Nhiều ĐB cho rằng, về cơ bản dự thảo luật đã đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những rào cản và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, dự Luật cũng đã nhấn mạnh tới việc sửa đổi, bổ sung lần này cần phải có cơ chế đột phá để thu hút đầu tư và để kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực đầu tư, khắc phục những khiếm khuyết của Luật Đầu tư hiện hành và đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do đầu tư theo Hiến pháp và pháp luật.
Theo ĐB Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội), việc sửa đổi Luật Đầu tư vào thời điểm này là kịp thời và hết sức cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. “Gần 3 thập kỷ đổi mới Việt Nam đã huy động và sử dụng một nguồn lực to lớn để phát triển, đạt nhiều thành quả nhưng chưa tương xứng. Chúng ta đã vượt qua ngưỡng nghèo nhưng sẽ khó đạt mục tiêu cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 và đang đứng trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong khi tài nguyên dần cạn, nợ công tăng nhanh, khả năng trả nợ khó khăn và phải đảo nợ” - ĐB Thường phân tích.
Cũng theo ĐB Thường, trong bối cảnh hiện nay, Luật Đầu tư (sửa đổi) phải thực sự đột phá, mở ra một trang mới cho đầu tư, kích thích vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kích hoạt động lực từ đầu tư, kích thích tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó tạo một vòng lặp tăng trưởng mới, ít nhất 10 năm tới cho kinh tế Việt Nam, góp phần hưng thịnh đất nước. Theo đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) phải tạo được ba mục tiêu: Một là phải tạo được cơ chế đột phá, thu hút đầu tư trong tình hình mới. Hai là phải kiểm soát tốt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn có nguồn gốc từ nhà nước. Ba là phải khắc phục những bất cập cơ bản của Luật Đầu tư 2005.
Các đại biểu đề nghị luật hóa những vấn đề đã được áp dụng phù hợp trong thực tiễn. Đồng thời cũng phải kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của luật hiện hành để đảm bảo tính ổn định của pháp luật. Cũng cần phải rà soát lại tất cả các quy định liên quan tới vấn đề đầu tư nằm rải rác ở các luật khác, không trùng với Luật Doanh nghiệp và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch của dự thảo luật.
“Tôi cho rằng luật này có liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp của nước ta đến nay đã là bước thứ ba về cải cách. Do đó nếu trình tự như vậy Luật Đầu tư hiện nay còn có vị trí cỡ nào sau khi sửa Luật Kinh doanh, đó là điểm chúng ta cần phải tính. Chúng ta phải dựa trên tư tưởng sửa Luật Doanh nghiệp, còn những điểm gì mà Luật Đầu tư phải làm để bảo đảm môi trường kinh doanh đầu tư. Khái niệm đầu tư luật là một loại kinh doanh được tiếp cận theo khía cạnh là vốn, còn Luật Doanh nghiệp cũng là kinh doanh nhưng tiếp cận ở khía cạnh là chủ thể kinh doanh. Vì vậy, việc tự do đầu tư cái gì mà pháp luật không cấm, điều kiện chính là Luật Doanh nghiệp quy định kinh doanh cái gì pháp luật không cấm, có điều kiện hay là cấm” - ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho hay.
Về những bất cập trong Luật Đầu tư, ĐB Du Lịch cho biết, thứ nhất, là đưa ra chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, quy định từ Điều 26 tới Điều 41. Ở đây tách biệt 2 phần: Phần hỗ trợ và phần ưu đãi, tôi cho trọng tâm đầu tiên của luật này là đi vào đó. Thứ hai, đưa ra điều kiện quản lý dòng vốn đầu tư gồm: Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và trong nước đầu tư ra ngoài. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là tiếp cận theo dòng vốn, chứ không tiếp cận theo đầu tư là ai. Dòng tiền đó chảy từ nước ngoài vào, hiểu theo nghĩa bây giờ dòng tiền đi vào để nó tạo ra một nguồn lợi lớn hơn để đưa trở ra, nên đầu tư nước ngoài vào nước ta về bản chất, đó là nợ quốc gia. Do đó, ta quản lý dòng vốn, chứ không phải quản lý ông A, ông B và đầu tư trong nước ra ngoài cũng vậy.
Thứ ba, chúng ta phải có những loại hình mà không phải là pháp nhân hay thể nhân, đặc biệt là phải quy định những điều kiện sử dụng nguồn lực trong nước từ đất đai, tín dụng, vốn... Cũng theo ĐB Lịch, dự Luật này phải gọt giũa nhiều điểm, bởi vì tiếp cận luật cũ, tức là tinh thần cũ thành ra có những cái bây giờ chúng ta quy định quyền của nhà đầu tư, nhưng hiện nay không cần quy định.
Theo ĐB Trịnh Thế Khiết (TP Hà Nội), hiện nay trong quá trình thực hiện còn có một số những bộc lộ chưa phù hợp trong quá trình đầu tư, do đó cần phải duyệt các dự án đầu tư theo quy định, quy hoạch cấp tỉnh phải phù hợp với quy hoạch chung của cả nước, tránh tình trạng tỉnh nào cũng có biển, cảng, tỉnh nào cũng có sân bay làm ảnh hưởng chung cả nước. Các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước phải có vốn pháp định, đủ điều kiện năng lực, tránh tình trạng không có vốn nhưng cứ đấu thầu, cứ đầu tư rồi bán lại cho các doanh nghiệp khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nâng cao năng lực về kiểm tra, giám sát các dự án có đủ năng lực về vốn, kỹ thuật và sở trường để phát triển cũng như đình chỉ các hoạt động mà khi các nhà đầu tư không thực hiện theo đúng cam kết đã đề ra…
Góp ý cụ thể vào Điều 11 của dự Luật, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP Hà Nội) cho biết, một trong những yếu tố bảo đảm thu hút đầu tư nói chung và vốn FDI nói riêng đạt hiệu quả, là phải xây dựng được niềm tin của nhà đầu tư và sự ổn định của luật pháp, sự bảo đảm của chính quyền về những ưu đãi đầu tư mà họ được hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân một số chính sách đã phải điều chỉnh chỉ trong thời gian rất ngắn. “Tôi đề nghị làm rõ nội dung Khoản 3, Điều 11, cụ thể là: Trong những trường hợp cụ thể nào thì nhà đầu tư không được tiếp tục áp dụng điều kiện đầu tư hoặc ưu đãi đầu tư đã được cấp. Khoản 4, Điều 11 quy định, để được áp dụng điều kiện đầu tư và ưu đãi đầu tư được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Điều 11 nhà đầu tư phải có yêu cầu trong vòng 3 năm kể từ ngày văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực…
Ngoài ra, các ĐBQH cũng góp ý cho dự Luật về hình thức đầu tư và việc thành lập các tổ chức kinh tế; thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư, chính sách khuyến khích đầu tư; các quy định về thực hiện đầu tư; các quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài và việc áp dụng các căn cứ quốc tế, các quy định về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động đầu tư và quy định về quản lý nhà nước về đầu tư…
Công nghiệp phụ trợ là 1 trong 4 lĩnh vực cần tập trung ưu tiên thu hút đầu tư. Ảnh minh họa.
|