Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lúng túng trong giám sát an toàn thực phẩm nông sản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều chỉ tiêu phân tích an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản không có đối chứng do chúng ta chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật. Đó là thực trạng được nhiều đơn vị phản ánh trong cuộc họp quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 19/10.

Tái diễn sản phẩm nhiễm khuẩn

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản,  tính đến hết tháng 9/2012, số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra, đánh giá xếp loại A, B chiếm hơn 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm xếp loại C còn cao, chiếm 59,4%, trong đó tỷ lệ cơ sở chăn nuôi là 80,76%, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản là 34,64%. Số cơ sở loại C được tái kiểm tra thấp và tỷ lệ được tái kiểm tra vẫn xếp loại C còn cao. Chẳng hạn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chiếm 90,9%; cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chiếm 96%.

Lúng túng trong giám sát an toàn thực phẩm nông sản - Ảnh 1
Do thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật khiến việc giám sát chất lượng nông sản gặp nhiều khó khăn.Ảnh: Thiên Tú

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua phân tích 90 mẫu cá biển cho thấy, 54/60 mẫu nhiễm ure từ khoảng 10 đến 125ppm, 19% mẫu cá biển nhiễm E.coli vượt quá giới hạn cho phép; 30% mẫu nhiễm vi khuẩn Salmonella, chủ yếu tại các chợ bán lẻ. Ngoài ra, đối với chỉ tiêu Histamine (gây ngộ độc thực phẩm), có 31% mẫu phát hiện Histamine vượt mức cho phép, trong đó tại chợ bán lẻ là 55%. Điều đó cho thấy, điều kiện vệ sinh tại khâu vận chuyển đến nơi bán lẻ và bảo quản không đảm bảo.

Đối với sản phẩm măng, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và lấy 50 mẫu măng khô, măng tươi và măng ớt tại 5 tỉnh, TP là Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Thanh Hóa để kiểm tra. Kết quả cho thấy, 27/27 mẫu măng khô đều phát hiện có lưu huỳnh và sunfit. Ngoài ra, qua kiểm tra 182 mẫu hoa quả Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta, Cục Bảo vệ thực vật phát hiện có 2 mẫu lựu chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép 1,16 lần.

Thiếu hàng rào kỹ thuật

Hiện nay, việc giám sát chất lượng thực phẩm nông sản đang gặp nhiều khó khăn do Việt Nam còn thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngay những thực phẩm phổ biến như măng tươi, măng khô, chúng ta cũng vẫn chưa có hàng rào kỹ thuật để quy định giám sát chất lượng. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, qua phân tích các mẫu măng tại một số tỉnh, kết quả cho thấy, tỷ lệ chứa lưu huỳnh là từ 20 - 480ppm, tỷ lệ nhiễm sunfit là 2,6 - 70,5ppm. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật quy định giới hạn định mức hàm lượng cho phép những chất trên.

Hay như đối với thịt gà thải loại nhập vào nước ta, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi băn khoăn "không hiểu tại sao chúng ta lại cho nhập những sản phẩm này vào trong nước". Bởi, gà thải loại của các nước được nuôi hơn 1 năm, hầu như đã hết chất, chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhựa thông để vặt lông trong giết mổ gia cầm cũng chưa xác định được rõ tác hại, nguy cơ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lo ngại, chúng ta có đội ngũ cán bộ "hoành tráng" và nhiều văn vản pháp quy nhưng an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều lo ngại, rau, cá vẫn còn ô nhiễm. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan sớm xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để có căn cứ, thước đo xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Đồng thời có hướng dẫn các quy trình xử lý đảm bảo chất lượng nông sản cho các cơ sở và người kinh doanh thực phẩm.

Qua lấy 40 mẫu thịt bò khô trên thị trường Hà Nội và TP. HCM để kiểm tra, Cục Thú y đã phát hiện 20 mẫu tại Hà Nội nhiễm vi khuẩn E.coli nhưng trong giới hạn cho phép và 3/20 nhiễm hóa chất sudan dùng để nhuộm màu.