Nghiêm trọng hơn, chỉ trước đó vài tháng cũng tại phòng khám này, một bệnh nhi bị viêm phổi cũng được bác sĩ Sơn tiêm sau đó tử vong tại bệnh viện. Do gia đình nạn nhân không có khiếu kiện, vì thế vụ việc chỉ bị chuyển sang xử lý hành chính. Theo đó, phòng khám này bị phạt 17,5 triệu đồng do hành nghề không phép và yêu cầu phòng khám phải đóng cửa. Đồng thời, ông Sơn ký cam kết không tiếp tục hành nghề khi chưa được cấp phép hoạt động theo đúng quy định. Nhưng thực tế thì phòng khám này vẫn tiếp tục hoạt động không phép. Chỉ đến khi cháu bé thứ hai tử vong và báo chí vào cuộc thì bác sĩ Phạm Anh Sơn mới bị tạm đình chỉ 15 ngày để phục vụ công tác điều tra. Được biết, cả hai cháu bé tử vong đều cùng một triệu chứng ho và được tiêm bằng cùng một loại thuốc để rồi cả hai đều tử vong. Câu hỏi đặt ra là vì sao những phòng khám "chui" nhưng "hoạt động công khai" như thế này nhiều năm mà các cấp chính quyền địa phương lại không biết để ngăn chặn? Thử hỏi, nếu không xảy ra vụ cháu bé tử vong thì liệu có ai biết đây là phòng khám không phép? Cũng tương tự, trước đó vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường cũng hoạt động gần cả năm trời nhưng chỉ khi xảy ra vụ án, chính quyền sở tại và đơn vị quản lý chuyên môn "mới biết" (?) những hoạt động tại đây là chưa được cấp phép (?). Có thể thấy, trách nhiệm quản lý "có vấn đề"! Thực ra đây là câu chuyện kiểu "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"! Bởi, hai từ "trách nhiệm" đã được dư luận mổ xẻ trên nhiều khía cạnh, thế nhưng cứ mỗi vụ việc người ta lại đưa ra được một lý do hết sức "chính đáng". Nhưng có nhiều trường hợp có những lý do rất "lạ". Ví dụ vi phạm trật tự xây dựng là cả một ngôi nhà to đùng, thế nhưng khi được hỏi đến thì những người có trách nhiệm ở cơ sở rất "ngỡ ngàng" vì "không biết gì"(?). Hay những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự thì rất nhiều nơi trả lời rằng " không thấy người dân báo"(!?) Trong vụ việc cụ thể tại phòng khám của bác sỹ Sơn tại Thường Tín thì ngoài trách nhiệm, dư luận còn quan tâm nhiều đến lương tâm một con người, đặc biệt là người thầy thuốc. Bởi, thầy thuốc vốn là nghề cứu người và "Lương y như từ mẫu". Hơn nữa, trường hợp vi phạm pháp luật ở đây là người có trình độ, được học hành và đã là Trưởng khoa của một bệnh viện! Ấy vậy mà chỉ trong vòng nửa năm, vị lương y này đã gây nên hai cái chết thương tâm, mặc dù đã có lúc vị này hứa sẽ đóng cửa phòng khám để tự vấn lương tâm!