Đội mưa rét ra đồng làm đất
Dù trời mưa nặng hạt, gió rét căm căm, song ngày hôm qua, trên cánh đồng của các xã Ngọc Tảo, Phúc Hòa, thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ), Đại Đồng (Thạch Thất)… một số bà con nông dân vẫn ra đồng phạt bờ cuốc góc, làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa Xuân. Tuy đã rất cẩn thận mặc áo khoác dày kèm theo một lớp áo mưa bên ngoài, song thỉnh thoảng chị Khuất Thị Hằng, cụm 1, thị trấn Phúc Thọ vẫn run lên bần bật. Mưa táp vào mặt từng đợt rát xé da thịt. Dừng tay cuốc, chị Hằng chia sẻ, từ ngày 25/1, khi có nước đổ ải về đồng, vợ chồng chị phải tranh thủ ra đồng đắp bờ, làm đất. “Nước về đến đâu phải làm đất đến đó, vì năm nay lượng nước không dồi dào nên dù trời rét chúng tôi vẫn phải ra đồng làm” – chị Hằng giãi bày.
Tính đến chiều 26/1, huyện Phúc Thọ mới đổ ải được hơn 600ha, đạt 15,5% diện tích theo kế hoạch. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, toàn huyện đã gieo được khoảng 70% diện tích mạ do được che phủ nilon nên cơ bản vẫn đảm bảo. Bắt đầu từ tiết Lập Xuân (4/2), các xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ mới bắt đầu bước vào cấy lúa vụ Xuân 2016 đại trà.
Tương tự Phúc Thọ, ngày hôm qua, một số bà con xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất cũng đội mưa kiểm tra đồng ruộng, đắp bờ giữ nước. Trên một vài tuyến mương cao, đội thủy nông đã lắp đặt máy bơm vận hành nước, đảm bảo tất cả các chân ruộng đều có nước. Một vài chiếc máy cày lầm lũi dưới mưa xẻ những đường cày ngả đất mới tinh. Tiếng máy nổ giòn phần nào xua đi cái giá lạnh ngấm vào từng thớ thịt. Chị Kiều Thị Hạ, một người dân xã Đại Đồng vừa bước lên từ ruộng mạ chia sẻ, mạ của nhà chị đã được 4 – 5 lá, đủ điều kiện cấy nên dù mưa vẫn phải thuê máy làm đất để khi ấm lên là cấy ngay.
Điều chỉnh thời vụ
Lâu nay, các huyện khu vực Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai… vốn có truyền thống cấy sớm nên bà con thường gieo mạ sớm hơn khung thời vụ chính, nhất là những địa phương vùng trũng, phải cấy sớm chạy lũ tiểu mãn. Tuy nhiên, do thời tiết rét đậm, rét hại những ngày qua, các địa phương đã chủ động dừng gieo cấy và lùi thời vụ chờ thời tiết ấm lên mới tiếp tục. Tại thị trấn Phúc Thọ, HTX đã thông báo để bà con nông dân dừng gieo cấy trong thời tiết hiện nay và đa số các hộ dân đều chấp hành tốt việc điều chỉnh thời vụ này. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con có thể tiếp tục gieo cấy khi nhiệt độ từ 150C trở lên.
Đáng chú ý, tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, do có truyền thống cấy sớm nên đa số diện tích mạ đã có 4 – 5 lá. Trong điều kiện giá rét kéo dài, xã đã động viên bà con hủy diện tích mạ đã gieo, tránh tình trạng cấy mạ già, ảnh hưởng tới năng suất lúa. Đồng thời khuyến cáo bà con gieo bổ sung mạ sân, mạ khay cấy máy. Để chủ động hỗ trợ cho người dân, các HTX nông nghiệp trên địa bàn xã cũng chủ động triển khai đăng ký gieo mạ khay để phục vụ cấy đúng thời vụ sản xuất.
Tại thị xã Sơn Tây, nếu như ngày bắt đầu đợt rét đậm (23/1) nông dân một số xã vẫn ra đồng cấy thì đến nay gần như đã dừng hẳn. Theo đánh giá, nếu cấy đúng thời tiết rét đậm, khả năng sống của cây lúa không cao. Ông Phùng Huy Vinh – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây cho biết, diện tích cấy sớm để chạy lũ tiểu mãn của địa phương chỉ chiếm 15% tổng diện tích gieo cấy vụ Xuân. Ngay khi có công điện của TP cũng như Sở NN&PTNT về chỉ đạo phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi, Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây đã cử cán bộ xuống kiểm tra tại cơ sở, tuyên truyền bà con dừng kế hoạch gieo cấy. Đồng thời, thị xã cũng chỉ đạo gieo bổ sung 10% lượng mạ trên nền đất cứng, có che phủ nilon để có thể thay thế diện tích mạ già.
