Xét tuyển đại học: Cộng ưu tiên 3,5 điểm là quá nhiều?

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, có ý kiến cho rằng, trong xét tuyển đại học từ kết quả thi THPT quốc gia, mức cộng 3,5 điểm như hiện nay quá nhiều dẫn đến không công bằng cho các học sinh...

 Tân sinh viên đang làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Nhận xét về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017, lãnh đạo nhiều sở GD&ĐT và trường đại học đánh giá cao bởi tạo được sự đồng thuận. Vì thế, nhiều đại biểu đề xuất năm 2018 Bộ GD&ĐT vẫn thực hiện phương thức thi do địa phương tổ chức, các trường ĐH phối hợp tham gia để giữ ổn định.
Tuy nhiên, để kỳ thi phát huy kết quả tốt hơn, những bất cập về kỹ thuật của năm nay cần được điều chỉnh. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang đề nghị lãnh đạo Bộ GD&ĐT đánh giá rút kinh nghiệm kỳ thi vừa qua một cách nghiêm túc, phân tích những mặt hạn chế, khuyết điểm để đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời. Bộ GD&ĐT nên làm việc này ngay từ đầu năm học mới bằng cách triển khai hướng thực hiện kỳ thi THPT quốc gia 2018 để ngành chủ động giảng dạy cho học sinh. Có như vậy, kỳ thi mới thành công và đạt hiệu quả.
Góp ý về điều chỉnh kỹ thuật cho kỳ thi này, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn kiến nghị, bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội không chia thành các môn riêng biệt. Cũng có những ý kiến đồng tình bởi với cách ra đề thi tổ hợp nhưng trong bài thi lại chia thành các môn riêng rẽ thì không có ý nghĩa. Hơn thế còn có thể xảy ra nhầm lẫn trong công tác in sao đề thi.
Đi sâu vào vấn đề xét tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia, đại diện tỉnh Bình Định đề nghị nên giảm mức điểm ưu tiên. Mức cộng 3,5 điểm như hiện nay quá nhiều, một số trường có ngành lấy điểm chuẩn quá cao, dẫn đến không công bằng cho các học sinh. Đại diện tỉnh này đề nghị chỉ nên cộng điểm cho thí sinh thuộc gia đình chính sách và giảm bớt đối tượng ưu tiên vùng miền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần