Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi kép từ chợ đầu mối hiện đại

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc UBND TP Hà Nội đề xuất xây dựng chợ đầu mối với quy mô lên đến hàng trăm triệu USD sẽ có tác dụng điều hòa cung - cầu, tạo cơ hội mở rộng liên kết vùng trong quá trình tiêu thụ nông sản.

 
Đó là khẳng định của ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội về chủ trương đầu tư xây chợ đầu mối nông sản của Hà Nội.

Đã có nhiều năm gắn bó, theo dõi, ông đánh giá như thế nào về hệ thống chợ đầu mối Hà Nội hiện nay?

- Theo các quyết định và quy hoạch đã được phê duyệt về mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 chợ đầu mối. Nhưng, hiện chỉ có 2 chợ đã đưa vào hoạt động gồm chợ đầu mối Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam. Tổng lượng hàng hóa lưu thông qua 2 chợ đầu mối này để phân phối cho thị trường Hà Nội chỉ chiếm chưa đến 30%. Đồng thời, 2 chợ này không đủ điều kiện về hạ tầng quy mô, nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh ATTP.
Ngoài 2 chợ đầu mối trên, Hà Nội còn có một số chợ cấp I tại các khu vực: Đông Anh, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì… có quy mô nhỏ, công năng, nguồn hàng chưa thực sự hiệu quả, giao thông nhiều lúc bị ách tắc. Và cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, năng lực ban quản lý còn hạn chế. Các chợ này hiện đang quá gần khu dân cư, tình trạng thực phẩm sạch, bẩn lẫn lộn vẫn xuất hiện.

Thực tế trên cho thấy, Hà Nội chưa có được một hệ thống chợ đầu mối theo đúng nghĩa chợ chuyên doanh với quy mô đủ lớn để thu hút, tập trung hàng hóa từ các tỉnh, TP khu vực Bắc bộ và trên phạm vi cả nước, từ đó phát luồng, phân phối cho khu vực Hà Nội, đồng thời giải quyết vấn đề môi trường, vệ sinh ATTP.

Nhằm khắc phục những bất cập này, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã đưa ra chủ trương, đề xuất xây dựng chợ đầu mối nông sản trị giá hàng trăm triệu USD, ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?

- Có thể nói về vấn đề nguyên tắc thì chợ đầu mối có tác dụng điều hòa cung - cầu hàng hóa. Bên cạnh đó, thông qua việc quản lý chất lượng hàng hóa nông sản, đây còn là nơi loại bỏ những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP. Với tính chất bán buôn là chủ yếu nên chợ đầu mối còn có tác dụng kích thích người sản xuất thành lập DN. Người sản xuất muốn đưa sản phẩm nông sản tiêu thụ tại chợ đầu mối phải nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP. Muốn đáp ứng nhu cầu này, DN, người sản xuất phải tổ chức chăn nuôi, trồng trọt theo hướng chuyên canh, tập trung, tuân thủ các quy định VietGAP…

Chợ đầu mối quy mô lớn cũng có tác dụng kích thích DN Hà Nội và các tỉnh đầu tư mở rộng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Thậm chí, những khu chợ đầu mối hiện đại còn có thể trở thành điểm tham quan mua sắm của khách du lịch trong nước và quốc tế, qua đó hỗ trợ ngành du lịch Thủ đô trong việc thu hút du khách. Do vậy, việc UBND TP Hà Nội đưa ra chủ trương xây dựng chợ đầu mối chuyên kinh doanh hàng nông sản rất phù hợp với chủ trương phát triển một nền công nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.

Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có thể chia sẻ cách xây dựng, tổ chức hoạt động của một số chợ đầu mối trên thế giới?

- Tôi đã từng tham quan, học hỏi và nghiên cứu về một số chợ đầu mối của Thái Lan, ấn tượng hơn cả là chợ đầu mối nông sản Sewonwany có diện tích gần 30ha nằm cách TP Bangkok 16 km. Hàng hóa nông sản muốn đưa vào chợ Sewonwany tiêu thụ phải có giấy tờ của các cơ quan chức năng xác nhận đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, lực lượng kiểm dịch còn tổ chức kiểm tra xác suất chất lượng sản phẩm, nếu không đạt tiêu chuẩn sẽ bị tiêu hủy hoặc chuyển làm thức ăn gia súc cả lô hàng. Chợ Sewonwany không chỉ là nơi giao dịch buôn bán hàng nông sản mà còn được ngành du lịch Thái Lan xây dựng thành một trong những điểm đến của du khách quốc tế trong tour du lịch tham quan Thủ đô Bangkok. Đây là điều mà ngành du lịch Hà Nội nên học tập.

