Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lưới điện nông thôn - bao giờ mới được nâng cấp?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, hệ thống lưới điện ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã được TP quan tâm đầu tư, nâng cấp, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống cho người dân.

Mặc dù vậy, tình trạng thiếu điện, hệ thống điện xuống cấp... vẫn đang là vấn đề băn khoăn, trăn trở tại nhiều địa phương.

Bài 1: Nỗi lo thiếu điện

Dù không quá khó khăn, song tại nhiều địa phương, người dân vẫn luôn thấp thỏm lo chuyện mất điện, điện yếu do quá tải, nhất là mùa hè - mùa cao điểm của điện sắp tới gần.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Sau khi sáp nhập về Thủ đô, khoảng vài năm trở lại đây, với người dân thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, có nguồn điện thắp sáng, nấu cơm, bơm nước đã là một niềm vui. Thế nhưng, trong cái niềm vui ấy vẫn còn  không ít lo âu. Anh Triệu Đức Tuấn, thôn Hợp Sơn chia sẻ, vào mùa hè, nhu cầu sử dụng điện lớn, nhất là nhiều hộ dùng máy bơm nước và quạt nên hệ thống điện trong xã luôn bị chập chờn. "Nhiều hôm nấu nồi cơm điện cũng phải bật đi bật lại mấy lần mới chín" - anh Tuấn chia sẻ.

 
Kiểm tra hệ thống lưới điện nông thôn tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai. Ảnh: Văn Thắng
Kiểm tra hệ thống lưới điện nông thôn tại xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai. Ảnh: Văn Thắng
Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, tình trạng thiếu điện còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ dân tại đây. Gia đình anh Tuấn có nghề chế biến tinh bột sắn, đót (dong riềng) nhưng nhiều hôm đang chạy máy, bị ngắt điện, củ sắn, dong chở về đã hỏng vì không được chế biến kịp thời. Được biết, dây chuyền chế biến gồm 3 chiếc máy: Máy rửa củ dong, máy khuấy lọc bã và máy đánh bột với tổng công suất 18kW. Theo thống kê, toàn xã Ba Vì hiện có khoảng 40 máy chế biến sắn, đót và máy xẻ gỗ. Do công suất của các trạm điện hiện có chưa đáp ứng yêu cầu nên vào đợt cao điểm chế biến bột đót (khoảng từ tháng 10 - 12), tình trạng điện yếu ở khu vực này thường xuyên xảy ra.

Tương tự xã Ba Vì, nhiều thôn xóm của xã Khánh Thượng, một trong những xã miền núi xa nhất của huyện Ba Vì cũng rơi vào tình trạng trên. Những năm qua, dù hệ thống lưới điện của xã đã được đầu tư, nâng cấp, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Theo HTX Dịch vụ điện Khánh Thượng, với địa bàn miền núi, diện tích rộng, dân cư thưa thớt, việc quản lý hệ thống điện gặp nhiều khó khăn. Toàn xã hiện có 9 trạm biến thế với tổng công suất 1.450kVA, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của hơn 2.180 hộ dân. Hơn nữa, hệ thống đường dây dài 42km khiến cho tổn thất điện năng lớn nên những thôn ở xa trung tâm như Hương Canh, Gò Đình Muôn, Bắt Còn Chèm... gặp khó khăn về nguồn điện. Theo ước tính của UBND xã Khánh Thượng, hệ thống điện trên địa bàn xã mới đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu sử dụng của người dân.

Thấp thỏm về điện

Không chỉ ở các xã vùng núi xa trung tâm như Ba Vì, Khánh Thượng, tại nhiều xã ở khu vực ngoại thành cũng đang gặp phải vấn đề thiếu hụt về nguồn điện. Ông Hoàng Đình Mùi - Trưởng thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ cho biết, thôn có 2 trạm biến áp, trong đó 1 trạm công suất 320kVA được đưa vào sử dụng từ năm 1993, 1 trạm công suất 250kVA được xây mới vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ điện năng cho sản xuất và sinh hoạt của người dân ngày một cao nên thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải lưới điện cục bộ, nhất là vào giờ cao điểm (khoảng 16 giờ 30 - 20 giờ hàng ngày).

Thôn Phú An hiện có 400 hộ dân, trong đó có tới 50 xưởng xẻ gỗ, sản xuất đồ mộc. Các xưởng sản xuất này đều dùng hệ thống điện 3 pha, tuy nhiên do các trạm cấp điện tại địa phương có công suất nhỏ trong khi công suất hoạt động của máy xẻ gỗ lại cao nên xảy ra tình trạng quá tải điện. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, các cơ sở sản xuất đồ gỗ hoạt động liên tục nên người dân thường xuyên phải chịu cảnh điện yếu hoặc mất điện. "Người dân rất bức xúc vì cứ đến chiều tối, nhiều gia đình phải chuyển từ nấu cơm bằng điện sang nấu bằng bếp ga hoặc bếp củi" - ông Mùi cho biết.

Cách đó không xa, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ đã cơ bản hoàn thành tiêu chí điện nông thôn theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Đặng Văn Bài - Chủ tịch UBND xã cho biết, để đáp ứng nhu cầu phục vụ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế tại địa phương, từ năm 2008, TP đã triển khai Đề án điện nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2008 - 2012. Nhờ đó, chất lượng lưới điện hạ áp của xã đã được cải thiện rõ rệt: 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên và an toàn từ các nguồn điện; Hệ thống điện chiếu sáng đã được trang bị đầy đủ tại mỗi gia đình và trên hầu hết các tuyến đường làng, ngõ xóm.

Tuy nhiên, theo ông Bài, hệ thống lưới điện trung, hạ áp còn thiếu về số lượng và công suất nên chưa đáp ứng đủ điện phục vụ sản xuất. Hiện, toàn xã có 4 trạm biến áp với tổng công suất 1.280kVA. Năm 2013, xã được đầu tư xây mới 1 trạm với công suất 180kVA và nâng cấp 1 trạm từ 180kVA lên 250kVA ở thôn Cơi. Mặc dù, rất ít khi xảy ra tình trạng aptomat tại các trạm biến áp phân phối "nhảy" vì lý do quá tải vào thời gian cao điểm dùng điện sinh hoạt của người dân, song vào những ngày hè nắng nóng, xã vẫn bị cắt điện luân phiên...

 
Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng lớn, trước đây chỉ đơn thuần là chiếu sáng, xem ti vi nhưng hiện nay nhiều hộ gia đình có nồi cơm điện, tủ lạnh, thậm chí cả máy giặt, bình nóng lạnh nên tình trạng điện yếu, nhảy aptomat hay xảy ra.

Anh Đinh Tiến Quân Thôn Bưởi, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì

Bài 2: Những cánh đồng "khát" điện