Lương không đủ sống
TS Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội đã nhận định, chính sách TL hiện nay chỉ là quá trình kéo dài lộ trình đề án cải cách TL của năm 1993; việc điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu do áp lực của giá cả thị trường và một phần của tăng trưởng kinh tế. Ông Lợi cũng chỉ ra chính sách TL đang tích tụ nhiều bất cập. Lương bình quân của cán bộ công chức chưa phù hợp với giá trị sức lao động, thấp hơn khá nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) làm trong khu vực sản xuất kinh doanh. Tốc độ điều chỉnh tăng lương chậm, mức lương tối thiểu (nay là mức lương cơ sở) chưa bảo đảm được nhu cầu sống cơ bản của cán bộ công chức và gia đình họ. TL chưa là động lực để thúc đẩy cán bộ công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thậm chí có tác động đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và năng suất lao động. “TL và các chế độ đãi ngộ quá thấp đối với 30% cán bộ công chức làm việc tận tâm, có trách nhiệm” – ông Lợi nhấn mạnh.
Không chỉ thế, quan hệ tiền lương của cán bộ công chức vốn đã bình quân, trong quá trình thực hiện càng thể hiện rõ điều này và không so sánh được giữa người làm tốt và chưa tốt. Bởi cơ bản cứ 3 năm lên một bậc lương, “sống lâu lên lão làng” thay vì gắn với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vị trí việc làm và chức vụ.
Nhiều người ví von TL hiện nay như là phụ cấp, trợ cấp, mới đảm bảo khoảng 50 – 60% mức sống tối thiểu cho NLĐ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc thấy có lý bởi lao động công chức là những người làm công việc đặc biệt. Đó là lao động trí tuệ, có trách nhiệm cao, gắn với quyền lực; không chỉ làm chấp pháp, họ còn xây dựng và ban hành chính sách pháp luật của quốc gia. Thế nhưng, đến nay đội ngũ lao động đặc thù này vẫn phải hưởng đồng lương thấp nhất so với thu nhập của mặt bằng xã hội (tính trên văn bản). “Mỗi lần tăng lương chỉ từ 0,25 - 0,3, tương đương vài trăm ngàn đồng, mà 3 năm mới lên được 1 bậc lương. Hệ thống thang bản lương còn phức tạp, không phản ánh đúng giá trị lao động của người công chức” – ông Phúc dẫn chứng về bất cập của hệ thống TL.
Cải cách tiền lương bằng tinh giản bộ máy
Nếu cán bộ công chức vẫn được nhận đồng lương thấp, sẽ không có động lực để họ làm việc hiệu quả. Đã có nhiều công chức buộc phải làm thêm bên ngoài mới nuôi sống được bản thân và gia đình. Khi “chân ngoài dài hơn chân trong” chắc chắn chất lượng công việc chuyên môn bị ảnh hưởng. “Cải cách tiền lương theo hướng nào?” là câu hỏi được nhiều người đặt ra không chỉ trong thời điểm hiện nay mà cả trước kia. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, Đảng và Nhà nước khẳng định quan điểm thực hiện tốt các chính sách về TL, thu nhập nhằm khuyến khích và phát huy năng lực của NLĐ. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đề ra việc tiếp tục nghiên cứu để cải cách chính sách TL.
Với thâm niên 30 năm nghiên cứu về lương, theo Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, muốn cải cách được TL công chức, chúng ta phải tiếp tục cải cách hành chính, tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối của khu vực hành chính sự nghiệp. Bao gồm đánh giá, tổ chức, xem xét bộ máy đã hợp lý chưa; rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ công chức, viên chức. Những trường hợp công chức có năng lực phẩm chất và sức khỏe yếu, hiệu quả công tác không đạt yêu cầu thì cho ra khỏi biên chế. Một giải pháp quan trọng nhất để cải cách TL là phải xác định rõ bộ máy Nhà nước hiện nay cơ cấu như thế nào để hợp lý và hữu suất. Trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy, chúng ta xác định rõ chức năng nhiệm vụ, khối lượng công việc để quy định biên chế, cơ cấu cán bộ công chức theo trình độ chuyên môn nghiệp vụ công việc. Và phải gắn bố trí cán bộ đúng với vị trí việc làm theo tiêu chuẩn chức danh quy định.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, để cải cách chính sách TL triệt để và có hiệu quả, vấn đề quan trọng là tinh giản được bộ máy của khu vực quản lý Nhà nước. Và, phải tách hoàn toàn khu vực sự nghiệp công lập theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí. TL phải căn cứ vào hiệu quả, hiệu suất, công tác và kết quả đầu ra của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu và Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát. Nhưng quan trọng nhất là phải sớm nghiên cứu để cải cách chính sách TL công chức, xác định đúng lương phần cứng theo hướng trả đúng giá trị lao động theo vị trí việc làm và thu gọn đầu mối các loại phụ cấp có tính chất TL để đảm bảo công bằng giữa các ngành, lĩnh vực.
