Diễn biến này khiến không ít người lo ngại bất ổn tại khu vực miền Nam nước này lại bùng phát. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ Thái Lan đã tiến hành cuộc đàm phán hòa bình chính thức đầu tiên với các nhóm nổi dậy miền Nam. Dù không đạt được bước đột phá trong đàm phán nhưng các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên an ninh, quan chức Chính phủ và người Hồi giáo thân chính quyền đã giảm đáng kể. Vì thế, việc Chính phủ tạm quyền phải tập trung đối phó với các cuộc biểu tình, chuẩn bị cho tiến trình bầu cử… sẽ đẩy khu vực này vào vòng xoáy bạo lực khiến hơn 5.500 người thiệt mạng từ năm 2004 đến nay.
Trước đó, Thái Lan đã trải qua một Ngày Hiến pháp không yên tĩnh khi các cuộc biểu tình đòi Thủ tướng Yingluck từ chức kéo dài từ 10/12 xuyên đêm 11/12 vẫn tiếp diễn. Điều trớ trêu là dịp kỷ niệm tròn 81 năm kể từ khi bản Hiến pháp đầu tiên ra đời năm 1932 lại đánh dấu ngày thứ 17 của cuộc khủng hoảng chính trị. 81 năm thăng trầm với 18 bản Hiến pháp cho thấy, nhiều điểm bất hợp lý tồn tại trong văn bản pháp lý tối thượng của Thái Lan sẽ tiếp tục khiến quốc gia này đối mặt với những bất ổn mới.
Trên thực tế, tại đất nước vốn nổi tiếng là “xứ sở của những nụ cười”, người ta hiếm khi thấy những gương mặt thân thiện, chỉ còn các cuộc diễu hành kéo dài triền miên. Rõ ràng, việc Thủ tướng giải tán Quốc hội, tổ chức tổng tuyển cử sớm không làm thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thausuban hài lòng. Một mặt vừa yêu cầu Thủ tướng tạm quyền phải từ chức, một mặt khẳng định bà Yingluck phải bị đưa ra xét xử về tội phản quốc. Trong khi đó, đại diện phe “áo đỏ” cho biết, họ có thể huy động số lượng người xuống đường tuần hành nhiều hơn hẳn ông Suthep để bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền.
Những diễn biến này khiến dư luận quốc tế quan tâm và bày tỏ lo ngại tình hình chính trị Thái Lan đang đứng trước "lối rẽ mới nguy hiểm", có thể làm cho khủng hoảng kéo dài và xảy ra bạo lực. Chính phủ nhiều nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Đức… đã lên tiếng ủng hộ biện pháp hòa bình để giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay. Theo các nhà quan sát, cuộc biểu tình chống Chính phủ bằng cách phá hoại hệ thống dân chủ hiện hành sẽ không đi đến đâu. Nếu muốn lên nắm quyền, đảng Dân chủ đối lập cần đấu tranh với đảng.
Hiện trường vụ đánh bom sáng 11/12 tại Yala. Ảnh: AP
|