Lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với các cơ quan hành chính, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và DN cung...

Kinhtedothi - Cùng với các cơ quan hành chính, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc TP đang triển khai các quy định của TP về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (MCLT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Mục đích đã rõ ràng, song theo những “người trong cuộc”, TP và các ngành chức năng cần chung tay tháo gỡ một số vướng mắc để các đơn vị triển khai thuận lợi.

Thuận tiện nhất cho công dân

Một trong những yêu cầu của TP khi triển khai cơ chế một cửa, MCLT trong giải quyết TTHC là đẩy mạnh các đơn vị SNCL, DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ công (DVC).  Diện tích, trang thiết bị của bộ phận một cửa (BPMC) cũng phải đảm bảo không gian làm việc giữa viên chức và cá nhân, tổ chức đến giao dịch; nơi ngồi chờ của công dân…
Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hải Linh
Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hải Linh
Phó Trưởng phòng CCHC, Sở Nội vụ Trần Thị Minh Phương cho biết: Chủ trương của TP là song song với thành lập BPMC tại đơn vị SNCL và DN công ích cũng cần kiện toàn nhân sự, bố trí viên chức có kỹ năng ứng xử tốt với công dân; cân đối nguồn thu của đơn vị để phụ cấp cho cán bộ tiếp nhận và trả kết quả. Toàn TP có hơn 2.000 đơn vị SNCL cấp huyện, UBND huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, MCLT tại đơn vị và thường xuyên đánh giá chất lượng cung cấp DVC. Đơn vị cần kiên quyết xử lý những viên chức nhũng nhiễu, chậm giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức.

Công khai, phối hợp đồng bộ

Đánh giá cao chủ trương của TP, đại diện nhiều quận, huyện cũng cho rằng, không chỉ cơ quan hành chính mà cả đơn vị SNCL và DN cung cấp DVC rất cần công khai, minh bạch khi giải quyết TTHC. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Đình Hồng, rất nhiều người dân “mù mờ” khi muốn lắp đặt một công tơ điện, nước, hay sửa chữa công tơ... vì không biết hồ sơ, lệ phí… thế nào. Cũng chính bởi người dân thiếu thông tin nên lĩnh vực này hay xảy ra tiêu cực.
Các đơn vị, DN cần khẩn trương rà soát mọi DVC  đang phục vụ cá nhân, tổ chức. Trong đó, nhiều lĩnh vực như thu gom rác thải, cung cấp nước sạch, bán vé xe buýt… rất cần cải cách để phục vụ người dân. Không đơn thuần là kết quả hồ sơ hành chính, mà tại đơn vị SNCL, DN công ích là những sản phẩm cụ thể, thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ

Ngô Anh Tuấn

Trong lĩnh vực đất đai, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) được bố trí cùng BPMC UBND cấp huyện nhưng hoạt động độc lập, nếu chi nhánh chậm trả kết quả thì ý kiến của người dân thường chỉ được phản ánh với UBND huyện chứ không đến “đúng địa chỉ” là Sở TN&MT, khiến người dân bức xúc. Hơn nữa, có những hồ sơ được tiếp nhận ở BPMC huyện nhưng kết quả lại được trả tại BPMC chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ, tức là “chúng tôi kiểm soát được đầu vào nhưng không kiểm soát được đầu ra, nên có hồ sơ không được trả cho công dân đúng thời hạn, công dân bị cán bộ trực tiếp giải quyết gây khó khăn… TP cần cho BPMC chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ đặt chung với BPMC của huyện dưới sự kiểm soát của UBND huyện” - ông Hồng đề nghị. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Trần Mạnh Hải cũng cho rằng: Có những bức xúc của người dân chỉ được “kêu” đến lãnh đạo huyện mà đúng ra phải đến được với đơn vị quản lý “ngành dọc”. TP cần quy định rõ việc phối hợp giữa BPMC của đơn vị “ngành dọc” với BPMC của huyện, phối hợp giám sát hiệu quả theo đúng tinh thần CCHC.

Đại diện cho các DN cung cấp DVC, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Đông Hoàng Văn Thắng chia sẻ: Công ty có thể triển khai ngay một số DVC theo cơ chế một cửa, song diện tích để bố trí tiếp dân còn chật chội, nên mong TP hỗ trợ kinh phí, giúp DN đạt được mục tiêu công khai, minh bạch, thủ tục đơn giản nhất cho khách hàng.