Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật không phải để hạn chế quyền tự do lập hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Dự án Luật về Hội. Nhận định đây là một luật khó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Dự Luật chưa bắt kịp tinh thần Hiến Pháp 2013

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. 	Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Ngày 15/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Dự án Luật về Hội. Nhận định đây là một luật khó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Dự Luật chưa bắt kịp tinh thần Hiến Pháp 2013, Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm về hội, nếu theo khái niệm Dự Luật đưa ra thì sẽ có “hằng hà sa số các hội”. 

Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, tính đến tháng 12/2014, cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, có những hội là tổ chức phi chính phủ trong nước hoặc ngoài nước, Dự Luật phải làm rõ có công nhận hay cho lập. Trong khi những hội mang tính chất câu lạc bộ, giao lưu gặp gỡ như hưu trí, đồng môn, đồng niên thì nên để hoạt động tự do. "Luật cần quy định rõ có những hội nào được công nhận, hội nào cho lập và loại nào được lập tự do hoạt động theo tinh thần Hiến pháp. Còn luật ra chỉ để quản lý hạn chế thì còn đâu để người ta tự do lập hội?" - Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì lo ngại, việc quy định cho quốc tế thành lập hội trong nước sẽ nảy sinh tình trạng "hội lập như mưa rào". Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại có quan điểm không thể hạn chế cá nhân và tổ chức nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam thành lập hội vì thực tế đã có nhiều tổ chức hình thành khá lâu. Điều cần thiết là quy định chặt chẽ để họ hoạt động tốt hơn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng đề nghị làm rõ căn cứ vào đâu để quy định số lượng hội viên bước đầu để cho phép thành lập hội. Bởi quy định như Dự Luật có ít nhất 10, 11, 20 công dân tham gia mới được lập hội ở các xã, huyện và phạm vi cả nước là chưa đảm bảo sự thuyết phục. “Hội thực chất là tổ chức phi chính phủ, vậy cán bộ công chức có được thành lập hội hay không? Lâu nay có cả tổ chức phi chính phủ thành lập trong tổ chức chính phủ. Dẫn đến cán bộ công chức vừa là công chức chính phủ nhưng vừa là thành viên của tổ chức phi chính phủ. Điều cấm trong luật không quy định, Luật Công chức cũng không đề cập thì tình trạng lẫn lộn với nhau như vậy thì giải quyết thế nào?” - ông Cương đặt vấn đề và cho rằng bỏ trống như vậy là không phù hợp. Vai trò quản lý Nhà nước với tổ chức phi chính phủ như thế nào cần quy định.

Quan tâm đến khía cạnh về  quản lý tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ nội hàm quy định “Hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, không được chia lợi nhuận” và cho rằng, quy định như vậy là quá “chật hẹp”. “Một số hội, như các hội nghề nghiệp, hội của người khuyết tật… được thành lập để hỗ trợ nhau làm ăn kinh tế, cải thiện đời sống thì sao lại không được chia lợi nhuận?” - Chủ nhiệm Hiển nêu vấn đề.

Một số ý kiến khác cho rằng, trong khi số lượng của loại tổ chức hội này rất lớn, nhưng nếu không phải là hội theo quy định của Dự Luật thì việc quản lý, xử lý vi phạm pháp luật đối với loại tổ chức này sẽ rất khó thực hiện. Do đó, để bảo đảm quyền lập hội của công dân cũng như bảo đảm công tác quản lý Nhà nước thì cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh thích hợp với các loại hình tổ chức hội không có tư cách pháp nhân.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trong đó, nhiều ý kiến tán thành việc Dự Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ thời hạn giải quyết kiến nghị, trách nhiệm thực hiện và báo cáo kết quả việc thực hiện nghị quyết giám sát..., đồng thời bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, coi đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu lực, hiệu quả giám sát.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) và Luật Trưng cầu ý dân.