Tình trạng tồn kho vẫn đeo đẳng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm tháng 11 đã tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm 2012. Trong đó, một số ngành tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chỉ số tồn kho lớn như: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 69,9%; sản xuất đồ uống tăng 20,8%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 20,3%; sản xuất giầy, dép tăng 2,1 lần… Đặc biệt sản phẩm điện tử dân dụng tồn kho tăng 83,8%, mô tô, xe máy tăng 84%.
Sản xuất đồ nhựa gia dụng tại Công ty TNHH Song Long. Ảnh: Hùng Huy
|
Đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài nên các hộ tiêu thụ trong nước đã giảm mua than. Số liệu mới nhất cho thấy lượng than của TKV bao gồm cả than nguyên khai và than thành phẩm tồn kho lên tới 5,8 triệu tấn. Còn theo ông Nguyễn Gia Tường - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất, 11 tháng đầu năm, Tâp đoàn sản xuất khoảng 3,8 triệu tấn phân bón, tồn kho 880 nghìn tấn, so với đầu năm vượt tồn kho tăng 200 nghìn tấn…
Trong khi đó, ngành thép hiện cũng buộc phải tiết giảm sản xuất và kinh doanh. Thời điểm này, mặc dù đang là mùa xây dựng nhưng sản xuất sắt thép giảm. Hiện, sản lượng tiêu thụ sắt, thép thô đạt 246,3 nghìn tấn, giảm 2,6%.
Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hàng tồn kho vẫn đang là vấn đề lớn và là mối lo ngại của gần 70% DN. Thực tế đến thời điểm này, sự cải thiện trong việc giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt là các DNNVV là chưa đáng kể.
“Ló” những cách làm mới
Vào thời điểm sắp kết thúc năm 2013, bức tranh kinh tế thế giới và trong nước vẫn không mấy sáng sủa. Để giảm lượng tồn kho, đã có không ít DN, nhất là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) tự tìm cho mình những giải pháp riêng.Ông Trịnh Quang Thắng - Giám đốc Công ty May Toàn Thắng (Tây Sơn, Hà Nội) chia sẻ: "Đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, nhân viên của Công ty luôn phải cố gắng không để khách hàng nào đến với công ty phải bỏ đi. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty T- Tech (chuyên sản xuất thiết bị công nghệ cao tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) Nguyễn Đình Trọng lại cho biết, tham gia và tận dụng triệt để chào hàng tại các hội chợ trong nước và quốc tế vào dịp cuối năm là giải pháp được DN lựa chọn. Kết quả ban đầu cho thấy, đây không chỉ là cơ hội tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm mà còn là dịp quảng bá thương hiệu tốt hơn.
Các doanh nghiệp phân phối lớn như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty CP Nhất Nam (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Fivimart)… lại chọn giải pháp mở thêm những điểm bán hàng đến các vùng ngoại thành, khu công nghiệp. Bên cạnh việc tăng các chương trình khuyến mại trực tiếp lên từng sản phẩm, nhận thấy khâu trung gian làm tăng chi phí đến 10% nên không ít doanh nghiệp thực hiện giải pháp chuyển hàng trực tiếp nhằm giảm giá sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh hoặc ấn định giá bán như nhau cho tất cả khách hàng dù mua nhiều hay mua ít…
Mỗi loại hàng tồn kho cần có những giải pháp riêng. Nếu là hàng hóa nguyên liệu thì doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cần tìm cách mở rộng thị trường, mạng lưới phân phối, giảm giá... để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để giải quyết hiệu quả vấn đề tồn kho, bên cạnh nỗ lực của DN cần có cả sự tham gia giải quyết của các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.