Nếu như những dòng dầu đầu tiên được khai thác đúng vào năm đầu đổi mới đã giúp ổn định vĩ mô, đưa đất nước vượt qua thách thức thì gần 10 năm sau, những dòng khí đầu tiên được đưa về đất liền… tiếp tục thổi luồng sinh khí mới, làm thay đổi cơ cấu, diện mạo nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp. Đó là câu chuyện về Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS)-nơi hằng năm những dòng khí chuyển về đất liền đóng góp 2% GDP cho đất nước.
Niềm nuối tiếc sau ngọn lửa rực sáng
Dòng khí mang về từ biển khơi hiện cung cấp 30 - 35% sản lượng điện quốc gia và 70% nhu cầu phân đạm toàn quốc, 70% khí ga hóa lỏng LPG cùng hàng loạt sản phẩm khác, mang về doanh thu hơn 3,5 tỷ USD mỗi năm, nộp ngân sách Nhà nước gần 51.000 tỷ đồng; hằng năm đóng góp khoảng 10% doanh thu toàn tập đoàn và hơn 2% GDP cả nước.
“Những con số to lớn ấy, đều do PVGAS chúng tôi thực hiện, nên 2 khái niệm PVGAS và cả ngành công nghiệp khí Việt Nam hiện có ngoại diên trùng nhau” - ông Lê Như Linh, Chủ tịch HĐQT tổng công ty đón chúng tôi tại trụ sở khang trang ở TP Hồ Chí Minh và mở đầu câu chuyện như vậy.
Để hiểu ý nghĩa, vai trò của khí, bạn đọc cần hiểu khí đồng hành được tìm thấy cùng dầu thô, khi khai thác tách khỏi dầu thô.Trong ngành công nghiệp dầu khí thế giới, không phải nước nào cũng khai thác được loại khí này mà người ta thường đốt bỏ, có nước đốt bỏ tới 75%.
Ở nước ta, dòng dầu công nghiệp đầu tiên được khai thác vào mùa hè năm 1986 nhưng khí đồng hành thì vẫn bị đốt bỏ ngay tại giàn khoan. Khi ấy, hình ảnh những ngọn lửa rực sáng trên các giàn khoan trong đêm từng là niềm tự hào về nền công nghiệp dầu khí. Nhưng khí thì bị đốt suốt nhiều năm cho đến năm 1995 mới được chuyển về bờ. Ông Lâm Quang Chiến, Giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp Quản lý và khai thác các công trình khí, kể: Với hệ số khí/dầu bình quân là 150m3/tấn tại các giàn khoan hoàn toàn được đốt bỏ, đến ngày 23/4/1995, Vietsovpetro đã khai thác được tấn dầu thứ 30 triệu từ mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng. Làm một phép tính đơn giản cũng thấy chúng ta đã buộc phải đốt bỏ một lượng khí thiên nhiên khổng lồ ngoài khơi, khoảng 4,5 tỷ mét khối!
Nói như vậy, hẳn nhiều bạn đọc sẽ tiếc nuối vì sao chúng ta để lãng phí như thế?Nhưng việc xử lý khí đồng hành cần đầu tư rất lớn và về chiến lược, chúng ta đã có chủ trương khai thác khí từ rất sớm.
Đưa khí về đất liền
Tại Bảo tàng Dầu khí Việt Nam ở Hà Nội hiện còn lưu giữ một văn bản đánh máy rô-nê-ô đã úa màu thời gian.Đó là bản Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7/7/1988 của Bộ Chính trị ra đời chỉ 2 năm sau khi tìm ra dầu đã chỉ đạo khai thác khí. Nghị quyết nhấn mạnh: “Nhanh chóng lập phương án trước năm 1995 sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”.
Từ năm 1993, dự án sớm đưa khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ đã được triển khai. Ngày 17/4/1995, khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã về tới trạm phân phối khí Bà Rịa và đến ngày 26/4/1995, Nhà máy nhiệt điện Bà Rịa phát ra dòng điện bằng khí đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia. Tiếp đó là dự án nâng mức cung cấp lên 2 triệu mét khối khí/ngày để bảo đảm nhiên liệu cho Nhà máy điện Phú Mỹ vận hành năm 1997. Theo ông Lê Như Linh, để đưa khí vào bờ, tổng vốn đầu tư lên đến 600 triệu USD.Bỏ ra một số tiền “khủng” như vậy vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước thể hiện một tư duy đột phá.
