Vấn đề này làm cho ngành chăn nuôi trong nước thêm yếu thế trong cuộc cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi giá rẻ từ nước ngoài ùa vào khi tới đây, nước ta chính thức gia nhập các hiệp định tự do thương mại.
Bộc lộ nhiều yếu kém
Theo nhận định của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, đồng thời dịch bệnh làm chậm việc tái đàn trong những tháng đầu năm, nhưng đến nay, ngành chăn nuôi đang lấy lại tốc độ tăng trưởng. Trong 6 tháng đầu năm, ngành chăn nuôi tăng trưởng 3%. Kết quả khảo sát tại 36 tỉnh, TP trong cả nước, đến hết tháng 7/2014, đàn gia súc, gia cầm tại các địa phương đang phát triển ổn định và có xu hướng tăng nhẹ. Mặc dù vậy, sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa thoát khỏi điệp khúc "được mùa, mất giá". Đơn cử, từ quý II/2014 đến nay, giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc luôn thấp hơn các tỉnh phía Nam từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Nguyên nhân là bởi mất cân đối cung cầu, người chăn nuôi phía Nam giảm đàn do thua lỗ, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.
Điều đáng lo ngại là trong khi thị trường nội địa thiếu ổn định, lượng con giống và sản phẩm chăn nuôi nhập về lại có chiều hướng gia tăng. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm
2014, cả nước nhập khẩu hơn 1.600 con lợn giống, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sản lượng thịt lợn nhập khẩu là gần 2.000 tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thịt gà nhập khẩu cũng tăng 22,2%. Đặc biệt, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong 7 tháng đầu năm lên tới 5,9 triệu tấn, tăng 55% so với năm trước. Rõ ràng, ngành chăn nuôi nước ta còn phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp.
Để từng bước đổi mới ngành chăn nuôi đáp ứng mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tháng 5/2014, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, sau hơn 3 tháng triển khai, nhiều địa phương còn lúng túng, chưa có nhiều đột phá. Hơn nữa, mục tiêu đề ra còn chung chung, chưa xác định rõ đối tượng vật nuôi chính, vùng sản xuất chủ lực. Đặc biệt, chưa quan tâm làm rõ vấn đề thị trường, tiêu thụ, giết mổ, chế biến. Cho đến nay, mới có 17/63 tỉnh, TP trên cả nước ban hành Đề án hoặc xây dựng Kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Đặc biệt, mới chỉ có 3 tỉnh đang rà soát lại quy hoạch chăn nuôi theo tái cơ cấu.
Đổi mới cách tiếp cận
Thách thức lớn mà ngành chăn nuôi trong nước đang phải đối mặt là sự cạnh tranh của sản phẩm cùng loại từ nước ngoài với giá rẻ. Bởi hiện nay, Việt Nam đang đàm phán tham gia 5 hiệp định tự do thương mại, các đối tác sẽ gây nhiều sức ép để mở rộng thị trường tiêu thụ, trong khi, chăn nuôi hiện đang là lĩnh vực được bảo hộ cao nhất trong ngành nông nghiệp. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, khi mở cửa thị trường, với hàng rào thuế xuống thấp, sản phẩm chăn nuôi giá rẻ của các nước, trong đó có cả nước có nền kinh tế rất phát triển như Mỹ sẽ tràn ngập Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tái cơ cấu ngành chăn nuôi cần tập trung vào 4 nội dung: Tái cơ cấu về vùng chăn nuôi, về giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi và thị trường. Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các địa phương tập trung vào làm tốt khâu giống vật nuôi, bởi tình trạng nhà nhà làm giống, người người làm giống nên chất lượng giống vật nuôi không đảm bảo. Hiện, Bộ NN&PTNT đang thực hiện thí điểm quản lý giống vật nuôi tại 4 tỉnh là Nam Định, Phú Thọ, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến cuối năm 2014 sẽ tổng kết và triển khai trên cả nước vào năm 2015.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng lưu ý, cần phải chú trọng đến phương pháp và cách tiếp cận mới trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, hướng đến tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân. Điều này thể hiện thông qua việc nâng cao chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ tập trung và tiêu thụ gắn với thị trường. "Mấy năm qua, chúng ta mới chỉ nhìn vào thị trường trong nước nhưng khi đã mở cửa, phải nhìn nhận thị trường dưới góc độ giá cả quốc tế. Mỗi địa phương nên tập trung vào những vật nuôi có lợi thế và thị trường của địa phương" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Chăn nuôi gia cầm tại hộ gia đình ông Nguyễn Đôn Hùng, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai. Ảnh: Bình Minh
|
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu năm 2015, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5 - 5,6% so với năm 2014; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp duy trì ở mức 31,5 - 32%; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 4,96 triệu tấn, tăng 3,9%... |