Nhân dịp Liên đoàn LS Việt Nam (LĐLSVN) kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LS Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2015) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, LS Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch LĐLSVN, Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội đã trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị.
Ông có thể đánh giá về những đóng góp, sự phát triển và những bước trưởng thành của LĐLSVN?
- Hoạt động của nghề LS đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt từ sau khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Với sự ra đời của LĐLSVN vào tháng 5/2009, nghề LS đã chính thức có một tổ chức xã hội nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc, ngày càng khẳng định vai trò “ngôi nhà chung” của giới LS Việt Nam. Trong đó, Đoàn LS Hà Nội được xem là “con chim đầu đàn”. Thành lập vào năm 1984, Đoàn LS Hà Nội với nhiệm kỳ đầu có 19 LS, đến nay phát triển lên 2.656 LS trong tổng số gần 10.000 LS trên cả nước.
Đội ngũ LS hiện nay đã không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng; cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội, trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu được của việc phát triển kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm gần đây, nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày một gia tăng. Vậy, số lượng LS tại Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu này chưa, và giới LS có gặp khó khăn gì trong hoạt động nghề nghiệp không, thưa ông?
- Hiện nay, tỷ lệ người dân, xã hội biết đến, nhờ LS trợ giúp pháp lý mới chiếm khoảng 20 - 30%. Số lượng LS cả nước hiện nay gần gấp đôi số lượng Kiểm sát viên thực hiện hoạt động kiểm sát điều tra nhưng tỷ lệ LS tham gia tranh tụng các vụ án hình sự do đương sự, bị can, bị cáo mời chỉ đạt tỷ lệ chưa đến 10%, trong khi các vụ án LS tham gia tranh tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, tỷ lệ LS tham gia 100%. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Do tuyên truyền pháp luật, nhận thức của người dân, LS tham gia tố tụng còn nhiều rào cản. Cụ thể, có trường hợp LS được người dân nhờ trợ giúp pháp lý, mời tham gia tranh tụng từ giai đoạn khởi tố bị can nhưng khi Điều tra viên vào hỏi ý kiến bị can thì lại có đơn không cần nhờ LS, cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ từ chối khiến LS bị bật ra. Điều này còn do các quy định của pháp luật chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, hạn chế quyền của LS tham gia ngay khi người dân có yêu cầu.
Những vụ việc người dân bức xúc, luôn mong muốn có LS tham gia ngay khi họ có yêu cầu, tuy nhiên, LS phải chờ bởi cơ quan tiến hành tố tụng còn phải xét cấp giấy chứng nhận bào chữa cho LS. Do thời gian chậm trễ lại phụ thuộc vào cơ quan tố tụng cho phép tham gia hay không nên khiến người dân chán nản, thiếu tin tưởng vào vai trò của LS, dẫn đến nhiều trường hợp rút lui, không tiếp tục nhờ LS trợ giúp pháp lý...
Ông đánh giá thế nào về chất lượng của đội ngũ LS hiện nay?
- Hiện nay, đội ngũ LS Việt Nam đều được đào tạo cơ bản về kiến thức pháp luật, có bằng cử nhân luật; được đào tạo về kỹ năng tại Học viện Tư pháp và có thời gian tập sự hành nghề tại các tổ chức hành nghề LS. Sau đó, họ phải trải qua kỳ thi sát hạch cấp quốc gia mới được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề LS. Đội ngũ LS về năng lực, trình độ, nghiệp vụ hoàn toàn đáp ứng theo yêu cầu đòi hỏi của xã hội. Người dân được cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng cao bởi những LS được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm.
Ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật, LS còn phải tuân thủ bộ quy tắc đạo đức riêng, nhằm điều chỉnh, bảo đảm đạo đức nghề khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân. Đồng thời, LS phải tuân thủ điều lệ của LĐLSVN và nội quy của Đoàn LS. Do vậy, việc cung cấp dịch vụ pháp lý của LS hiện nay từng bước được nâng cao, bắt nhịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Có ý kiến cho rằng, LS chỉ dành cho giới nhà giàu. Quan điểm của ông thế nào?
- LS không phải chỉ trợ giúp pháp lý cho người có tiền, mà còn tham gia trợ giúp pháp lý cho mọi đối tượng. Trong 2 năm qua, trung bình mỗi năm, các LS trợ giúp pháp lý miễn phí cho hơn 10.000 lượt người dân. Mới đây, từ ngày 2 - 5/10, hơn 30 LS thuộc Đoàn LS Hà Nội đã tổ chức lên huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) trợ giúp pháp lý miễn phí và tặng quà ủng hộ cho người dân tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LS Việt Nam, LĐLSVN triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho Nhân dân ở tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước vào tháng 9 và tháng 10, cao điểm và đồng loạt vào ngày 10/10. Điều này thể hiện sự nghiêm túc của LS trong việc thực hiện quy định của Luật LS về nghĩa vụ trợ giúp pháp lý. Các Đoàn LS trên cả nước triển khai công tác trợ giúp pháp lý miễn phí vào đúng ngày 10/10 vào các năm tiếp theo để hoạt động này trở thành nền nếp hàng năm.
Trước yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phải chăng việc xây dựng, phát triển đội ngũ LS và nghề LS trong thời gian tới là đòi hỏi cấp bách?
- LĐLSVN và Đoàn LS các tỉnh, TP đang nỗ lực thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển đội ngũ LS từ năm 2010 - 2020, Việt Nam phải có từ 18.000 - 20.000 LS. LĐLSVN đang tích cực triển khai hoàn thiện Đề án thành lập trường đào tạo LS trình Chính phủ phê duyệt để góp phần thực hiện thành công chiến lược này. Như vậy, Việt Nam mới có thể có đội ngũ LS ngày càng tăng về số lượng, nâng cao chất lượng do chính tổ chức nghề của LS đào tạo.
Ngoài ra, LĐLSVN tập trung vào việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ LS để từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội ngày càng cao, của đất nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung vào việc bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp LS, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, tập trung vào 2 mũi nhọn là kỹ năng tranh tụng của LS để thực hiện Điều 103 Hiến pháp 2013 “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm", thực hiện việc thi hành các Bộ luật Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự, Tố tụng Hành chính và các đạo luật liên quan tới LS và nghề LS.
LĐLSVN còn tập trung các biện pháp thực hiện Đề án 123 phát triển đội ngũ LS hội nhập quốc tế của Chính phủ, triển khai mạnh mẽ Đề án thành lập Câu lạc bộ LS hội nhập quốc tế nhằm thu hút, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ LS có đủ khả năng tư vấn và tranh tụng quốc tế, để đội ngũ LS Việt Nam có thể cung cấp các dịch vụ có chất lượng cho DN Việt Nam và DN nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam, với mục tiêu không để mất thị phần cung cấp dịch vụ pháp lý ngay trên sân nhà. Đội ngũ LS Việt Nam cần phải tính tới việc cung cấp dịch vụ pháp lý ở thị trường khu vực và thế giới trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!