Tuy nhiên, nghệ thuật thứ 7 đang đứng trước bước ngoặt quan trọng khi Nhà nước không còn đặt hàng phim, nhiều hãng phim buộc phải cổ phần hóa. Phải nói rằng, vấn đề cổ phần hóa điện ảnh chưa bao giờ sôi sục như mấy ngày gần đây.
Cổ phần hóa: ý tưởng không tồi
Trong số 40 phim Việt Nam sản xuất năm 2015, có tới gần chục phim thuộc diện đặt hàng, hỗ trợ. Tuy nhiên, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, năm 2016, Nhà nước sẽ dừng đặt hàng làm phim, bởi Bộ Tài chính không chấp nhận duyệt chi kinh phí đặt hàng, hỗ trợ làm phim vì Thông tư đấu thầu vẫn đang trong giai đoạn... soạn thảo.
Nguồn kinh phí hỗ trợ điện ảnh tạm bị cắt là thách thức không nhỏ của điện ảnh Việt, nhất là đối với các hãng phim Nhà nước - nơi chủ yếu trông chờ chỉ tiêu đặt hàng để tồn tại. Thực tế đáng buồn của điện ảnh là sau thời hoàng kim, hàng chục năm gần đây các hãng phim Nhà nước gần như chạm đáy. Số lượng phim sản xuất ít, chất lượng lại không tỉ lệ nghịch với số lượng. Không phải chờ đến lúc “Sống cùng lịch sử” của đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân bị “ném đá” vì đầu tư 21 tỷ đồng mà chịu cảnh ế ẩm. Trước và sau đó cũng không ít những phim mà số phận như phải chịu cảnh “giơ đầu chịu báng”. Gần đây nhất, “Cuộc đời của Yến” của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ cũng thuộc diện đặt hàng, có ra rạp nhưng không thể trụ lâu.
Trong giai đoạn còn được đặt hàng, phim Nhà nước còn được ra rạp. Thời gian tới, phim không hay sẽ khó được xếp chỗ ở các rạp chiếu lớn. Nhà biên kịch Đoàn Tuấn chua chát với thực tế có đến 70% rạp chiếu phim ở Việt Nam hiện nay nằm trong tay Hàn Quốc. 98 phòng chiếu phim trên toàn quốc gần như tê liệt vì không đáp ứng sự phát triển của kỹ thuật điện ảnh. Ông khá bi quan khi cho rằng những người làm điện ảnh trong nước đang đối phó “thù trong giặc ngoài”. Chính vì vậy, cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước xem ra không phải là ý tưởng tồi nếu thực hiện một cách hiệu quả.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang - người luôn theo đuổi dòng phim nghệ thuật cũng phải chấp nhận thực tế này: “Cổ phần hóa các hãng phim sẽ đem lại luồng sinh khí mới, buộc các hãng phim phải tự đổi mới hoặc làm khác đi”.
Cổ phiếu điện ảnh bị ế
Không ai phủ nhận chủ trương cổ phần hóa điện ảnh là đúng. Tuy nhiên, khi Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) với bề dày 56 năm, cho ra đời nhiều bộ phim tạo tiếng vang không chỉ ở trong nước mà còn ở quốc tế, sở hữu hàng chục nghìn mét vuông đất ở khu vực đắc địa của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ được định giá 50 tỷ đồng, thì dư luận thật sự bức xúc. Đặc biệt, đơn vị nắm tới 65% cổ phần VFS lại thuộc về Công ty Vận tải thủy (Vivaso) - đơn vị đang kinh doanh thua lỗ một mặt hàng không liên quan gì đến nghệ thuật. Số phận của nghệ sĩ cũng như những thước phim xem ra sẽ rất long đong.
