Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam: Hội Điện ảnh gửi văn bản lên Chính phủ

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến lá đơn của 50 nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam nhờ Hội Điện ảnh Việt Nam bảo vệ quyền lợi. Ngay lập tức Hội này vào cuộc gửi văn bản đến các cấp trong đó có cả Văn phòng Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam xác nhận ngày 12/9, Hội đã nhận được đơn của 50 nghệ sĩ phản ánh từ ngày Hãng phim truyện Việt Nam cổ phần hóa các nghệ sĩ không có lương, đạo cụ kịch bản bị di chuyển. “Ngày 13/9 tôi đã đưa đơn cho các đồng chí ở phía Nam. Và ngày 18/9 ban chấp hành Hội Điện ảnh đã họp, thảo luận”, ông Hải cho biết.
Ông Đặng Xuân Hải cho rằng, lá đơn này là hành động đúng vì Hội Điện ảnh có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của các hội viên. Bởi vì, trong quy định của nhà đầu tư chiến lược phải cam kết đảm bảo quyền lợi người lao động. Trên thực tế từ tháng 7 đến nay nhà đầu tư chiến lược làm chưa đúng cam kết. Tháng 7/2017 có trả lương nhưng còn tùy mức độ. Tháng 8 họ lại chỉ trả một số và đề tạm ứng, đa số chưa trả. Tháng 9 thì chưa chi trả.
Các nghệ sĩ làm việc trong Hãng phim truyện Việt Nam đã gặp mặt báo chí bày tỏ bức xúc.
Ban chấp hành Hội và Chi hội đã thảo luận và xem xét cặn kẽ toàn bộ sự việc những gì chủ đầu tư đã thực hiện trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Có ba vấn đề, thứ nhất chúng tôi nhận định, thời gian đăng tải thông tin công khai cổ phần hóa quá ngắn, hơn 10 ngày, lại sát vào dịp Tết. Nên nhiều đơn vị khác có muốn tham gia đấu thầu cũng không kịp đến lấy và lập hồ sơ.
Thứ 2, thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam đã có từ 60 năm nay, nên hồ sơ đấu thầu chỉ xét trong 5 năm gần đây là không đúng. Trong khi những năm trước, Hãng có rất nhiều phim kinh điển, đạt giải cao ở các liên hoan phim quốc tế.
Vấn đề thứ 3: “Hãng phim truyện Việt Nam được Nhà nước giao đất đứng chân trên bốn địa điểm, quản lý. Mức độ quản lý, nộp thuế đất có từ 1959 - 1960 mấy chục năm trước vẫn nộp, những năm gần đây do hoàn cảnh khó khăn họ đang nợ thuế nhưng như thế đã xác định quyền sử dụng. Nếu căn cứ vào luật đất đai 1993 trở lại đây không có tranh chấp thì vẫn coi như đất của họ đang quản lý. Ví dụ địa điểm số 4 Thuỵ Khuê chưa được 100m2 nhưng có sổ đỏ rồi, hoặc hơn 900m2 Hoàng Hoa Thám nộp thuế đất nhiều năm, 6.000m2 ở Cổ Loa đã được Bộ VHTT&DL giao cho Hãng. Thế mà bây giờ tính không có ưu thế về mặt đất đai, mặt bằng, địa điểm. Theo Nghị định 59 được tính ưu thế đất đai nhưng không đưa vào, tôi thấy cũng là sai”, ông Hải nhấn mạnh.
Trong ngày hôm nay (19/9), chúng tôi sẽ soạn thảo xong văn bản. Ngày mai, Hội sẽ gửi văn bản tới các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể Hội điện ảnh VN sẽ gửi tới Bộ VHTTDL; Ban Tuyên giáo T.Ư; Ban Bí thư, Ban thanh tra, kiểm tra Chính phủ, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đề nghị làm rõ quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam đã hợp lệ chưa, đã công bằng chưa. Đồng thời bảo vệ quyền lợi của người lao động, văn nghệ sĩ. Bảo vệ thương hiệu điện ảnh đã có bề dày lịch sử, giá trị hơn 60 năm”, NSND Đặng Xuân Hải cho biết nói.
Mấy ngày nay cư dân mạng đang xôn xao việc Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam bị biến thành nơi bán bún, bán phở. Đồng thời với đó là những bức xúc của các cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ khi công ty đi vào hoạt động cổ phần hóa sau hơn 2 tháng.
Cụ thể, Ban giám đốc Công ty đã tự động dọn những đạo cụ tại phòng đạo cụ, dọn kịch bản phim tại phòng biên kịch gửi tới Viện Phim mà không có bất cứ thông báo tới các trưởng, phó phòng liên quan. Ngoài ra, Ban giám đốc còn sáp nhập 4 phòng là biên kịch; đạo diễn; quay phim; thiết kế mỹ thuật vào một phòng gọi tên là Phòng Nghệ thuật, còn 4 dãy nhà trước đây của 4 phòng đã bị tiến hành cho thuê để kinh doanh chứ không phục vụ mục đích làm phim.
Việc trả lương cho cán bộ, công nhân viên, giới nghệ sĩ có sự chênh lệch cao thấp không đồng đều, không theo một định mức, căn cứ nào, thậm chí có bộ phận không có lương…
Sau khi gửi đơn “kêu cứu” đến các cơ quan chức năng, ngày 15 và 16/9 nhiều nghệ sĩ đã gặp mặt cơ quan báo chí để phản ánh hoạt động thê thảm của Hãng phim truyện Việt Nam.