Lợi ích từ mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tuyến cơ sở, Hà Nội đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý ATTP của chính quyền địa phương. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp tăng hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.

Đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP kiểm tra công tác ATTP tại nhà hàng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trần Thảo
Nhiều chuyển biến tích cực
Là một trong những địa bàn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP từ năm 2016, quận Nam Từ Liêm đã thành lập 3 đoàn để thanh tra, kiểm tra 190 cơ sở tại phường Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2. Đồng thời phát hiện 132 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 74 cơ sở với tổng số tiền gần 129 triệu đồng.
Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong lần thí điểm đầu tiên, những chuyển động trong hoạt động thanh tra ATTP tại quận Nam Từ Liêm đạt được những kết quả khá rõ nét. Trong đó, hoạt động thanh tra đã giảm tải cho các hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành ATTP trước đây. Đặc biệt, sau thanh tra, ý thức chấp hành ATTP cũng như việc khắc phục lỗi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có những chuyển biến tích cực. Số cơ sở bị phạt tiền tăng gấp 5 - 7 lần so với lực lượng kiểm tra liên ngành trước kia. Điều đó đã khẳng định mô hình thanh tra chuyên ngành về ATTP tuyến cơ sở đã giúp tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.
Ngày 8/10, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn nhằm đánh giá, tổng kết công tác thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến cơ sở sau 3 năm triển khai thí điểm.
“Nhờ công tác thanh tra chuyên ngành ATTP, những điểm nóng vi phạm ATTP được đoàn thanh tra vào cuộc, giải quyết ngay để lập lại trật tự, đảm bảo tính răn đe. Công tác thanh tra cũng giúp các thanh tra viên làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả hơn” - Trưởng phòng Y tế quận nhận định.
Mặc dù vậy, công tác thanh, kiểm tra tại phường gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực. Cùng với đó, đối tượng thanh tra chưa phủ khắp các loại hình. Thanh tra đột xuất gặp khó khăn do chủ cơ sở vắng mặt, công tác chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ không đầy đủ. Một số cơ sở vi phạm không chấp hành việc nộp phạt.
Theo Trưởng phòng Y tế quận, để cơ sở chấp hành nghiêm việc xử phạt, đoàn thanh tra cần phải có “mẹo”, chọn các lỗi cứng lỗi, có tính khả thi, như vậy các cơ sở mới tâm phục, khẩu phục. Bên cạnh đó, công tác thanh tra cũng cần sự tỉnh táo và được áp dụng vào thực tế sao cho phù hợp. Công tác thanh tra luôn phải hướng tới người dân và cơ sở nhằm thay đổi hành vi, tiến tới giúp họ nhận thức không vi phạm ATTP.
Cần vào cuộc quyết liệt, thanh tra thực chất
Không thể phủ nhận lợi ích mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP mang lại, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Hoàng Hy Thiêm cũng cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tại địa phương được thực hiện thường xuyên. Điển hình, năm 2016, quận đã thanh tra 88 cơ sở, xử phạt 29 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 98 triệu đồng. Việc thanh tra giúp người dân hiểu được vai trò quan trọng của ATTP, giúp chủ cơ sở quản lý tốt hơn, tăng uy tín, mối quan hệ trong sản xuất, kinh doanh. Song, nhiệm vụ thanh tra không tránh khỏi lúng túng, gặp khó trong việc xử phạt hành chính đối với các cơ sở ở phường. Hơn nữa, công tác thanh tra cũng chưa được tuyên truyền sâu rộng.
“Để việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đạt hiệu quả, các đơn vị phải có cơ quan chuyên ngành từ TP đến quận, huyện. Trong công tác tổ chức thanh tra, các đơn vị phải có đầy đủ nhân lực, đủ thời gian chuẩn bị, tránh trùng lịch công tác” - đại diện quận Ba Đình chỉ rõ.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Nguyễn Khắc Hiền, rút kinh nghiệm từ đợt đầu thí điểm, ngay từ đầu năm 2019, TP Hà Nội đã tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra viên cũng như tích cực triển khai mô hình tại tất cả 30 quận, huyện và 584 xã, phường.
Để việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đạt kết quả tốt, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn để phân loại rõ nơi nào có nguy cơ cao cần tập trung thanh tra, kiểm tra. “Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quá trình thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thực chất. Việc thanh tra phải minh bạch, xử phạt phải công minh và nếu cơ sở, DN không đồng ý kết quả thanh tra phải tiến hành xem xét, thanh tra lại. Mục đích là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại tới sức khỏe người dân từ thực phẩm bẩn. Trong quá trình thanh tra, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền không chỉ cho cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mà cho cả người tiêu dùng, tiến tới thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật về ATTP” - ông Hiền nhấn mạnh.