Lý giải cho việc tại sao Bộ VHTT&DL lại chọn Vivaso, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Hiện nay ngành văn hóa có 5 DN điện ảnh, thì có tới 4 DN đã và đang cổ phần hóa. Thế nhưng, 2 - 3 năm trở lại đây, tình trạng cổ phần hóa Hãng phim truyện I và Hãng phim Giải phóng khá bi đát vì đưa lên sàn không ai mua. Hãng phim Hoạt hình đang trong quá trình cổ phần nhưng cũng loay hoay vì không tìm được nhà đầu tư chiến lược. Và cũng phải đến phút chót VFS cũng mới tìm được nhà đầu tư chiến lược là Vivaso. “Khi thông báo cổ phần, có vài DN đến tìm hiểu, nhưng cũng không mặn mà. Chỉ duy nhất có Vivaso là chấp nhận những cam kết ngặt nghèo của cổ phần hóa điện ảnh và đầu tư” – ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết thêm. Và từ bài học ế cổ phiếu của Hãng phim truyện I và Hãng phim Giải phóng, nên đến khi cổ phần hóa VFS, Nhà nước chỉ nắm giữ 20% số cổ phần. 65% cổ phần thuộc về Vivaso. Nghĩa là DN sẽ có vai trò tiên quyết trong quá trình sản xuất điện ảnh, Nhà nước chỉ còn vai trò giám sát.
Những năm gần đây, quan niệm phim tư nhân, phim Nhà nước gần như xóa nhòa. Bên cạnh các phim thị trường đáp ứng thị hiếu chung của phần lớn khán giả, nhiều hãng tư nhân chịu khó đầu tư những bộ phim có chất lượng nghệ thuật. Minh chứng gần đây rõ nhất là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ. Có nghĩa, không phải tư nhân đầu tư cho điện ảnh chỉ có những bộ phim mỳ ăn liền. Thế nhưng, không vì thế mà có thể thiếu vai trò của Nhà nước để có được những phim “có giá trị thẩm mỹ cao”, làm nổi bật thương hiệu điện ảnh quốc gia. Và việc giảm vai trò của Nhà nước trong trường hợp cổ phần VFS xem ra lại là một ý tồi, đẩy thương hiệu điện ảnh quốc gia vào con đường mờ mịt. Có người ví lịch sử của VFS giống như chiều dài một đời người, mà tương lai tuổi xế chiều chưa biết sẽ ra sao.
Một cảnh trong phim “Sống cùng lịch sử” .
|
Quá trình cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước gần như đã hoàn tất. Hãng phim Giải phóng chính thức cổ phần hóa cuối năm 2015, bắt đầu hoạt động với danh nghĩa mới. VFS bán tới 65% cổ phần cho Vivaso. Hãng phim Hoạt hình cũng vừa bán đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Còn lại duy nhất Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư được giữ lại là đơn vị sự nghiệp mang tính đặc thù. |
Đạo diễn Vương Đức: Cổ phần hóa để “thay máu” Giám đốc thứ 12 và cũng là giám đốc cuối cùng của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) thời kỳ là DN, đạo diễn Vương Đức rất thành thật khi chia sẻ: VFS bị cổ phần, tôi cũng chua xót không kém nghệ sĩ. Nhưng nhiều người nói yêu điện ảnh, yêu hãng phim, nhưng đó chỉ là lời nói chứ không thực lòng bằng hành động. Ông nghĩ sao khi 65% số cổ phiếu của VFS được bán cho Công ty Vận tải thủy (Vivaso)? Nói dân dã thì đây là DN chuyên khai thác cát, sỏi, đá, không liên quan đến nghệ thuật? - Lúc đầu tôi cũng e ngại khi Vivaso mua cổ phần, bởi cũng như nhiều nghệ sĩ nghĩ rằng, nếu như nhà đầu tư nào đó có liên quan tới nghệ thuật, những đơn vị là bạn bè, mạnh thường quân đã từng tài trợ cho nhiều bộ phim, hiểu về điện ảnh thì sẽ tốt hơn. Nhưng bạn biết không, VFS chỉ có một nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ vào những phút cuối của thời hạn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi vẫn nghĩ rằng, chúng tôi sẽ được nhiều người quan tâm, được nhiều nhà đầu tư để ý, thế nhưng qua bao ngày tháng, chúng tôi cứ chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi. Cho đến ngày cuối cùng của hạn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, còn đúng 15 phút cuối trong ngày thì xuất hiện một người đến nộp hồ sơ. Chính vì vậy mà chúng tôi rất bất ngờ và thật tâm tôi phải chia sẻ với bạn. Nhiều người cứ nói yêu điện ảnh, yêu hãng phim truyện, nhưng đó là chỉ là lời nói chứ không thực lòng bằng hành động. Ông có thể cho biết lý do vì sao VFS chỉ được định giá 50 tỷ đồng? - Nếu tính về thương hiệu thì VFS là vô giá, nhưng quy định xác định giá trị DN rất cụ thể. Thương hiệu nếu làm ăn có lãi mới được tính, trong khi đó 20 năm nay chúng tôi không có lãi. Ngày xưa làm phim "Đêm hội Long Trì", cố NSND Hải Ninh phải đi vay ngân hàng 2 tỷ đồng. Tính từ đó đến nay chúng tôi không có lãi. Trong khi đó nợ lũy kế gần 20 năm qua khoảng hơn 39 tỷ đồng. Đất đai thì trù phú, nhưng không có tính pháp lý, VFS chỉ được sử dụng dưới hình thức cho thuê. Thời gian rất dài Hãng không được đầu tư cơ sở vật chất, chỉ có tiền đầu tư làm phim. Ngày trước những chiếc máy quay của chúng tôi có giá trị bằng 3 - 4 chiếc Mercedes, nhưng khi chuyển về thời kỳ công nghệ số thì tất cả những thiết bị này gần như bằng 0. Vậy nên, VFS chỉ có thể được định giá 50 tỷ đồng. Thực lòng ông có muốn cổ phần hóa hãng phim? - Gần như không ai muốn cổ phần hóa, ngay cả tôi. Bởi tôi là lãnh đạo sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Khi chuyển sang cổ phần, công ty tư nhân tin tưởng tôi có thể được giữ lại, nhưng cũng có thể sẽ trở thành đạo diễn tự do. Chúng tôi đã từng xin cơ chế đặc thù để VFS không bị cổ phần, nhưng không thể để tình trạng lỗ triền miên nên cần phải cổ phần. Tôi vừa có hai chuyến công tác tại chợ phim ở Hong Kong và triển lãm công nghệ của Mỹ ở Las Vegas. Tôi ngộ ra nhiều điều. Cổ phần hóa hãng phim làm cho hãng "thay máu" thực sự. Một là chúng ta cùng cho nhau ra Hồ Tây chìm, hai là phải có biện pháp nào đó. Nhiều người đang lo lắng, sau khi VFS cổ phần liệu có còn sản xuất phim? - Vấn đề sản xuất phim đã được cam kết trong quá trình cổ phần. Nhà nước vẫn nắm giữ 20% cùng nhiều vị trí chủ chốt trong công ty tư nhân để giám sát, chứ không phải khi cổ phần Vivaso muốn làm gì với hãng phim thì làm. Ngay trong năm 2016, VFS sẽ vẫn sản xuất phim, cụ thể đã có 3 dự án phim đang được trình lên Cục điện ảnh để ra rạp, đó là dự án phim “Trái đắng chín muộn” được kết hợp với Hãng phim độc lập của điện ảnh Mỹ. Dự án thứ hai là về đề tài lịch sử với tên gọi “Xã tắc” nội dung phim nói về vua Trần Thái Tông, từ cuối đời nhà Lý chuyển sang nhà Trần. Dự án thứ 3 là về đề tài thanh niên, chống ma túy có tựa đề “Gừng già cay hay đắng”. Xin cảm ơn ông! Thanh Khánh thực hiện
|