Người trồng hoa thiệt hại “kép”
Hiện nay, cơ bản các cây trồng vụ Đông như ngô, khoai lang, rau màu… đang được bà con nông dân thu hoạch dứt điểm để kịp chuẩn bị sản xuất vụ Xuân. Ngoài tiến độ gieo cấy lúa Xuân và sản xuất các loại rau màu bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều hộ trồng hoa cũng đang “đứng ngồi không yên”. Trước đợt rét đậm lần này, nhiều hộ trồng ly “khóc dở mếu dở” khi hoa ly nở nhanh, quá sớm, khiến cho rớt giá thảm hại, bình quân chỉ 8.000 – 10.000 đồng/cành. Nhiều hộ dân ở Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), Mê Linh phải vận chuyển hoa lên Sa Pa “tránh rét”, tuy nhiên thời tiết Sa Pa lại quá lạnh, xuống dưới 00C. Do đó, một số hộ phải di chuyển hoa quay trở về TP Lào Cai. Như vậy, không những chi phí sản xuất đội lên mà nếu trở tay không chuyển kịp thì còn bị thiệt hại “kép”.
Trong khu lán trại ngoài cánh đồng ven Quốc lộ 32, ngồi nghe mưa rơi lộp bộp vào mái nhà màng, nhà lưới trồng hoa của gia đình, anh Nguyễn Hữu Cường, thôn Minh Nghĩa, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất bần thần lo lắng. Ngoài hơn 1 vạn cành hoa đã phải bán phá giá đợt nắng ấm vừa qua, hiện anh Cường còn 5.000 cây hoa ly chuẩn bị xuất bán ra thị trường Tết. Anh Cường chia sẻ, thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa mấy hôm nay đã khiến anh phải tạm dừng công việc làm đất cho vụ hoa mới và việc thu hái hoa cũng bị ngưng trệ. “Ngày 25/1 còn xuất hiện mưa đá khoảng 30 phút khiến người nông dân chúng tôi đứng ngồi không yên, bởi chưa khi nào thấy xuất hiện hiện tượng này trong mùa Đông” – anh Cường nói.
Theo các hộ trồng hoa, thời tiết thay đổi đột ngột đang nắng nóng chuyển sang lạnh sẽ khiến cho hoa bị “điếng” hay còn gọi là bị "xòe miệng" do sốc nhiệt, làm cho chất lượng hoa bị giảm, màu sắc kém tươi. Chưa hết, đợt mưa rét lần này, nhất là cơn mưa kéo dài trong ngày 26/1 đã khiến cho các chủ vườn hoa thêm một lần lo lắng, bởi mưa kích thích các nụ hoa nở sớm hơn. Không những vậy, với những nụ hoa ly, hồng… đã được chụp bông, nước mưa ứ đọng còn gây úng, thối rữa. Nhiều người trồng hoa thở dài cho hay, dịp Tết năm nay cầm chắc 70% thất bát và chỉ có 30% cơ hội là thu lãi.
Anh Nguyễn Hữu Cường, xã Đại Đồng bên ruộng hoa được che phủ nilon tránh mưa. Ảnh: Ánh Ngọc
Theo thông tin của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến hết 26/1, toàn TP đã gieo được gần 800ha mạ. Do thời tiết rét đậm, nhiệt độ xuống thấp từ 6 - 80C trong 4 ngày liên tiếp 23, 24, 25, 26/1 nên các địa phương đã ngừng gieo cấy. Duy chỉ có thị xã Sơn Tây do đặc thù địa hình, tập quán sản xuất nên đã cấy được 400ha và gieo sạ được 28ha (tính đến hết ngày 22/1). |
Theo thống kê, tính đến chiều ngày 26/1, toàn TP Hà Nội đã đổ ải được hơn 31.500ha, đạt 31,6% so với kế hoạch. Trong đó một số địa phương đổ ải đạt tỷ lệ cao như Phú Xuyên 97,7%, Ứng Hòa 63%, Thanh Oai 56%, Đan Phượng 33,3%, Thanh Trì 35%... |