Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả lại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên tiếp các vụ lừa đảo, rút tiền, mua hàng bằng thẻ giả diễn ra thời gian qua là lời cảnh báo cho các tổ chức tín dụng và chủ thẻ trong việc nâng cao cảnh giác cũng như tăng cường tính bảo mật cho các giao dịch thẻ ATM.

Rút tiền, mua hàng bằng thẻ... giả

Trong tuần qua, liên tiếp hai vụ lừa đảo rút tiền và mua hàng bằng thẻ giả đã bị ngân hàng và cơ quan công an phát hiện.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongABank) cho biết: "Ngày 4/8, DongABank phát hiện những giao dịch bất thường trên hệ thống. Sau một ngày theo dõi, ngày 5/8, nhân viên DongABank đã bắt được một trong 2 người nước ngoài tại máy ATM góc đường Trần Cao Vân - Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) sử dụng thẻ giả để rút tiền". Tại cơ quan công an, người này khai tên Cipriar, quốc tịch Rumani. Khám xét khách sạn mà đối tượng này đang ở, cơ quan công an phát hiện các thiết bị ăn cắp thông tin thẻ ATM, thiết bị làm giả thẻ ATM và tiền mặt khoảng 300 triệu đồng. Ngoài thẻ ATM của DongABank, bọn tội phạm này còn làm giả thẻ (thanh toán và tín dụng) của 10 ngân hàng trong nước khác. Thủ đoạn của chúng là sao chép thông tin của chủ thẻ tại máy ATM, sau đó làm thẻ giả để rút tiền vào chiều tối hoặc nửa đêm.

Trước đó, ngày 4/8, cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã bắt giữ 3 tội phạm người Malaysia là Chong Kon Hoi, Ling Seng Koey và Wong Kar Wei về hành vi dùng thẻ tín dụng giả lừa đảo mua hàng với số tiền hơn 200 triệu đồng. Các đối tượng này còn khai nhận đã gây án tại TP Hồ Chí Minh. Công an Đà Nẵng đã tạm giữ 20 thẻ tín dụng do các đối tượng sử dụng để lừa đào, đưa đi giám định tại các ngân hàng. Theo lời khai của 3 tội phạm, số thẻ tín dụng trên do một đối tượng người Malaysia cung cấp, đưa sang Việt Nam để gây án, đích nhắm là các trung tâm mua bán lớn. Nếu thực hiện mua hàng trót lọt, chúng sẽ chuyển hàng về Malaysia tiêu thụ.

Không chỉ "nóng" tội phạm thẻ là người nước ngoài, thời gian qua, nhiều đường dây làm giả thẻ tín dụng trong nước cũng liên tục bị công an triệt phá.

 
Lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả lại - Ảnh 1
Để phòng ngừa nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu, chủ thẻ cần phải tự bảo vệ mình khi thực hiện các giao dịch.  Ảnh: Trần Việt

Theo thống kê của Hiệp hội thẻ, gian lận thanh toán thẻ quốc tế tại thị trường Việt Nam tăng vọt trong năm 2011. Tổng giá trị giao dịch gian lận ước tính khoảng 1 triệu USD trong quý I và 1,5 triệu USD trong quý II, gấp 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm trước và so với các quý cuối năm 2010.

Nâng cao cảnh giác

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thẻ Smartlink, lỗ hổng lớn nhất trong bảo mật thẻ chính là từ phía thao tác của con người. Bởi vậy, trước hết chủ thẻ cần phải nâng cao cảnh giác. Để tự bảo vệ mình, tránh trường hợp bị kẻ gian đánh cắp thông tin, chủ thẻ cần lưu giữ, bảo quản thẻ cẩn thận, không cho người khác mượn thẻ; lưu ý không để lộ các thông tin về thẻ: số thẻ, số kiểm tra, mã số cá nhân (mã PIN), che tay khi thực hiện nhập PIN, không sử dụng thẻ giao dịch tại các trang Web lạ không có uy tín, sử dụng dịch vụ hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng khi có vướng mắc phát sinh hoặc khi cần hỗ trợ khẩn cấp như khóa thẻ, mất thẻ.

Về phía ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng mới tham gia dịch vụ thẻ cần quan tâm nguồn nhân lực cho công tác quản lý rủi ro. Hiện, các giải pháp chống giả mạo thẻ có nhiều mức, mức đơn giản nhất là bảo vệ đầu đọc thẻ tại máy ATM để tội phạm không thể gắn thiết bị ăn trộm dữ liệu. Giải pháp này hiện đã được một số ngân hàng triển khai. Ngoài ra, còn có những giải pháp nhằm phát hiện ra các thiết bị sử dụng mạng wireless, thiết bị đọc thẻ, các thiết bị nghe lén khác được gắn trộm vào máy ATM. Khi phát hiện ra nguy cơ trên, hệ thống sẽ chuyển trạng thái của ATM sang chế độ ngừng hoạt động và gửi các cảnh báo cho cán bộ vận hành.