Còn với những người làm công việc ngoài giàn nén khí, ông Nguyễn Xuân Lanh kể: “Những năm 1997-1999 là thời kỳ vô cùng khó khăn, gian khổ. Thiết bị mới, công nghệ mới, con người mới nên sự cố xảy ra liên tục. Ở giàn nén trung tâm, có khi vừa bưng bát cơm lên, chợt thấy tiếng rít inh tai như máy bay phản lực sà thấp, kèm ánh lửa sáng rực cả vùng từ đuốc, lại phải buông bát, chạy như chạy giặc sang giàn. Nhiều hôm trầy trật đến tận khuya vẫn chưa khởi động giàn chạy lại được, phải ăn tạm mì ăn liền rồi làm việc tiếp”.
Cuối năm 1999, chuyên gia vận hành rút về nước, đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật đã nhanh chóng làm chủ công tác vận hành công trình có độ phức tạp cao, hiện đại bậc nhất khu vực lúc bấy giờ.
Những đường ống công nghiệp hóa
Đến nay, dự án khí Bạch Hổ đang được vận hành và khai thác một cách hoàn chỉnh, đạt hiệu quả cao. Với giàn nén khí ngoài khơi, hệ thống đường ống khí dài hơn 150km từ bể Cửu Long đến Nhà máy Điện Bà Rịa, Phú Mỹ, Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải, hằng năm cung cấp 1,5 tỷ mét khối khí khô, 300.000 tấn khí hóa lỏng và 150.000 tấn Condensate. Với hệ thống khí này, từ năm 1999, nước ta đã sản xuất được khí LPG và Condensate hóa lỏng, không còn phải nhập khẩu.
Tháng 12-2002, Dự án thu gom và sử dụng khí bể Nam Côn Sơn có tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, công suất 8 tỷ mét khối khí/năm hoàn thành. Hệ thống đường ống dài hơn 400km từ biển khơi về Phú Mỹ, cung cấp cho các nhà máy điện, khu công nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Hàng loạt nguồn khí được khai thác từ các mỏ Lan Tây, Lan Đỏ năm 2002; Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây năm 2006; Chim Sáo, Dừa năm 2011; Hải Thạch, Mộc Tinh năm 2013 được chuyển qua đường ống này. Hiện nay, đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng đường ống Nam Côn Sơn 2 để vận chuyển, xử lý khí từ nhiều mỏ về bờ từ năm 2018.
Hệ thống khí thứ 3 mang tên PM3-Cà Mau được hoàn thành tháng 4/2007, khai thác khí trên khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a, vận chuyển bằng đường ống dài hơn 300km đã hình thành nên cụm khí-điện-đạm Cà Mau với công suất 2 tỷ mét khối khí/năm; góp phần bừng sáng đất U Minh và đổi thay cả vùng Tây Nam Bộ.
Hệ thống khí thứ 4: Hàm Rồng-Thái Bình với công suất 500 triệu mét khối khí/năm mới vận hành từ tháng 8/2015, phục vụ cho những khu công nghiệp tại Thái Bình và các tỉnh lân cận, mở đường cho việc phát triển khí tại miền Bắc.
Ngoài 4 hệ thống khí trên, dòng khí từ biển khơi còn giúp hình thành hệ thống kho chứa Condensate, LPG khổng lồ; hệ thống cung cấp khí CNG (một loại nhiên liệu sạch thay thế cho xăng, dầu DO, FO), khí thấp áp, CNG, LPG, ống thép… trên khắp mọi miền đất nước.
Nhìn trên thềm lục địa và các vùng biển Việt Nam, nước ta có tới 8 bể trầm tích dầu khí.So với “dầu”, ngành công nghiệp khí đã thực sự đi trước khi đến nay, khai thác ở 4/8 bể khí.PVGAS còn đặt mục tiêu vươn ra thị trường quốc tế, vươn lên hàng thứ 4 khu vực ASEAN và có tên trong các tập đoàn khí mạnh của châu Á.
Những “nhà máy điện Hòa Bình” ở phía Nam Tổ quốc
Còn nhớ, khi sự cố đường ống dẫn khí PM3 xảy ra đầu năm 2014, một tổ máy của Nhà máy điện Ô Môn, 3 tổ máy tuabin khí của các nhà máy điện Cà Mau phải chuyển sang chạy bằng dầu DO, chỉ riêng tiền phát sinh đã lên tới 70 tỷ đồng/ngày cũng đủ thấy tầm quan trọng của khí lớn như thế nào đối với an ninh năng lượng. Theo ông Nguyễn Mậu Dũng, Phó tổng giám đốc PVGAS, tính ra, chỉ riêng việc đưa khí vào sử dụng thay thế dầu DO để sản xuất điện đã tiết kiệm cho đất nước khoản ngoại tệ gần 10 tỷ USD từ chênh lệch giữa giá khí và giá dầu DO.
