái phép. Điều đáng nói, mặc dù, người dân đã phản ánh đến Sở NN&PTNT và các cơ quan chức năng của xã, huyện, nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Kiến nghị có cơ sở
Qua tìm hiểu, năm 2009, UBND TP Hà Nội giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư nạo vét, cải tạo lòng sông Đáy đi qua các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Quốc Oai và Chương Mỹ. Đến đầu năm 2013, chủ đầu tư và nhà thầu tiến hành nạo vét lòng sông thuộc gói thầu số 5, trong đó, có đoạn chỉ cách nhà, vườn của 40 hộ dân xóm Bồ Đề khoảng 20m. Trong gần một năm thi công, nhà thầu đã đào, xúc đất và sử dụng máy hút cát dưới lòng sông chở đi nơi khác bán kiếm lời, biến nơi đây thành những hố, thùng vũng sâu. Bên cạnh đó, việc khai thác đất, cát khiến mép bờ sông Đáy phía giáp khu dân cư xóm Bồ Đề tạo thành bờ tường đất thẳng đứng, cao khoảng 7m so với lòng dẫn sông Đáy, đang có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến tài sản, cây trồng của người dân.
Ông Nguyễn Đại Tự, xóm Bồ Đề cho biết: "Đây là chủ trương đúng đắn nên được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ cao. Nhưng chỉ được một thời gian, lợi dụng việc nạo vét, nhà thầu đã dùng máy hút cát bán kiếm lời. Chính sự chậm trễ trong việc kiểm tra, giải quyết của chủ đầu tư khiến người dân cho rằng phải chăng có khuất tất. Như vậy, nếu xảy ra sạt lở đất, tài sản, cây trồng của người dân, ai sẽ chịu trách nhiệm?".
Thiếu phối hợp giải quyết
Mặc dù, người dân và chính quyền huyện Quốc Oai đã nhiều lần kiến nghị, đồng thời gửi văn bản đề nghị Sở NN&PTNT, Sở TN&MT xem xét, chỉ đạo nhà thầu dừng việc hút cát dưới lòng sông Đáy đoạn qua xóm Bồ Đề. Nhưng, do các sở, ngành liên quan chậm vào cuộc giải quyết để sự việc kéo dài suốt thời gian qua khiến tình hình an ninh trật tự mất ổn định.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Đào Tiến Tuyến, UBND xã đã nhận được phản ánh của người dân từ nhiều tháng qua. Sau nhiều lần đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu và các phòng, ban chức năng của huyện tổ chức đối thoại với 40 hộ dân xóm Bồ Đề, nhưng phía nhà thầu đã không hợp tác. Đến ngày 28/2, các bên mới có buổi đối thoại, nhưng không thống nhất được quan điểm. Sau đó, nhà thầu tiếp tục dùng máy để hút cát khiến người dân thêm phần bức xúc. "UBND xã đã nhiều lần có văn bản tạm đình chỉ việc thi công của nhà thầu để ổn định tình hình. Đồng thời, báo cáo UBND huyện và đề nghị các cơ quan chuyên môn liên quan sớm tìm giải pháp thi công nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân. Như vậy, UBND xã đã làm đúng thẩm quyền, trách nhiệm của mình" - ông Tuyến nói.
Ông Phùng Văn Tài - Phó Phòng TN&MT huyện Quốc Oai cho biết, ngày 5/5, UBND huyện có Văn bản số 458/UBND-TNMT và ngày 27/5, tiếp tục có Văn bản số 599/UBND-TNMT gửi Sở NN&PTNT và Sở TN&MT với nội dung đề nghị chủ đầu tư kiểm tra đơn vị thi công gói thầu số 5 trong việc nạo vét, cải tạo lòng sông Đáy để tránh gây ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Đến ngày 7/7, các bên mới cùng nhau đi đến thống nhất bằng việc nhà thầu cam kết không sử dụng máy hút để hút cát và chỉ được dùng máy múc để múc cát. Đồng thời, nhà thầu có trách nhiệm không nắn dòng chảy và tạo mái về phía khu dân cư. Bên cạnh đó, người dân sẽ được giám sát quá trình nhà thầu thi công cải tạo, nạo vét lòng sông Đáy đoạn qua xóm Bồ Đề.
Ông Phùng Văn Tài khẳng định: "Thời gian tới, nếu nhà thầu không thực hiện như cam kết, ngược lại tiếp tục dùng máy để hút cát, UBND huyện sẽ có văn bản gửi UBND TP đề nghị xem xét việc thi công gói thầu số 5 của chủ đầu tư và nhà thầu để tránh hậu quả khôn lường khi mùa mưa bão đang đến gần".
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Xe chở cát khai thác dưới lòng sông Đáy khu vực xã Sài Sơn vẫn hoạt động trong sáng 9/7.
|