Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộn xộn thị trường thực phẩm chức năng

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) để tăng cường sức khỏe, làm đẹp... của người dân tăng nhanh. Lợi dụng thực tế này, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng nhưng lại dán mác nhập ngoại hoặc thuốc Đông y gia truyền, lừa đảo người tiêu dùng.

Quản lý thị trường bắt giữ thực phẩm chức năng núp bóng thuốc Đông y tại quận Hoàng Mai.
Nhan nhản TPCN không rõ nguồn gốc 
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 27 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra xe ô tô BKS 29C-65293 vận chuyển hàng hóa tại ga Giáp Bát đã phát hiện 2.660kg phụ gia và 60 thùng hàng hóa các loại do nước ngoài sản xuất, trong đó có 5.590 viên An Cung Ngưu hoàng hoàn Kwangdong và 31.990 viên Ngưu Hoàng Thanh Tâm hoàn nhãn hiệu Tongren, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Sau một năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 1.111 vụ, xử lý 1.031 vụ, khởi tố hình sự 1 vụ/1 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 10,4 tỷ đồng; tịch thu hàng vi phạm hơn 16 tỷ đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh TPCN không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc núp bóng thuốc Đông y. Mới đây, kiểm tra cơ sở sản xuất TPCN, mỹ phẩm tại số nhà 45, ngõ 9 Hoàng Cầu, lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện 3.000 sản phẩm TPCN dưới dạng sản phẩm của các nhà thuốc Đông y gia truyền.

Thông tin từ BCĐ 389 TW, ngày 22/8, QLTT tỉnh An Giang qua kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm bảo vệ sức khỏe do cơ sở Đặng Thiên Phúc sản xuất đã phát hiện sản phẩm “Thấp khớp cốt thống hoàn” và “Cốt thống ký sanh hoàn” có trộn 2 loại tân dược không cho phép những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sử dụng sản xuất là Paracetamolvà Dexamethasone Acetat.

Thực tế kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN cho thấy, sai phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng, công dụng chữa bệnh, một số DN mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp tiêu thụ nhưng không qua kiểm tra chất lượng. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng vi phạm về chất lượng như chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có hoạt chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép sử dụng sản xuất TPCN.

Siết quản lý không dễ

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, thị trường TPCN đang phát triển nở rộ với hơn 3.600 DN sản xuất, kinh doanh, gần 7.000 sản phẩm nhưng khó kiểm soát chất lượng, thậm chí, nhiều DN sản xuất TPCN giả.

Chia sẻ về vấn đề bùng nổ các cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh TPCN, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam - PGS.TS Trần Đáng cho biết, hiện dịch vụ internet phát triển mạnh nên người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và mua bán TPCN. Lợi dụng vấn đề này, các cơ sở, DN sản xuất TPCN phát triển mạnh bởi lợi nhuận từ mặt hàng này lớn, trong khi điều kiện để cấp phép lưu hành sản phẩm trên thị trường cũng đơn giản hơn nhiều so với thuốc tân dược.

Thị trường TPCN phát triển mạnh mẽ trong khi hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn khá lỏng lẻo. Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San cho biết, thông thường đối tượng sản xuất hàng giả thường lập DN có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm không dán tem, nhãn mác. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ về loại sản phẩm mang thương hiệu nào đó thì DN lập tức cho dán nhãn mác giả. Đặc biệt, hầu hết nguyên liệu sản xuất TPCN giả nhãn mác là hàng Trung Quốc giá rẻ, nhưng được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia. “Việc kiểm tra, xử lý cũng không hề dễ dàng bởi chưa có Nghị định về quản lý TPCN mà mới chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN, điều này đã gây khó cho lực lượng QLTT trong việc giám sát hoạt động sản xuất, buôn bán mặt hàng này” - ông Nguyễn Công San nêu rõ.

Nhằm hạn chế đến mức tối đa hiện tượng TPCN núp bóng y học cổ truyền để tiêu thụ, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa mới đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng về tình trạng mạo danh các lương y, nhà thuốc gia truyền để bán TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế thẩm định. Điều này cho thấy, hiện chính sách, quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh TPCN còn lỏng lẻo. Để khắc phục bất cập này, Hiệp hội TPCN Việt Nam kiến nghị, cơ quan quản lý cần ban hành nghị định quản lý TPCN, trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn sản phẩm. Đồng thời, cần phải xây dựng những chế tài xử phạt nặng các hành vi sản xuất TPCN kém chất lượng, giả mạo mẫu mã.