“Lỗi” ở khâu quản lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng nông sản, thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo ATTP “tuồn” về trong nước một cách thiếu kiểm soát, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sức nặng của hàng rào kỹ thuật.

Kiểm soát nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. 	Ảnh: Văn Phúc
Kiểm soát nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Văn Phúc
Tuy nhiên những người làm chuyên môn của Bộ NN&PTNT khẳng định, hàng rào kỹ thuật giám sát nhập khẩu nông sản đã được cơ quan chức năng của Việt Nam xây dựng cơ bản đầy đủ, hạn chế nằm chính ở khâu quản lý.

Nguy cơ từ thực phẩm “lạ”
Ngay khi dự thảo các Thông tư 12, 25 về kiểm soát hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc thực vật, động vật được xây dựng, đại sứ quán các nước đã cử tham tán thương mại đến làm việc với Việt Nam. Do đó, chắc chắn quy định trong các thông tư này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc kiểm soát như thế nào còn phụ thuộc vào năng lực của cơ quan thực thi.
Ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản

Câu chuyện về thịt đùi gà Mỹ được bán với giá siêu rẻ vẫn chưa lắng xuống trong dư luận những ngày qua. Dù đã qua nhiều buổi làm việc, trong đó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và Hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đã ngồi lại cùng bàn thảo, song vấn đề được quan tâm nhất là nguồn gốc thực của những lô thịt đùi gà này vẫn chưa sáng tỏ.

Một lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, đây có thể là số thịt đùi gà dự trữ từ khi Mỹ xảy ra dịch cúm gia cầm H5N8 trên quy mô 16 bang, khiến nhiều nước ngưng nhập khẩu, nay tung ra bán trở lại. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, thịt gia cầm tồn kho của Mỹ thời điểm này đã tăng tới 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở một góc độ khác, có thể số thực phẩm này có nguồn gốc từ gà loại thải hoặc hàng “cận date”, “quá date” (hạn sử dụng). Dẫn chứng được đưa ra là sau dịch cúm gia cầm diễn ra tại Mỹ, lượng trứng gà của nước này đột ngột tăng với mức lên tới 23%. Mà theo chu trình chăn nuôi thông thường, sau khi lượng trứng gà tăng đột ngột, thì chỉ 10 – 12 tháng, toàn bộ gà đẻ sẽ trở thành gà loại thải. Nhiều nước không nhập khẩu loại gà này vì lo ngại kháng sinh tồn dư trong quá trình nuôi, nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại “ưa” đùi, cánh, nội tạng... Rõ ràng, khi chưa rõ nguồn gốc thịt đùi gà giá rẻ của Mỹ đang bán tại Việt Nam, thì dư luận vẫn hoài nghi về chất lượng của mặt hàng này, đồng nghĩa với ATTP chưa được đảm bảo.

Mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật được nhập khẩu về nước ta cũng đang cho thấy nhiều mối nguy về chất lượng ATTP. Đơn cử, câu chuyện về các loại trái cây lạ như thanh mai, mây Thái mới đây. Trong khi ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khẳng định chưa cho phép nhập khẩu và diện tích trồng trong nước rất nhỏ, thì mặt hàng này được bán tràn lan khắp các tuyến phố ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vậy thì có phải những mặt hàng này được tuồn vào Việt Nam bằng con đường nhập lậu? Và như vậy đồng nghĩa vấn đề ATTP, nguy cơ dịch hại chắc chắn là dấu hỏi còn bỏ ngỏ.

Chưa hết, thời gian qua, trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội tràn ngập thông tin rao bán nhiều loại cây giống, hoa, trái cây lạ như cà chua tím, cà chua đen, nho thân gỗ, ổi tím… được giới thiệu là nhập khẩu từ nhiều nước. Trong vai một người mua hàng, chúng tôi được chủ một vườn cây giống ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm “chào hàng” cây nho thân gỗ. Theo người này, nho thân gỗ được chính cơ sở nhập từ Nam Mỹ và nhân giống, dễ trồng, không cần nhiều công chăm sóc. Cây cao khoảng 70 – 80cm có giá 300.000 đồng, cây 30 - 35cm giá 140.000 đồng, cây cao 12cm giá 45.000 đồng, nếu khách có nhu cầu, chủ vườn sẵn sàng giao hàng tận nơi. Đấy là chưa kể, lâu nay người tiêu dùng cũng rất lo ngại về tình trạng rau, hoa quả Trung Quốc tràn ngập thị trường mà một phần không nhỏ trong số đó được nhập lậu theo đường tiểu ngạch, tiềm ần nguy cơ mất ATTP.

