Lợi nhuận ngân hàng tăng kỷ lục

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu 6 tháng đầu năm được nhóm ngân hàng công bố cho thấy, lợi nhuận của ngành này tiếp tục đà tăng trưởng kỷ lục. Lợi nhuận này đến từ đâu và có thể được duy trì tiếp tục trong thời gian tới?

 Giao dịch tại chi nhánh VietinBank Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng

Tín dụng tăng thấp, lãi thuần vẫn cao

Từ những ngân hàng thuộc top dẫn đầu như VCB, MBB, đến các ngân hàng tầm trung như VIB, TPBank, OCB, thậm chí đến cả nhóm ngân hàng top dưới như Nam Á Bank đều công bố lợi nhuận tăng rất mạnh so với cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm ngoái giá trị tuyệt đối của những con số đã ở mức rất cao. Lợi nhuận nghìn tỷ giờ đã trở nên phổ biến.

Trước hết là cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng. Không thể phủ nhận, một tỷ trọng rất lớn vẫn đến từ lãi tín dụng. 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 6,16%, thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng đáng lưu ý là lãi suất đầu ra duy trì trong khi đầu vào có xu hướng giảm nhẹ đã khiến thu nhập lãi thuần của các nhà băng có sự cải thiện tích cực. Tại VCB chẳng hạn, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) đạt 2,76%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Những quy định về xử lý nợ xấu bắt đầu vào đường ray đã có tác động tốt đến hoạt động của các ngân hàng giúp hoàn nhập dự phòng hoặc bán, thanh lý tài sản đảm bảo. Cũng cần chú ý rằng, thị trường BĐS khởi sắc khiến cho nhiều con nợ của các ngân hàng có biến chuyển trong hoạt động, có dòng tiền để trả nợ hoặc lãi ngân hàng.

Kiếm bộn tiền từ hoạt động dịch vụ

Ngoài thu từ lãi tín dụng, báo cáo tài chính của các ngân hàng đã chỉ ra sự chuyển động tích cực trong cơ cấu lợi nhuận khi thu dịch vụ tăng mạnh. Chẳng hạn, ở TCB, nguồn thu từ dịch vụ đã chiếm 23,3% tổng thu nhập hoạt động.

Sự bứt phá về nguồn thu của các ngân hàng còn đến từ việc tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ. Frost & Sullivan dẫn số liệu khảo sát thị trường cho thấy, có nhiều ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng trưởng CAGR hai con số từ năm 2013 đến năm 2017 và có xu hướng tăng trong lĩnh vực thẻ Visa.

Hay trong lĩnh vực hợp tác khai thác bảo hiểm, những thỏa thuận độc quyền và thanh toán một cục giữa các tập đoàn bảo hiểm với ngân hàng như Manulife với TCB, Prudential với PVCombank, Chublife với Việt Á Bank, VPBank và Bảo Việt... đã đem lại nguồn thu dịch vụ đột phá và hứa hẹn giúp ngân hàng triển khai dịch vụ hiệu quả hơn. Chiến lược tập trung phát triển các sản phẩm tạo phí (quản lý tài sản, sản phẩm thẻ và bảo hiểm ngân hàng) để cung cấp các nguồn thu nhập linh hoạt, thay vì phụ thuộc nhiều vào việc cho vay đã chứng minh là hướng đi đúng của các ngân hàng.
Dư địa về doanh thu của những lĩnh vực dịch vụ của ngân hàng vẫn còn rất lớn. Đơn cử, số liệu của WB cho thấy, mức thế chấp tại Việt Nam hiện mới đạt 4,7%, trong khi ở nước láng giềng Thái Lan lên tới 16%.
Liệu triển vọng 6 tháng cuối năm, các ngân hàng tiếp tục gặt hái những thành công rực rỡ, đặc biệt khi kinh tế bắt đầu có những chỉ báo về khó khăn dưới tác động của những bất định từ thế giới và từ nội tại nền kinh tế?
Câu trả lời là có thể nhưng dự đoán sẽ không quá biến động mạnh. Về mảng tín dụng, các DN Việt Nam vẫn lệ thuộc chủ yếu vào dòng vốn tài trợ từ ngân hàng, lưu ý là thị trường chứng khoán khó khăn đang khiến cho các kế hoạch gọi vốn từ công chúng của DN chật vật sẽ càng khiến kênh tín dụng ngân hàng vẫn là chủ đạo. Để duy trì tăng trưởng tín dụng đạt 17% năm 2018 theo kế hoạch mà NHNN đã thông qua đầu năm, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm ở mức 10%.

Các mảng dịch vụ khác của ngân hàng như kênh bán lẻ tiếp tục có triển vọng tốt. Chẳng hạn, ở mảng thẻ tín dụng, hiện mới chỉ có 1,9% dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ này, thấp hơn nhiều các nước láng giềng như Thái Lan (5,5%). Với những người giàu có và tài chính ổn định hơn, họ bắt đầu muốn mua nhà và xe riêng, muốn có thẻ tín dụng để mua sắm thoải mái.
Với sự phát triển theo hướng tích cực này, các ngân hàng sẽ là người thu được lợi nhuận nhanh nhất. Đó là chưa kể một số ngân hàng đã lên kế hoạch tăng phí ATM, hoặc tăng phí duy trì tài khoản hàng tháng... Đây cũng là chỉ báo để thấy các ngân hàng sẽ tìm cách xoay xở để giữ vững phần lợi nhuận của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần