KTĐT - Tuần qua, thảm họa lũ lụt hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân.
Tại Australia, Bộ trưởng tài chính bang Queensland Andrew Fraser đã phải dùng cụm từ "đại hồng thủy" để miêu tả mức độ tàn phá ở bang này. Tình trạng thảm họa đã được ban bố trên một vùng đất có diện tích lớn hơn cả bang Texas và California của Mỹ cộng lại, với 70 đô thị bị nhấn chìm trong nước lũ, ảnh hưởng tới 200.000 dân. Hiện tại, ít nhất 26 người đã thiệt mạng, gần 100 người mất tích. Con số đó chưa tính tới 40 người có thể đã chết sau khi một bức tường nước đổ ập xuống thị trấn Grantham. Ước tính, thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Austalia đã gây thiệt hại không dưới 13 tỷ USD, tương đương 1% GDP của nước này. Trong khi đó, những trận mưa lớn dọc miền Đông duyên hải Australia hôm 14/1 đã buộc hàng ngàn người phải tháo chạy khỏi bang Victoria và đảo Tasmania. Cơ quan cứu hộ khẩn cấp bang New South Wales ngày 15/1 cho biết, hơn 7.000 người đã bị cô lập ở miền Bắc bang này do lũ. Trong khi người dân đang phải vật lộn với lũ lụt, thông tin của dự báo khí tượng thủy văn cho biết, mưa có thể kéo dài đến cuối tháng 3 .
Tại Brazil, trận lũ tồi tệ nhất trong lịch sử nước này đã khiến ít nhất 600 người tại bang Rio de Janeiro thiệt mạng. Ngày 15/1, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã tuyên bố 3 ngày quốc tang tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng. Ngoài việc ban hành các biện pháp cứu trợ khẩn cấp để trợ giúp người dân, theo kế hoạch, Tổng thống Rousseff sẽ tiến hành một cuộc họp liên bộ khẩn cấp vào ngày 17/1. Tuy nhiên, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt gặp nhiều khó khăn do dự báo thời tiết cho biết mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới. Tại Sri Lanka, lũ lụt do mưa lớn kéo dài trong vài tuần qua đã cướp đi sinh mạng của gần 30 người và hơn 1 triệu người khác bị ảnh hưởng. Tính đến ngày 12/1, số nạn nhân thiệt mạng do lũ lụt tại Philippines cũng đã lên tới 40 người, ảnh hưởng đến cuộc sống của 1 triệu người tại 144 thành phố và thị trấn khác nhau, đồng thời ước tính thiệt hại về mặt vật chất đã lên đến hơn 20 triệu USD.
Thảm họa dẫm đạp kinh hoàng tại bang Kerala, Ấn Độ hôm 14/1 khiến hơn 100 đã người thiệt mạng, khoảng 90 người bị thương cùng các vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại Tây Bắc Pakistan làm hàng chục người thương vong và nạn "đại hồng thủy" tại nhiều nước là mảng tối trong bức tranh thế giới tuần qua.
Một vấn đề "nóng" của thế giới tuần qua là nguy cơ về "khủng hoảng lương thực" đang gia tăng nhanh chóng. Hôm 11/1, Chuyên gia về lương thực Liên hiệp quốc Olivier de Schutter cho biết, hiện có khoảng 80 quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng một lần nữa phát đi lời cảnh báo về hiện tượng giá cả các mặt hàng thiết yếu như đường, sữa, lúa mì liên tiếp tăng cao. Đây chính là thủ phạm làm gia tăng chênh lệch về mức sống và gây bất ổn xã hội. Tại Tunisia, bạo loạn do thất nghiệp và giá lương thực tăng cao đã khiến ít nhất 66 người thiệt mạng, và buộc Tổng thống Ben Ali phải từ bỏ vị trí.
Căng thẳng liên Triều trong tuần đã có những dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Bình Nhưỡng nhiều lần tuyên bố đã sẵn sàng đàm phán mọi vấn đề với Hàn Quốc. Mặc dù đã đồng ý nối lại đường dây nóng ở biên giới nhưng Seoul vẫn chưa đồng ý với đề xuất đàm phán của Bình Nhưỡng. Quan hệ Mỹ-Trung trong tuần cũng ấm lên với chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Đặc biệt, với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 14/1 khẳng định quan hệ Mỹ-Trung đang ở "thời điểm then chốt" và đề nghị hai bên xây dựng mối quan hệ "tích cực, hợp tác và toàn diện" trong việc giải quyết các thách thức về kinh tế, an ninh.