Năng lực quản yếu

Có thể nói, bằng nhiều “chiêu trò”, nông sản thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn được tuồn vào Việt Nam và tiêu thụ một cách thiếu kiểm soát. Điều này khiến nguy cơ mất ATTP ngày càng đáng lo ngại, thậm chí với cả thực phẩm nhập khẩu chính ngạch. Nỗi lo của người dân hoàn toàn có cơ sở khi mà chính đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) thông tin, qua thanh kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, chế biến của các nhà xuất khẩu, trong đó có nước Mỹ vẫn phát hiện sai phạm về ATTP. Trong đó, phần nhiều tập trung vào nhóm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn thực phẩm nhập khẩu thực tế tại các cửa khẩu Việt Nam lại như “đá ném ao bèo”, số vụ sai phạm bị phát hiện rất nhỏ.

Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng thủ tục nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản vào nước ta quá dễ dàng, trong khi nông sản Việt muốn xuất khẩu vào thị trường các nước phải qua rất nhiều hàng rào kỹ thuật. Thế nhưng, ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẳng định, không hề có nghịch cảnh “dễ người khó ta” ấy. Bởi các quy chuẩn về kiểm soát nông sản, thực phẩm nhập khẩu của nước ta đã ban hành hoàn toàn tiếp cận quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Ông Phùng Hữu Hào dẫn chứng, riêng kiểm soát hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc thực vật, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT, còn đối với sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc động vật có Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT quy định khá chi tiết. Ngoài ra còn nhiều Luật và các văn bản luật khác liên quan.

Tuy nhiên, ông Hào cũng thừa nhận, thực tế có câu chuyện nhà xuất khẩu dùng Chlorine để sát khuẩn, sau đó dùng chất bảo quản thì việc phát hiện các chỉ tiêu này không dễ dàng. “Nếu qua kiểm tra, phát hiện chất bảo quản, sát khuẩn trong thực phẩm nhập khẩu vượt ngưỡng cho phép thì chúng ta có lý do để cảnh báo cho cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu, nhưng đến nay số vụ phát hiện được không nhiều” - ông Hào cho biết. Theo quy định, các nước muốn xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật vào Việt Nam phải nộp hồ sơ đăng ký thông tin, danh mục các loại thuốc, hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản… tạo điều kiện cho cơ quan chức năng của nước ta kiểm soát tại cửa khẩu. Tuy nhiên, năng lực thực tế của cơ quan kiểm soát tại cửa khẩu còn hạn chế do trang thiết bị, nhân lực thiếu và yếu.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng nhìn nhận, hiện việc kiểm soát các lô hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc kiểm soát thực phẩm nhập lậu qua biên giới, nhất là từ Trung Quốc vẫn còn hạn chế dù Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao vài năm trở lại đây. Cụ thể Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 phê duyệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu gia cầm vẫn diễn ra khá phổ biến. Từ tháng 6 trở lại đây, lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn vẫn phát hiện nhiều lô hàng gia cầm nhập lậu qua biên giới, chủ yếu là gà loại thải. Hồi đầu năm, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh còn phát hiện các vụ vận chuyển trái phép sâu lạ từ Trung Quốc về làm thức ăn cho chim cảnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch hại trên cây trồng.

Tại Hà Nội, thị trường rộng lớn, nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm từ các nơi được đưa về tiêu thụ với số lượng lớn, nên việc kiểm soát chất lượng toàn bộ mặt hàng này gặp không ít khó khăn. Điều đáng nói, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Song việc chủ động lấy mẫu kiểm tra các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu rất thụ động, chỉ khi nào có thông tin về nguy cơ mất ATTP mới thấy các đơn vị vào cuộc.

Rõ rang trước bức tranh quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu đang “thiếu sáng” đó, người tiêu dùng Việt canh cánh mối lo về chất lượng nguồn thực phẩm là điều dễ hiểu.
Bộ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục thẩm tra hồ sơ đăng ký nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc động, thực vật của các nước nhập khẩu vào Việt Nam theo Thông tư 25, Thông tư 12 và giải quyết các vướng mắc liên quan. Bên cạnh đó, trong tháng 8, tổ chức đón và làm việc với các chuyên gia EU sang Việt Nam hỗ trợ rà soát các khuyến cáo của đoàn thanh tra EU liên quan đến hệ thống phòng kiểm nghiệm chất lượng.
Ông Trần Quốc Tuấn  Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần