KTĐT - Cỗ máy lợi nhuận ở nhóm các ngân hàng cổ phần hàng đầu thẳng tiến, trong bối cảnh kinh doanh có nhiều khó khăn.
Kết thúc quý 1/2011, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần lớn (ngoại trừ các thành viên quốc doanh vừa cổ phần hóa) cho thấy bước khởi đầu suôn sẻ ở các con số lợi nhuận. Sự suôn sẻ được đặt trong tiến độ thực hiện kế hoạch chung cả năm, trong bối cảnh kinh doanh có nhiều khó khăn và “khoảng trống” của các kỳ nghỉ lễ kéo dài trong kỳ.
Trong các báo cáo vừa công bố, bất ngờ lớn nhất tập trung ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), khi lợi nhuận trước thuế quý 1/2011 gấp đôi quý 1/2010, 850 tỷ đồng so với 415,3 tỷ đồng (vốn điều lệ quý 1/2010 là 8.800 tỷ đồng, quý 1/2011 là 10.560 tỷ đồng).
Dẫn đầu trong khối vẫn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) về con số tuyệt đối, khi đạt tổng lợi nhuận trước thuế 863,3 tỷ đồng. Con số này cũng tăng tới 49% so với quý 1/2010. Mức vốn điều lệ của ACB hiện là 9.376 tỷ đồng.
Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, vị trí dẫn đầu có thể được thay thế bởi nhân tố Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank). Hiện Techcombank chưa có số liệu công bố cụ thể, nhưng dự tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2011 có thể quanh mức 1.000 tỷ đồng, trong mục tiêu 4.000 tỷ đồng lợi nhuận năm nay. Vốn điều lệ của ngân hàng này hiện là 6.932 tỷ đồng.
Không quá đột biến, nhưng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) tiếp tục cho thấy sự ổn định và hiệu quả trong hoạt động. Quý 1/2011, mức lợi nhuận trước thuế mà MB đạt được là 714 tỷ đồng với mức vốn điều lệ hiện tại là 7.300 tỷ đồng.
Xét theo quy mô vốn điều lệ, Techcombank, ACB, MB tiếp tục là những thành viên có hiệu quả cao trong nhóm, trong khi Eximbank đang có sự chuyển biến rõ rệt.
Bên cạnh đó, một số thành viên lớn khác cũng cho thấy bước khởi đầu khả quan trong tiến độ thực hiện mục tiêu chung cả năm. Tại Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), qua quý 1/2011, lợi nhuận trước thuế đã đạt 340,4 tỷ đồng, hoàn thành 26,19% kế hoạch năm.
Nhưng với Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tổng lợi nhuận trước thuế quý 1/2011 mới đạt 586 tỷ đồng, tăng nhẹ 75 tỷ đồng so với quý 1/2010 và mới chỉ thực hiện được khoảng 22% kế hoạch năm, trong khi vốn điều lệ có tới 9.179 tỷ đồng.
Như vậy, hiện hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý 1/2011. Kết quả trên là khá bất ngờ, khi bối cảnh kinh doanh có nhiều khó khăn với lạm phát tăng cao, căng thẳng lãi suất và tỷ giá, tín dụng bị định hướng thu hẹp tăng trưởng, kinh doanh vàng bị thắt chặt…
Một điểm chung dễ thấy trong các báo cáo đã công bố là sự khó khăn nổi bật trong hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối. Cả ACB, Eximbank, Sacombank đều ghi nhận các khoản lỗ ở hoạt động này, trong khi quý 1/2010 đều có những mức lãi đáng kể.
Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lại ghi nhận sự gia tăng ấn tượng, với những mức tăng từ 50% - 150% so với quý 1/2010. Đây cũng là xu hướng đã thể hiện trong những năm gần đây, khi các nhà băng tăng cường mở rộng nguồn thu từ dịch vụ và giảm bớt sự lệ thuộc vào tín dụng.
Dĩ nhiên, tín dụng vẫn là kênh mang lại nguồn thu chủ yếu trong cơ cấu lợi nhuận các ngân hàng thương mại. Khi trần lãi suất cho vay đã cởi bỏ, tỷ lệ lãi biên có điều kiện để cải thiện sau khi liên tục thu hẹp trong các năm 2009, 2010. Mặt khác, việc đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm dễ nhận thấy ở các thành viên. Tổng thể, tăng trưởng tín dụng của hệ thống quý 1/2011 cũng đã ở khoảng 5%, cao hơn nhiều so với các mức cùng kỳ năm 2010 (3,34%) và 2009 (2,67%).
Đề cập đến vấn đề lợi nhuận, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều từ chối đưa ra bình luận. Lý do, các con số là trách nhiệm phải công bố, nhưng nó trở nên nhạy cảm trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, hoạt động vay vốn và sản xuất của các doanh nghiệp nói chung có nhiều trở ngại.
Trao đổi bên lề, quan điểm chung của người trong cuộc là cần có cái nhìn khách quan hơn về lợi nhuận của họ, bởi phía sau đó là quy mô vốn rất lớn, lực lượng nhân sự và mạng lưới rộng, cũng như trước áp lực của các cổ đông. Và khách quan, theo quan điểm đó, là cần nhìn nhận ở các chỉ số tài chính cơ bản và so sánh với các lĩnh vực kinh doanh khác…
Ngược lại, một lãnh đạo ngân hàng cho rằng, kết quả kinh doanh quý 1/2011 là sự nỗ lực khi đặt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là có nhiều thay đổi trong chính sách điều hành.
“Điều quan trọng nhất đến lúc này nghiệm lại vẫn là yêu cầu dự báo tốt sự vận động của nền kinh tế và các thay đổi của chính sách để chủ động kinh doanh. Có vẻ khó, nhưng nếu là người trong cuộc thì hoàn toàn có thể dự báo khá chính xác được những thay đổi đó. Chỉ ngại nhất là các thông điệp đưa ra một chiều, thay đổi chính sách lại đột ngột đi theo chiều khác”, vị lãnh đạo này chia sẻ.