Hay như chợ đầu mối Tây Ban Nha, không bó hẹp trong việc cung ứng hàng hóa cho Thủ đô Madrid, mà còn phục vụ cho cả các vùng lân cận. Với tổng diện tích khoảng 120ha chợ được chia thành các phân khu riêng cho từng mặt hàng nông sản, thậm chí nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải, trạm biến thế điện... Ngay cả cách đầu tư xây dựng chợ đầu mối, Tây Ban Nha cũng có 2 phương án khác nhau, hoặc vốn đầu tư được xã hội hóa 100% hoặc Nhà nước chỉ đầu tư 30% vốn, số kinh phí còn lại do các DN bỏ vốn đầu tư.

Vậy, để có thể đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động, chợ đầu mối nông sản của Hà Nội nên làm theo cách thức như thế nào vừa đảm bảo tính hiện đại nhưng vẫn mang nét truyền thống?

- TP Hà Nội muốn xây dựng được chợ đầu mối nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô thì điều đầu tiên xác định quy mô chợ đầu mối phải là chợ đầu mối cấp vùng; Vị trí đặt chợ nên cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 - 30km, quan trọng là thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Hàng hóa kinh doanh tại chợ nên xác định là hàng nông sản, thực phẩm.

Kinh doanh nông sản tại chợ đầu mối phía Nam. Ảnh: Lê Nam

Thứ hai là về quy mô, tổng diện tích chợ phải mang quy mô lớn từ 80 - 100ha trở lên để tương xứng với quy hoạch, tầm nhìn chiến lược phát triển dài hạn từ 20 - 30 năm không phải mở rộng khi nhu cầu sử dụng tăng cao. Việc lên phương án thiết kế chợ, cách quản lý vận hành cần thiết phải mời chuyên gia nước ngoài tại các nước phát triển, có kinh nghiệm để chợ vừa mang tính hiện đại vừa phát huy hết công năng sử dụng.

Trước mắt, giai đoạn 1 khẩn trương đưa vào hoạt động sau khi hoàn thành việc xây dựng những hạng mục chính như ki ốt kinh doanh, đường giao thông, trung tâm kiểm nghiệm, xử lý môi trường…, qua đó hỗ trợ DN đầu tư thu hồi vốn. Trong những giai đoạn tiếp theo, DN tiếp tục đầu tư mở rộng các kho sơ chế, dự trữ, tái chế các chất thải; phát điện; phân khu dịch vụ; kết hợp du lịch; sàn giao dịch bán lẻ; sàn giao dịch bán buôn... Để vận hành được chợ đầu mối đòi hỏi DN đầu tư, khai thác chợ đầu mối phải đưa cán bộ, nhân viên ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc tập huấn, đào tạo học hỏi kinh nghiệm từ công tác sơ chế, kiểm nghiệm cho tới buôn bán và ngay cả văn hóa chợ đầu mối.

Xin cảm ơn ông!

Nhằm phát triển chợ đầu mối, nhà đầu tư Hàn Quốc đã đề xuất lên UBND TP Hà Nội xây dựng chợ đầu mối tại Phù Đổng (Long Biên) sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa theo phương án thuê đất và sử dụng trong 50 năm.


Hiện, hệ thống các chợ đầu mối của TP quy mô quá nhỏ nên nếu có cải tạo, nâng cấp cũng chỉ đáp ứng được vị trí cho các quầy kinh doanh. Trong khi các hoạt động phụ trợ khác như: Khu vực đấu giá, kho hàng để sơ chế, chế biến, bảo quản hàng hóa… hầu như không còn diện tích để bố trí. Vì vậy, nhu cầu đặt ra là Hà Nội phải xây dựng chợ đầu mối cấp vùng, đáp ứng đủ mọi yêu cầu về chợ đầu mối theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn logistics...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội  Trần Thị Phương Lan


Thực tế vận hành chợ đầu mối phía Nam cho thấy, chợ có diện tích nhỏ (gần 4ha), vị trí lại nằm trong khu dân cư nên hạn chế rất nhiều. Chính vì vậy, việc Sở Công Thương nghiên cứu, đề xuất UBND TP kêu gọi DN đầu tư xây dựng, khai thác chợ đầu mối nông sản thực phẩm cấp vùng là điều đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng phương án, Sở nên giới thiệu những địa điểm có đủ quy mô, diện tích và các điều kiện phù hợp trong việc hỗ trợ chuỗi liên kết theo vùng, thuận tiện giao thông để vận chuyển hàng hóa.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội

Nguyễn Hải Thanh