Chính nhờ các đường ống dẫn khí mà dải đất phía Nam của Tổ quốc hầu như chưa có nhà máy điện đã hình thành ở Bà Rịa-Vũng Tàu và Cà Mau 2 trung tâm sản xuất điện năng lớn nhất nước. Ông Hồ Tuấn Kiệt, Phó giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau cho biết, tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng 2 nhà máy điện dầu khí ở Cà Mau đã mang lại công suất tương đương một nhà máy thủy điện Hòa Bình ở phía Nam Tổ quốc, chiếm 7% tổng sản lượng điện quốc gia. Nhìn xa hơn thì Dự án Khí-Điện-Đạm Cà Mau cùng với Dự án khí Lô B-Ô Môn đưa khí từ biển Tây đến tổ hợp các nhà máy điện ở Ô Môn (Cần Thơ) sẽ đưa Đồng bằng sông Cửu Long thành một trung tâm năng lượng của Việt Nam.
Hướng tới đầu tư “thượng nguồn”
Khí đã về đất liền nhưng công việc trước mắt là phải xây dựng cho nhanh Nhà máy xử lý Khí Cà Mau. Chuyện là, hóa ra lâu nay, dù đã có cả tổ hợp khí điện đạm Cà Mau, nhưng theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Ban Quản lý Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau, nhiều phần khí có giá trị cao vẫn chưa được tách ra khai thác “tinh” mà mới xử lý thô, giá trị gia tăng chưa cao. Hiện dự án được phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến năm 2015 mới khởi công và theo dự kiến, đến mùa hè năm 2017 mới đi vào hoạt động. Ông Huy cho hay, chậm một ngày sẽ lãng phí hàng trăm nghìn USD do khí “tinh” chưa được bóc tách.
Đó cũng là trăn trở của những người “dẫn khí”. “Nếu chỉ làm cái việc hút khí rồi tải về ống đem bán thì vẫn chưa tối ưu mà cần làm từ A đến Z. Phải phát triển một ngành công nghiệp khí hoàn thiện. Không chỉ vận chuyển, xử lý rồi mang bán như hiện nay mà phải trở thành chủ đầu tư, tự đầu tư, khai thác các mỏ khí, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ thu gom, sơ chế mà phải tinh chế ra nhiều sản phẩm. Không chỉ chế biến mà phải chế biến sâu-tàng trữ-dịch vụ-kinh doanh, tham gia hoạt động đầu tư thượng nguồn, đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí”-ông Lê Như Linh nói. Sẽ có nhiều sản phẩm mới đến tận căn bếp hay chiếc xe của mỗi gia đình như khí thiên nhiên nén CNG, sạch và rẻ hơn so với xăng, dầu đến 30%. Hiện đã có hơn 250 phương tiện giao thông dùng CNG ở TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu.
Nói không ngoa thì chính công nghiệp khí đã phá vỡ một phần thế độc quyền của ngành điện lực. Ngành công nghiệp khí tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng đã làm được rất nhiều điều lớn lao. Như một mũi xung kích, các dòng khí từ biển khơi đã thổi luồng sinh khí không nhỏ vào con tàu đổi mới...
Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau.
|
Còn với những người làm công việc ngoài giàn nén khí, ông Nguyễn Xuân Lanh kể: “Những năm 1997-1999 là thời kỳ vô cùng khó khăn, gian khổ. Thiết bị mới, công nghệ mới, con người mới nên sự cố xảy ra liên tục. Ở giàn nén trung tâm, có khi vừa bưng bát cơm lên, chợt thấy tiếng rít inh tai như máy bay phản lực sà thấp, kèm ánh lửa sáng rực cả vùng từ đuốc, lại phải buông bát, chạy như chạy giặc sang giàn. Nhiều hôm trầy trật đến tận khuya vẫn chưa khởi động giàn chạy lại được, phải ăn tạm mì ăn liền rồi làm việc tiếp”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn nút khởi động Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau.
|
Hệ thống khí thứ 3 mang tên PM3-Cà Mau được hoàn thành tháng 4/2007, khai thác khí trên khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a, vận chuyển bằng đường ống dài hơn 300km đã hình thành nên cụm khí-điện-đạm Cà Mau với công suất 2 tỷ mét khối khí/năm; góp phần bừng sáng đất U Minh và đổi thay cả vùng Tây Nam Bộ.
Hệ thống khí thứ 4: Hàm Rồng-Thái Bình với công suất 500 triệu mét khối khí/năm mới vận hành từ tháng 8/2015, phục vụ cho những khu công nghiệp tại Thái Bình và các tỉnh lân cận, mở đường cho việc phát triển khí tại miền Bắc.