Tuy nhiên, vấn đề không phải ở chỗ lời phê có tương xứng với điểm bài làm hay không, mà điều đáng nói ở đây là giáo viên có nên đặt bút phê những lời lạnh lùng và cụt ngủn như thế hay không, thậm chí đối với bài làm chỉ đạt điểm trung bình? Lại chợt nhớ một chuyện khi con tôi còn học lớp 1. Thường thì cháu hay làm ngược lại những gì đề bài yêu cầu. Chẳng hạn, đề toán yêu cầu “sắp xếp các số theo thứ tự từ lớn đến bé” thì cháu làm từ bé đến lớn. Khi chấm bài, bên cạnh một gạch chéo (vì làm sai) là lời phê của cô giáo: “Lần sau em nhớ chú ý đọc kỹ câu lệnh nhé!”. Và dần dần cháu không mắc những lỗi tương tự như thế nữa. Hay như chuyện cháu thường xuyên đạt điểm trung bình môn tập viết, cô giáo phê: “Em cố gắng rèn chữ viết cẩn thận nhé!”, sau đó cháu viết có tiến bộ hơn (tuy chưa đẹp bằng các bạn), cô lại phê động viên: “Em có tiến bộ nhiều, hãy cố gắng hơn nữa”. Khi cháu đạt điểm 9, điểm 10 cô phê: “Em rất tiến bộ. Nhớ luôn luôn cố gắng em nhé!”. Và cô còn nhiều lời phê nhắc nhở, động viên ở các môn học khác. Ngoài ra, đôi khi cô còn phê “ngoài lề” như: “Em không nên viết hai màu mực”. Khi kiểm tra vở cháu, tôi đã thật sự cảm động và biết ơn những lời phê có tính nhắc nhở, động viên của cô giáo. Lời phê chính xác, đúng mực của giáo viên là để các em thấy được thiếu sót của mình mà khắc phục; hay là sự động viên, ghi nhận của thầy cô giáo đối với những tiến bộ của học sinh để các em tiếp tục vươn lên. Lời phê của giáo viên không chỉ là lời nhận xét đơn thuần mà còn là tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm của “người mẹ hiền” đối với học sinh. Mà lời động viên, dù nhỏ, đôi khi cũng có thể làm thay đổi một con người.