Tiền lương là đầu tư phát triển
Để NLĐ có động lực, trung thành và tận tụy khi thực thi công vụ, ông Thang Văn Phúc đưa ra 4 nguyên tắc để cải cách lương công chức. Nguyên tắc chủ đạo là tiến hành cải cách cơ bản TL Nhà nước trên cơ sở tư duy mới TL là đầu tư cho phát triển. Chúng ta kế thừa mặt tích cực của TL hiện nay nhưng phải có bứt phá mới để thiết kế lại hệ thống thang bảng lương đơn giản và phù hợp hơn. Chúng ta lấy mức thu nhập trung bình cao của NLĐ DN Nhà nước làm cơ sở để tính lương cho cán bộ công chức. Một nguyên tắc nữa trong việc tính lương công chức là phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và có bước đi, lộ trình cho phù hợp. Ông Phúc cho biết, những nguyên tắc này đã được đặt ra 18 năm, từ Nghị quyết T.Ư 7 Khóa VIII đến nay chưa thực hiện được.
Tới đây, nên cải cách TL theo hướng có nhiều con đường để NLĐ lựa chọn, chẳng hạn chuyên viên thi chuyển ngạch lên chuyên viên chính, rồi cao cấp; nhân viên phấn đấu lên phó, trưởng phòng để có thu nhập tăng lên. Hoặc, thực hiện những công việc ở vị trí phức tạp để được hưởng lương cao. Còn nếu làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” thì không có sản phẩm tốt, nên không thể có thu nhập cao được. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc Nghiên cứu xây dựng chế độ tiền lương hợp lý Trao đổi với Kinh tế & Đô thị xung quanh các ý kiến cho rằng hiện nhiều cán bộ công chức (CBCC) thiệt thòi do còn nhiều năm mới đến tuổi nghỉ hưu nhưng lương đã kịch “trần”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Ban chỉ đạo tiền lương Nhà nước do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban sẽ cùng các cơ quan tiếp tục nghiên cứu để xây dựng chế độ tiền lương phù hợp với CBCC, phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta. Thực tế, hiện lương công chức được tính theo ngạch bậc, và khi đã được xếp ở bậc cuối cùng thì sẽ thực hiện phụ cấp vượt khung - phụ cấp này không bị khống chế tối đa, vì vậy không có khái niệm “trần” lương công chức. Theo Thông tư 11 về hướng dẫn xếp bậc lương, nếu 5 năm, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được thi chuyên viên chính, lúc đó thường chưa đến 30 tuổi; tiếp tục 5 năm nữa vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được thi chuyên viên cao cấp - khi đó công chức chỉ khoảng 35 tuổi. Chuyên viên cao cấp có 6 bậc, mà công chức đó được xếp bậc 1 rồi, theo quy định thì cứ 3 năm lên 1 bậc (chưa tính đến chuyện nâng bậc trước thời hạn), thì lúc đạt được đến bậc cuối cùng của chuyên viên cao cấp, công chức cũng chưa quá 50 tuổi. Còn trong trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ mà CBCC không đủ điều kiện tiêu chuẩn thi nâng ngạch thì người đó được xếp bậc cuối cùng, được hưởng phụ cấp vượt khung. Sắp tới trong Đề án cải cách tiền lương sẽ đề cập một số nội dung: Lương cơ sở sẽ được quy định như thế nào, hệ thống thang bậc lương sao cho linh hoạt phù hợp thể chế thị trường, chế độ phụ cấp và cơ chế quản lý tiền lương… Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng cho biết, nhiều người đang hiểu nhầm chứ thực tế hiện không có khái niệm “trần” lương công chức. Theo quy định hiện hành về chế độ tiền lương của CBCC, viên chức và lực lượng vũ trang tại Nghị định 204 ngày 4/12/2004, CBCC trong cơ quan Nhà nước được xếp lương theo Bảng lương số 2, còn viên chức trong các đơn vị sự nghiệp được xếp theo Bảng lương số 3. Theo đó, lương CBCC được xếp theo các ngạch bậc: Công chức hành chính thì được xếp theo các ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp. Ngạch lương chuyên viên có 9 bậc (từ hệ số 2,34 - 4,98); chuyên viên chính có 8 bậc (từ 4,4 - 6,8); chuyên viên cao cấp có 6 bậc (từ 6,2 - 8,0). Theo quy định, một người đang xếp vào ngạch chuyên viên thì sẽ được nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn. Chẳng hạn, một chuyên viên đủ tiêu chuẩn, không vi phạm kỷ luật, hoàn thành nhiệm vụ được giao thì cứ 3 năm được nâng 1 bậc; nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bình xét thì trong 10% công chức là được nâng bậc lương trước thời hạn. Ngoài nâng bậc lương, khi một công chức đủ điều kiện của ngạch trên thì sẽ được thi nâng ngạch, từ chuyên viên lên chuyên viên chính rồi lên chuyên viên cao cấp. Sau tất cả ngạch, nếu công chức không được lên ngạch trên và đang ở bậc cuối cùng của ngạch thì được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung - mức này không bị khống chế tối đa. Linh Nguyễn |