Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗi tại… tuyên truyền chưa tốt?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt điều chỉnh tăng giá cước 3G giữa tháng 10 vừa qua đã tác động rất lớn tới tâm lý người dùng. Dư luận đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để làm rõ vì sao lại tăng, tăng như vậy có phù hợp và liệu có phải các doanh nghiệp "bắt tay" nhau để chèn ép người tiêu dùng hay không… Những thắc mắc đã được báo chí đặt ra, song đáng tiếc là tới nay cơ quan này vẫn chưa có kết luận điều tra.

Kinhtedothi - Đợt điều chỉnh tăng giá cước 3G giữa tháng 10 vừa qua đã tác động rất lớn tới tâm lý người dùng. Dư luận đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để làm rõ vì sao lại tăng, tăng như vậy có phù hợp và liệu có phải các doanh nghiệp "bắt tay" nhau để chèn ép người tiêu dùng hay không… Những thắc mắc đã được báo chí đặt ra, song đáng tiếc là tới nay cơ quan này vẫn chưa có kết luận điều tra.

 
Đến thời điểm này các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về việc có hay không sự “bắt tay” của các doanh nghiệp để tăng cước 3G.Ảnh: Minh Tiến
Đến thời điểm này các cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về việc có hay không sự “bắt tay” của các doanh nghiệp để tăng cước 3G.Ảnh: Minh Tiến

Mù mờ chất lượng nhưng vẫn tăng giá

Với lý do giá dịch vụ 3G của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực và chỉ bằng khoảng 60% giá thành, nên Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) luôn khẳng định việc tăng giá cước như vừa qua là cần thiết. Sở dĩ có những phản ứng trong dư luận về việc tăng giá cước 3G thời gian qua theo lý giải của Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng là do công tác truyền thông. "Doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ thì cần công khai đầy đủ thông tin về dịch vụ này... Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua khi điều chỉnh cước 3G các doanh nghiệp chưa truyền thông tốt về vấn đề này nên gây phản ứng trong dư luận" - Thứ trưởng Lê Nam Thắng phân tích.

Theo tính toán của Cục Viễn thông, đợt tăng giá cước 3G vừa qua chỉ ảnh hưởng tới khoảng 19,4 triệu thuê bao 3G, chiếm 8,9% trong tổng số 91 triệu thuê bao điện thoại di động phát sinh cước hiện nay, chủ yếu là những người dùng smartphone. Những người thu nhập thấp, ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa gần như không bị ảnh hưởng bởi đợt điều chỉnh cước 3G. Đợt điều chỉnh cước 3G lần này không chỉ có tăng, mà còn có giảm và có gói cước được giữ nguyên, mức tăng trung bình khoảng 20%.

Được biết, Bộ TTTT vẫn chủ trương tiếp tục thực hiện việc quản lý dịch vụ viễn thông theo cơ chế thị trường, có điều chỉnh giá cước lên và xuống trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người dùng, đảm bảo cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Bộ cũng yêu cầu các nhà cung cấp phải công khai và minh bạch hóa giá thành dịch vụ, đồng thời phải công khai chi tiết chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp.

Nhiều người có ý định bỏ 3G?

Mặc dù số thuê bao di động chịu tác động từ đợt tăng cước 3G vừa rồi theo báo cáo của Cục Viễn thông chỉ là 8,9%. Song không có gì đảm bảo rằng con số này sẽ không biến động tăng trong thời gian tới. Theo nhận định của các chuyên gia, các nhà mạng vừa qua tăng cước nhằm chặn các dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí trên mạng di động (OTT) như Viber, Facebook… Tuy nhiên, cách làm này là "con dao hai lưỡi" khi nhiều người dùng cho biết sẽ hạn chế, thậm chí tạm ngừng dùng 3G trên điện thoại vì thấy không còn phù hợp. "Ngay cả lựa chọn gói cước 3G theo ngày của MobiFone cũng phập phù, áp cước thiên vị cho nhà mạng, "bẫy" người dùng" - chị Nguyễn Thu Hiền (Công ty CP Dược phẩm Việt Nam) phản ánh. 

Sốt ruột chờ kết luận điều tra

Đại diện Bộ TTTT khẳng định, có đầy đủ căn cứ để cho phép các DN tăng giá cước 3G lần này. Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã viện dẫn đến Luật Viễn thông, Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, Luật Giá, Luật Cạnh tranh. Về việc các DN có "bắt tay" tăng giá ép người dùng hay không, Bộ TTTT đang phối hợp với Bộ Công Thương để làm rõ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương đầu tuần này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Nguyễn Phương Nam cho biết, chưa thể khẳng định các mạng di động có "bắt tay" tăng cước hay không. Cơ quan này vẫn đang trong quá trình thu thập, xác minh thông tin. Nếu xác định được các DN vi phạm sẽ xử phạt tối đa là 10% tổng doanh thu năm tài chính trước năm thực hiện hành vi.

Qua đây có thể thấy cả hai Bộ vẫn đang dè dặt, cho tới thời điểm này vẫn chưa có thông tin nào được công bố, trong khi dư luận rất sốt ruột chờ những kết luận điều tra liên quan tới giá cước 3G từ cơ quan quản lý.